VN rớt từ vị trí số 1 đạt được trong năm 2008 xuống thứ hạng 23 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới theo công bố báo cáo thường niên về chỉ số phát triển mảng kinh doanh bán lẻ (GRDI) trên toàn cầu năm 2011 của hãng tư vấn danh tiếng của Mỹ A.T. Kearney. Căn nguyên nào khiến năm thứ 3 liên tiếp thị trường bán lẻ VN bị rớt hạng? DĐDN có cuộc trao đổi cùng ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Ông Vinh cho rằng, nếu đánh giá khách quan thì thị trường bán lẻ của VN vẫn còn sức hút nhất định, nhờ quy mô thị trường cũng như số lượng người tiêu dùng. Dự báo đến 2012, thị trường bán lẻ VN có thể đạt quy mô 113 tỷ USD và dân số lên tới gần 89 triệu người.
Bên cạnh đó, kênh mua sắm hiện đại thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích của VN mới chiếm khoảng 18%. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn cũng mới đạt trên 20%. Trong khi đó con số này cao hơn nhiều ở các nước khu vực, như Thái Lan 34%, Trung Quốc 51%, Singapore 90%... Mục tiêu của VN đến năm 2020 đạt khoảng 35 - 40%. Như vậy cơ hội vẫn đang mở rộng cho các DN muốn đầu tư vào kênh phân phối này.
- Vậy ông nhìn nhận thế nào về việc công bố phá sản của siêu thị điện máy WonderBuy mới đây ?
Nếu nhìn bề ngoài thì rõ ràng đây là thông tin không tốt đối với thị trường phân phối bán lẻ VN, nhưng đây là sự khủng hoảng cần thiết để các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài cân nhắc thận trọng hơn khi đầu tư vào VN.
Việc phá sản của WonderBuy cũng là hồi chuông cảnh báo các DN cần phải nỗ lực hơn nữa trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ được dự báo còn khốc liệt hơn trong thời gian tới bởi các kênh phân phối truyền thống trong nước vẫn thống lĩnh, còn các mô hình bán lẻ mới bắt đầu xuất hiện cũng đang thu hút các DN đầu tư trong nước.
- Mô hình bán lẻ mới như siêu thị, cửa hàng tiện ích trong thời gian qua cũng đã phát triển mạnh ở VN, nhưng dường như chưa chú trọng đến chất lượng dịch vụ ?
Quả là chất lượng dịch vụ các siêu thị chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu, ngay cả các siêu thị lớn ở Hà Nội và TP HCM. Đó chính là nguyên nhân vì sao kênh phân phối qua siêu thị chưa cạnh tranh được với kênh phân phối truyền thống với mạng lưới lan tỏa sâu rộng vào từng thôn xóm, ngõ ngách...
Trên thực tế, không phải đến bây giờ mới có siêu thị phá sản mà trước đó cũng đã có những siêu thị bị "mất tên" trên thị trường như siêu thị Đinh Lễ, siêu thị Ngã Tư Sở, siêu thị Marko...
- Nhưng bất cập ở kênh phân phối này chắc chắn không phải là nguyên nhân dẫn đến sự rớt hạng của thị trường bán lẻ VN bởi nó mới chỉ chiếm khoảng 18%, thưa ông ?
Sự rớt hạng của thị trường bán lẻ VN chủ yếu là do các yếu tố như: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong sáu tháng đầu năm của VN chỉ tăng trưởng hơn 6,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ của các năm trước; Những bất ổn về kinh tế vĩ mô; Chi phí mặt bằng cao; Thủ tục hành chính rườm rà... Bên cạnh đó là việc mở thêm địa điểm bán lẻ của DN bán lẻ nước ngoài phải có điều kiện. Và như vậy cũng sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư của các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài tại VN.
- Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính lại do sự yếu kém trong công tác quy hoạch, thưa ông ?
Lâu nay các phân tích đánh giá về thị trường bán lẻ của VN chủ yếu dựa vào các tài liệu nước ngoài. Các cơ quan quản lý trong nước chưa có được những đánh giá đầy đủ, chi tiết để đưa ra được các dự báo sát với thực tế, điều kiện của VN. Chúng ta cũng chưa có quy hoạch tổng thể cho hệ thống phân phối của cả nước. Và những yếu kém trong công tác quy hoạch đã bộc lộ rất rõ trong thời gian gần đây mà biểu hiện cụ thể là đã có những đại siêu thị cấp phép ngay trung tâm thành phố, hoặc trên cùng một địa bàn, nhiều siêu thị được được cấp phép, dẫn đến sự phân bổ không hợp lý. Điều này có thể dẫn đến sự cạnh tranh triệt tiêu nhau.
Ngay Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn của Thủ đô thì quy hoạch mạng lưới phân phối cũng chỉ vừa mới thông qua. Nhưng những quy định cụ thể như, ai chỉ huy, vốn ở đâu, cơ chế như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng.
Sự rớt hạng cũng như công bố phá sản của Wonderbuy, dưới góc độ quản lý nhà nước cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhìn nhận và đánh giá lại nghiêm túc tiềm năng của thị trường bán lẻ VN và tích cực hơn trong việc đưa ra các giải pháp để thúc đẩy thị trường phát triển. Bởi chúng ta có tiềm năng nhưng không có cơ chế tạo động lực để phát huy và phát triển thì đó là sự lãng phí.
- Vậy theo ông đâu là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như thúc đẩy sự phát triển của hệ thống siêu thị trong thời gian tới ?
Với những bất cập nêu ở trên, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống phân phối quốc gia. Gắn phân phối với sản xuất. Đây chính là cái gốc để phát triển thương mại trong nước. Bởi nếu không tạo ra được hàng hóa quy mô lớn, năng suất cao thì khó có thể thúc đẩy thương mại nội địa phát triển.
Thứ hai, cần phải sớm có cuộc tổng điều tra, rà soát chấn chỉnh hoạt động của các siêu thị theo các tiêu chuẩn mà Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương đã công bố. Bởi hiện nay nhiều siêu thị không đạt tiêu chuẩn vẫn tồn tại, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.
Thứ ba là tăng cường công tác kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trốn thuế trên thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất.
Thứ tư, về phía các siêu thị, do quy mô của các siêu thị hiện nay còn nhỏ, chuỗi sản phẩm phân phối còn rời rạc, tốn chi phí, bởi vậy trong thời gian tới phải tăng cường liên kết nhằm giảm thiểu các chi phí.
- Xin cảm ơn ông !
Phan Nam thực hiện // Theo Diễn đàn doanh nghiệp
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com