![]() Trong khi đồ chơi Trung Quốc đáp ứng hầu hết các nhu cầu của khách hàng Việt thì các sản phẩm sản xuất trong nước lại nghèo về mẫu mã |
Thị trường đồ chơi trẻ em có đến 80% là hàng nhập ngoại, trong đó chủ yếu là các sản phẩm của Trung Quốc với chất lượng không đảm bảo. Thị phần ít ỏi còn lại cho thấy, các nhà sản xuất đồ chơi trong nước dường như vẫn phải đứng bên lề cuộc chơi.
Gặp được anh Đinh Huy Tuấn - Giám đốc Công ty Tân Thuận Phát, đồng thời cũng là chủ nhân của nhiều cửa hàng Tiditoys tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên toàn quốc không dễ. Nhưng có lẽ sức hút từ câu chuyện đồ chơi nội - ngoại đã khiến anh dứt công việc dành cho tôi một khoảng thời gian để trò chuyện.
Nhà phân phối: Mỏi mắt chờ hàng
Tiditoys được khởi đầu từ niềm say mê của anh Tuấn đối với những khối gỗ xếp hình đủ màu mà anh đã mua cho con trai trong một chuyến công tác tại TP. HCM. Anh Tuấn dự định mua thêm nhiều bộ đồ chơi như vậy nữa để tặng cho các em bé khác, nhưng ở vào thời điểm đó, việc ấy quá khó vì không biết kiếm những đồ chơi đó ở đâu.
Và rồi các cửa hàng Tiditoys lần lượt ra đời. Anh cho biết, trong 2 năm đầu tiên, 100% sản phẩm của Tân Thuận Phát đều do trong nước sản xuất. Thế nhưng, đến nay tỷ lệ đó chỉ còn 30%. 70% là sản phẩm đồ chơi nhập từ Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... Mặc dù vậy, mặt hàng đồ chơi gỗ của Việt Nam lại chiếm tới 40% doanh thu của Tiditoys. Điều đó chứng tỏ rằng, không phải người Việt quay lưng lại với đồ chơi trẻ em do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, nhất là các sản phẩm bằng gỗ, mà chỉ bởi có quá ít nhà sản xuất trong nước trong lĩnh vực này.
Sau 5 năm hoạt động trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm đồ chơi Việt, anh Tuấn cho biết khách hàng tỏ ra rất thích thú với các sản phẩm đồ chơi do Việt Nam sản xuất vì độ bền cao, các chi tiết được gia công kỹ lưỡng, tinh tế… Điều quan trọng nhất là chúng mang tính giáo dục cao…
Tuy nhiên, anh Tuấn cũng cho biết, trên thực tế, các sản phẩm đồ chơi của Việt Nam còn thiếu mẫu mã do các nhà sản xuất trong nước chưa tập trung đầu tư để có đội ngũ cán bộ có trình độ thiết kế tốt. Và những nhà phân phối cần hàng nghìn mẫu mã sản phẩm một lúc như công ty anh thường phải tìm nguồn hàng nhập khẩu để bù vào sự thiếu hụt về mẫu mã đó.
Nhà sản xuất: Gồng mình cạnh tranh
Mang câu chuyện nhiều nhà phân phối khan hiếm nguồn hàng trong nước chúng tôi tìm gặp ông Lưu Văn Quảng - Giám đốc Công ty Cổ phần Veesano. Là một công ty trong nước có tiếng chuyên sản xuất đồ chơi cho trẻ em, trung bình mỗi năm Veesano tăng trưởng 20%, thậm chí nếu mở rộng quy mô sản xuất thì có thể đạt tới 25 - 30%. Trao đổi với Doanh Nhân, ông Quảng cho biết: “Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp trong nước quan tâm và đầu tư không đúng mức cho thị trường nội địa, chỉ tập trung cho các đơn hàng xuất khẩu. Trong khi đồ chơi Trung Quốc đáp ứng hầu hết các nhu cầu của khách hàng trong nước thì các sản phẩm sản xuất trong nước nghèo về mẫu mã, không có bộ phận chuyên thiết kế mẫu mới, chủ yếu đi copy mẫu, giá cả và chất lượng còn nhiều bất cập”.
