Giá dầu thô ngọt nhẹ lao dốc xuống mức thấp nhất trong 7 tháng, tại 69,41 đôla, giảm 1%. Trong khi đó, thị trường giao dịch vàng đen tiếp tục ảm đạm do đồng euro tăng giá trở lại so với đôla.
Khép lại phiên giao dịch trên sàn hàng hóa tập trung NYMEX, dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 giảm 67 cent, tương ứng 1%, xuống 69,41 đôla mỗi thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009. Ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 70 đôla được xem là rất mạnh của dầu thô trong thời gian qua đã chính thức bị xuyên thủng. Tại London, giá dầu Brent biển Bắc cũng mất 67 cent (0,9%), xuống 74,43 đôla một thùng – thấp nhất kể từ ngày 15/2. Giới đầu cơ tiếp tục đánh xuống mặt hàng dầu mỏ sau khi 16 đồng chủ chốt thế giới cùng xuống mức thấp nhất trong 4 năm so với đồng bạc xanh. Nhiều khả năng, hôm nay Cơ quan năng lượng Mỹ sẽ công bố lượng dự trự dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng tuần thứ 15 liên tiếp.
Thị trường vàng quốc tế chịu áp lực chốt lời mạnh.Trên bảng điện tử COMEX, giá vàng giao tháng 6 đóng cửa phiên giao dịch 18/5 giảm 13,5 đôla xuống 1.214,6 đôla mỗi ounce. Vàng giao ngay trong khi đó biến động rất mạnh, giảm từ mức mở cửa là 1.225 đôla xuống dưới 1.210 đôla mỗi ounce vào giữa phiên, sau đó tăng vọt lên gần 1.230 đôla/ounce trước khi chốt phiên ở mức khoảng 1.224 đôla/ounce. Tuy nhiên, sức cầu đối với mặt hàng kim loại quý như một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh khủng hoảng vẫn không hề suy giảm ở nhiều nước cũng như tại khu vực châu Âu.
Một số tín hiệu phân tích kỹ thuật cho thấy, việc vàng giảm giá đêm qua không hề ảnh hưởng tới xu hướng đi lên của mặt hàng vàng vật chất. Theo Kitco, đợt điều chỉnh giảm lần này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thị trường đi lên sau đó. Xu hướng tăng giá vẫn được nhìn thấy trong ngắn hạn. Mục tiêu tiếp theo sẽ là tái lập đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại vừa được thiết lập gần đây là 1.249,7 đôla/ounce.
Đồng bạc xanh lên ngưỡng cao nhất so với euro trong 4 năm. Cầu nước ngoài đối với đồng đôla tăng mạnh trong phiên giao dịch đêm qua bởi tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu khuyến khích đầu tư dài hạn vào tài sản đồng đôla. Trên bảng điện tử EBS, tỷ lệ hoán đổi giữa euro và đôla co hẹp xuống 1.2161 đôla, trượt khỏi ngưỡng hỗ trợ 1.22 đôla. Thống kê từ đầu năm, đồng bạc xanh đã mạnh lên 7,2% so với euro.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu mua vào trái phiếu chính phủ giao dịch trên thị trường thứ cấpnhằm tăng cường tính thanh khoản, qua đó góp phần ngăn chặn sự lan rộng của khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozone. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của ECB, ngân hàng trung ương này thực hiện việc can thiệp vào thị trường. Theo tờNew York Times, hoạt động mua vào trái phiếu đã bắt đầu được ECB thực hiện trong tuần kết thúc ngày 14/5, với khối lượng mua đạt mức 16,5 tỷ euro (21 tỷ đôla). Khối lượng này nhỏ nếu so với quy mô của thị trường trái phiếu châu Âu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, ECB đang muốn thăm dò thái độ của giới đầu tư nhằm tối đa hóa ảnh hưởng tâm lý tích cực từ động thái này. Trái phiếu được ECB mua vào là trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp do các nước trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu phát hành. Việc mua vào được thực hiện trên thị trường thứ cấp, tức là mua vào từ các nhà đầu tư, thay vì mua trực tiếp từ các chính phủ và doanh nghiệp phát hành.
Hai ngân hàng lớn của Nhật Bản là Shinsei và Aozora hủy bỏ thỏa thuận sáp nhậpmà có thể sẽ tạo ra một ngân hàng lớn thứ 6 tại đất nước mặt trời mọc. Quyết định trên được đưa ra sau khi các bên đã cân nhắc những thay đổi trong môi trường kinh doanh kể từ khi họ thông báo kế hoạch này hồi tháng 6/2009. Đặc biệt, trong tài khóa 2009, Shinsei đã có mức thua lỗ ròng lên 140 tỷ yên (1,5 tỷ đôla). Shinsei Bank hiện có 1/3 số vốn thuộc sở hữu của công ty chuyên mua lại JC Flowers (Mỹ) và 24% vốn thuộc sở hữu của chính phủ.
Đức ra lệnh cấm bán khống vô căn cứ. Hôm qua, Cơ quan dịch vụ tài chính Đức cho biết sẽ áp dụng lệnh cấm tạm thời đối với hành vi bán khống vô căn cứ và hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng vô căn cứ đối với trái phiếu chính phủ nhóm nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. Lệnh cấm bán khống trên cũng được áp dụng với cổ phiếu của 10 ngân hàng, công ty bảo hiểm trong đó bao gồm Allianz SE và Deutsche Bank AG. Hành động bán khống vô căn cứ (naked short selling) là việc các nhà đầu tư đặt lệnh bán khống trước khi thực sự mượn được cổ phiếu bán khống. Trong khi đó, hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng vô căn cứ (naked credit-default swaps) – là dạng hợp đồng phái sinh nhà đầu tư mua như công cụ bảo hiểm đối với trái phiếu chính phủ và các công ty họ đang sở hữu.
Tài sản Mỹ tiếp tục có sức hút mạnh với nhà đầu tư quốc tế. Hôm qua, Bộ Tài Chính Mỹ thông báo, sức cầu đối với tài sản tài chính dài hạn của Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 3 do các nhà đầu tư đến từ Anh, Trung Quốc đã mua phần lớn trái phiếu kho bạc Mỹ kể từ tháng 11/2009. Bản báo cáo lần này cho thấy, tổng giá trị cổ phiếu thường, tín phiếu và trái phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua trong tháng 3 đạt 140,5 tỷ đôla, cao gấp đôi dự tính của các nhà kinh tế và vượt xa mức mua ròng 47,1 tỷ đôla trong tháng 2.
Riêng với các loại hình chứng khoán ngắn hạn như trong giao dịch hối đoái cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với tổng mức 10,5 tỷ đôla, tăng nhẹ so với con số 9,7 tỷ đôla trong tháng liền trước. Trung Quốc vẫn là nước nắm giữ lượng trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất, tăng thêm 17,7 tỷ đôla trong tháng 3, lên 895,2 tỷ đôla. Đây là tháng đầu tiên kể từ tháng 9/2009, Trung Quốc mua ròng trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhật Bản đứng thứ hai, khi tháng 3 vừa qua, tổng mức nắm giữ là 784,9 tỷ đôla (tăng 16,4 tỷ đôla).
(VnExpress)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com