Đơn cử, khi tham gia hội chợ tại Hồng Kông, khách hàng sẽ được tặng ngay 230 USD, không kể có giao dịch hay không. Ở Philippines, khách tới tham dự hội chợ, ngoài việc được tặng 230 USD, còn được đưa đón miễn phí. Thậm chí, ở Tây Ban Nha, có những khách tới tham dự hội chợ còn được miễn phí khách sạn và vé máy bay...
Trong khi đó, năm nay mới là năm thứ hai mà hoạt động tổ chức cho các DN nước ngoài vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng xuất khẩu, tổ chức hội chợ xuất khẩu tại Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Với riêng tổ chức sự kiện Lifestyle Vietnam, Vietcraft được Nhà nước hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ cho DN trong chi phí gian hàng và là con số lớn so với nhiều chương trình khác. Song nếu so với sự ưu đãi của các nước khác dành cho khách nước ngoài như các ví dụ nêu trên, thì con số này vẫn rất “khiêm tốn” và rất khó cạnh tranh.
Điểm khó thứ hai trong việc tổ chức hội chợ xuất khẩu của Việt Nam là cơ sở hạ tầng dành cho tổ chức hội chợ của Việt Nam yếu hơn hẳn so với các quốc gia khác. Ở Việt Nam, hiện chưa có trung tâm triển lãm nào có diện tích vượt quá 1 ha. Trong khi đó, không cần so sánh với những nước có ngành công nghiệp triển lãm phát triển như Đức hay Mỹ, chỉ riêng các nước trong khu vực cũng đã có cơ sở hạ tầng “ăn đứt” Việt Nam. Ví dụ, tương tự Lifestyle Vietnam, ở Hồng Kông được tổ chức trên diện tích khoảng 91.500 m2; Singapore tổ chức trên diện tích 60.000 m2; Thái Lan tổ chức trên diện tích 45.000 m2...
Sở dĩ câu chuyện tổ chức hội chợ xúc tiến xuất khẩu được nói ở thời điểm này là bởi hiệu quả của việc tổ chức các đoàn DN nước ngoài tới tham quan và tìm hiểu khả năng sản xuất của các DN trong nước là rất lớn. Không những thế, việc tổ chức hội chợ ở trong nước còn giúp DN trong nước tiết kiệm đáng kể chi phí xúc tiến thương mại.
Theo tính toán của Vietcraft, chi phí của 69 DN Việt Nam tham gia hội chợ Ambiente (Frankfurt - Đức) năm 2009 đã tới 2 triệu USD. Chi phí tham dự hội chợ tại nước ngoài đắt gấp 10 lần so với tham dự các hội chợ tổ chức trong nước, khiến DN mong muốn có những hội chợ xuất khẩu ngay tại Việt Nam
Với những khó khăn nêu trên, để tạo được sự cạnh tranh, yếu tố tiên quyết là các nhà tổ chức hội chợ của Việt Nam phải phát huy được thế mạnh quốc gia. Bản thân Vietcraft cũng đã nhận thức được điều này và thể hiện mong muốn lần đầu tiên tổ chức sự kiện hội chợ xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng thành công dựa trên những lợi thế của mình.
Ông Lê Bá Ngọc cho rằng, lợi thế có tới 2.017 làng nghề sẽ rất phù hợp cho Việt Nam thu hút các DN nước ngoài tới tham gia Hội chợ và tìm hiểu khả năng sản xuất cùng tính đa dạng của các DN Việt Nam.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm và khả năng xuất khẩu của các DN Việt Nam sản xuất những mặt hàng này trong những năm qua cũng là một lợi thế đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu của cả đồ gỗ và mặt hàng thủ công mỹ nghệ năm 2009 ở mức trên 4 tỷ USD đã cho thấy khả năng của các DN trong lĩnh vực này. Ngoài ra, với dự đoán sức hồi phục của các thị trường trong thời gian tới, khả năng tăng xuất khẩu của mặt hàng đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ và quà tặng của các DN Việt Nam là rất lớn. Những lợi thế này sẽ giúp việc tổ chức sự kiện nói trên của Vietcraft tốt hơn.
Một trong những khó khăn, theo ông Ngọc, đây là lần đầu tiên sự kiện này diễn ra tại Việt Nam. Do đó, sự tham gia tích cực của các DN sẽ là một lợi thế giúp ngành sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ và quà tặng của Việt Nam tạo vị thế trong mắt DN nhập khẩu. Khi đó, việc tổ chức hội chợ xuất khẩu sẽ bớt gian nan hơn.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com