Điểm mặt các nhà sản xuất đồ chơi gỗ lớn của Việt Nam hiện nay (các đơn vị sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế) chỉ có vài ba đơn vị. Các công ty này tập trung tới 90% năng lực để gia công đồ chơi cho các hãng nước ngoài. Cũng đã có nhà sản xuất Việt Nam trong 2 năm trở lại đây tìm cách phát triển dòng hàng đồ chơi gỗ có thương hiệu riêng nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thành sản phẩm cao hơn tới 30% so với sản phẩm cùng chất lượng nhập của nước ngoài. Hơn nữa, với nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, các sản phẩm đồ chơi gỗ có thương hiệu riêng chỉ dừng lại khoảng 20 - 30 mẫu sản phẩm.
Anh Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Công ty thương mại Vũ Tiến, cho biết, những sản phẩm của công ty anh chủ yếu là để xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước anh chưa dám sản xuất phục vụ tiêu dùng đơn lẻ bởi rất khó tiêu thụ. Do đó, tại thị trường nội địa, những sản phẩm của Vũ Tiến mới chỉ bước đầu hướng vào một số cơ sở giáo dục, điểm vui chơi công cộng, theo đơn đặt hàng lớn chứ chưa phổ biến rộng rãi ra cộng đồng.
Giải thích cho việc sau bao nhiêu năm sản xuất đồ chơi xuất khẩu, đến nay, Nam Hoa mới bắt đầu triển khai thị trường nội địa, anh Nguyễn Thành Vũ - Giám đốc bán hàng của Nam Hoa cho biết, lý do chính là vì Nam Hoa cần thời gian tham khảo ý kiến của các chuyên gia từ Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore... để nghiên cứu và cải tiến các sản phẩm cho thị trường Việt Nam.
Một lý do khác mà nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn là đồ chơi trẻ em cần đạt quá nhiều tiêu chuẩn như: không được nhỏ quá, rơi nhiều lần không vỡ, khi vỡ thì không được sinh ra những đầu nhọn, nếu có dây thì không được quá dài... Hơn nữa, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp thì ngành kinh doanh này không phải là siêu lợi nhuận, vì vậy các doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.
Cần đầu tư thích đáng
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng đại diện của nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước vẫn tỏ ra rất lạc quan về tương lai của thị trường nội địa. Ông Lưu Văn Quảng cho biết: “Việt Nam có những ưu thế nhất định khi tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi, đó là giá nhân công rẻ, thợ có tay nghề khéo léo, nguồn nguyên liệu đầu vào (gỗ) sẵn có. Nếu biết tận dụng thời cơ do phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” mang lại, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội giành thị phần”.
Tuy nhiên, ông Quảng cũng khuyến cáo, đặc thù ngành này đòi hỏi doanh nghiệp tham gia cần có kế hoạch đầu tư lâu dài; hướng nhiều về cộng đồng; tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển một cách bài bản; có chiến lược xây dựng thương hiệu ngay từ khi tham gia thị trường. Ngoài ra, ông Quảng cũng nhấn mạnh tới việc phát triển các hoạt động thương mại điện tử để đẩy mạnh công tác bán hàng ở thị trường nội địa.
Hiện các nhà sản xuất trong nước tỏ ra rất quan tâm tới thông tin kể từ ngày 15/4/2010 đồ chơi trẻ em, bất kể sản xuất trong nước hay nhập khẩu, chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Đa phần đều cho rằng, nếu điều này trở thành hiện thực thì hàng của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được so với hàng nhập khẩu, nhất là hàng Trung Quốc. Và đây cũng là thời cơ tốt để các nhà sản xuất Việt Nam tới gần hơn với đại đa số người dùng Việt.
Anh Đinh Huy Tuấn cho rằng, cần có đầu tư thỏa đáng cho ngành công nghiệp này. Theo anh, hiện tại ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi Việt Nam đang chỉ trông đợi vào nguồn đầu tư của một vài cá nhân, một vài công ty hay vài quỹ đầu tư tư nhân. Để đạt mục tiêu có được thương hiệu đồ chơi Việt có uy tín, chặng đường trước mắt còn rất dài. “Để rút ngắn chặng đường này, cần phải có sự ra tay của cả cộng đồng, trước mắt là các doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau”, anh Tuấn nhận xét.
(Theo Ngọc Bích // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com