![]() |
Việt Nam phải tăng tốc mạnh mẽ hơn thì mới có thể bảo toàn được vị trí |
Năm 1999 đánh dấu một mốc son sáng chói, bởi chỉ sau 8 năm thực hiện đường lối chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời cũng là năm đầu tiên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mở rộng danh mục từ 30 lên 50 quốc gia xuất, nhập khẩu hàng hoá nhiều nhất thế giới, Việt Nam đã lập tức có mặt.
Thế nhưng, từ đó đến nay, trong khi tăng được 8 bậc trong xếp hạng nhập khẩu, thì việc bị đẩy ra khỏi bảng xếp hạng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hoá nhiều nhất thế giới ngay trong năm thứ hai gia nhập WTO (2008) hiển nhiên là điều không hài lòng.
Thực tế, kể từ khi Việt Nam được xếp hạng thứ 50 về xuất khẩu và thứ 49 về nhập khẩu trong 50 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất, nhập khẩu hàng hoá nhiều nhất thế giới năm 1999 đến năm 2008, nhịp độ tăng xuất khẩu bình quân 20,94%/năm của nước ta không hề thấp.
Thế nhưng, trong cuộc đua thương mại toàn cầu, nhịp độ tăng như vậy không đủ nhanh, bởi 8 năm sau, tức là đúng vào năm Việt Nam gia nhập WTO, thì vị trí đó vẫn không thay đổi và cũng không thay đổi chút nào vào thời điểm kết thúc năm 2007, khi kỷ niệm 1 năm gia nhập WTO.
Không những thế, chính trong năm kỷ niệm hai năm gia nhập WTO, mặc dù xuất khẩu tăng đại nhảy vọt 29,08%, chúng ta lại bị “rớt đài”. Nhưng có lẽ cũng không phải quá thất vọng với việc này, bởi chúng ta có những “người bạn đồng hành” khác là Israel, Bồ Đào Nha và Philippines ở ba vị trí liền kề nhau từ 46 đến 48 cũng bị “rớt đài”; hơn nữa, 4 “kẻ soán ngôi” là những quốc gia được hưởng lợi quá lớn do sốt nóng giá dầu mỏ thế giới.
Trong khi đó, cho dù cũng rất “sít sao” so với xuất khẩu, bởi trong 10 năm này cũng chỉ tăng bình quân 21,51%/năm so với 20,94%/năm, nhưng do nhập khẩu ở thời điểm xuất phát đã “vênh” 2,139 tỷ USD so với xuất khẩu, cho nên sự lệch tốc “tý chút” như vậy cũng đã đủ làm cho nhập khẩu “vênh” 18,029 tỷ USD so với xuất khẩu.
Do vậy, thứ hạng của Việt Nam trong danh sách 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hoá nhiều nhất thế giới trong 10 năm qua nhìn chung “vẫn được cải thiện” và chúng ta vẫn “trụ vững” ở vị trí thứ 41 trong danh sách 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hoá nhiều nhất thế giới.
Hy vọng 2009
Cho dù xuất khẩu giảm 9,39% và bảng xếp hạng chưa được công bố, nhưng năm 2009 vẫn là năm nước ta có thể hy vọng được ghi danh trở lại trong bảng xếp hạng này của thế giới. Bởi lẽ, với việc giá dầu mỏ thế giới năm 2009 rơi tự do 36,34%, kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia giàu nguồn vàng đen này đều “co lại” chắc chắn cũng không khác gì năm 2007 bao nhiêu. Do vậy, những quốc gia càng không phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, càng có cơ hội giành lại vị trí đã mất.
Hẳn nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi chúng ta chưa thể có đủ các số liệu thống kê của tất cả các quốc gia thì tuy đây cũng chỉ là những suy đoán, nhưng hoàn toàn có cơ sở. Kazakstan ở vị trí cao ngất ngưởng 43, mà chúng ta chưa bao giờ đạt được là một minh chứng có lẽ rõ ràng nhất. Bởi lẽ, theo số liệu thống kê của WTO, kim ngạch xuất khẩu của Kazakstan đã “tụt dốc không phanh” từ 71,2 tỷ USD năm 2008 xuống chỉ còn 43,196 tỷ USD trong năm 2009, tức là giảm tới 39,33% và thấp hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu 56,8 tỷ USD của nước ta, nên gần như đương nhiên bị loại khỏi danh sách 50 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hoá nhiều nhất thế giới của WTO.
Ngoài ra, năm 2009 chắc chắn là năm “tệ hại” kỷ lục của thương mại toàn cầu kể từ sau đại khủng hoảng kinh tế thế giới (1930-1932) đến nay, cho nên có rất nhiều khả năng mức giảm 9,39% trong xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam lại là “niềm mơ ước” của không ít các quốc gia hướng mạnh về xuất khẩu để phát triển kinh tế như nước ta.
Thế nhưng, cũng do nhập khẩu của nước ta giảm không quá lớn so với một loạt quốc gia khác, cho nên khả năng nhập khẩu của nước ta vẫn chiếm giữ thứ hạng cao vẫn vượt trội so với xuất khẩu cũng là rất lớn.
Nỗ lực 2010
Trong khi nỗ lực hạn chế nhập khẩu vừa để kiềm chế nhập siêu, vừa để giảm thứ hạng nhập khẩu chắc chắn phải gắt gao hơn nữa mới có thể thành công, thì việc phấn đấu chỉ tăng xuất khẩu 6% như mục tiêu đã đề ra, thậm chí 7% như mục tiêu phấn đấu trong năm nay có thể cũng chưa đủ bảo đảm để chúng ta giữ được vị trí trong bảng xếp hạng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hoá nhiều nhất thế giới.
Thực tiễn đời sống kinh tế thế giới cho thấy, sau mỗi lần chao đảo, thương mại toàn cầu nói chung đều hồi phục mạnh mẽ trở lại. Các dự báo của các định chế tài chính quốc tế cũng cho thấy, thương mại thế giới năm 2010 sẽ hồi phục rất mạnh mẽ, nên chúng ta càng phải tăng tốc mạnh mẽ hơn thì mới có thể bảo toàn được vị trí. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, xuất khẩu hàng hoá thế giới năm nay sẽ tăng 8,6% (lượng tăng 2,5% và giá tăng 5,4%).
Do vậy, thay vì giảm thấp hơn nhiều trong năm 2009, năm nay, chúng ta phải bảo đảm tăng cao hơn nhiều so với nhịp độ tăng chung của xuất khẩu hàng hoá thế giới thì mới giữ được vị trí trong bảng xếp hạng danh giá này.
(Theo Nguyễn Đình Bích // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com