Theo nhận định của Bộ Xây dựng, giá bán xi măng trong thời gian tới đang có xu hướng giảm trên phạm vi cả nước, do các nhà sản xuất chạy đua cạnh tranh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, hết tháng 9, toàn ngành xi măng đã sản xuất đạt 37,23 triệu tấn xi măng, bằng 74,5% kế hoạch năm 2010, riêng tháng 9, sản xuất đạt 4,28 triệu tấn.
Tiêu thụ xi măng trong tháng 8 và 9 đã bắt đầu hồi phục trở lại sau những tháng mưa nhiều, đạt 4,51 và 4,22 triệu tấn. Tổng lượng xi măng tiêu thụ được trong 9 tháng đầu năm đạt 36,46 triệu tấn, bằng 72,9% kế hoạch năm 2010.
Mặc dù diễn biến thời tiết đã thuận lợi hơn, tiêu thụ xi măng đã tăng trở lại trong 2 tháng gần đây, tuy nhiên theo đánh giá của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), đơn vị chiếm 40% thị phần xi măng cả nước thì mức tiêu thụ của các đơn vị thành viên Vicem vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong tháng và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Để tăng tiêu thụ xi măng trong bối cảnh thị trường có nhiều nhà cung cấp, được biết từ đầu tháng 8/2010, Vicem đã quyết định giảm giá bán đầu nguồn 10.000đ/1tấn xi măng. Dù giảm giá như vậy nhưng sức tiêu thụ vẫn chưa cải thiện được đáng kể, thậm chí thị phần xi măng của Vicem trên thị trường trong tháng 9 đã giảm 1,5% so với cùng kỳ.
Theo thống kê của Vicem, hết 8 tháng, lượng xi măng tồn kho đã tăng lên 1,66 triệu tấn, trong đó có 1,3 triệu tấn clinker, còn lại là xi măng bột, xi măng bao.
Tiêu thụ xi măng đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra, khiến doanh nghiệp thuộc Vicem phải chịu thêm sức ép để hoàn thành mục tiêu tiêu thụ từ 18 – 18,5 triệu tấn xi măng trong năm nay. Không những vậy, việc chấp nhận giảm giá xi măng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sẽ làm lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp suy giảm, khó khăn hơn khi thực hiện trả nợ vốn vay đầu tư.
Theo tính toán của các doanh nghiệp xi măng, từ cuối năm 2009 đến nay, giá than đã tăng trên 70%, vỏ bao tăng 10%, hạt nhựa PP tăng 18%, giấy Kraff tăng 12%, dầu MFO, ADO tăng 40%...đã làm tăng mạnh chi phí sản xuất.
Công ty Xi măng Hoàng Thạch, đơn vị thành viên của Vicem cho hay, 9 tháng qua, tiêu thụ đã giảm gần 90.000 tấn so với cùng kỳ. Ông Phạm Huy Thọ, Chánh văn phòng Công ty cho biết, trở ngại lớn với các doanh nghiệp hiện nay là việc mở rộng địa bàn và cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà cung cấp do nguồn cung xi măng toàn xã hội gia tăng.
Trong khi tiêu thụ trong nước còn khá ngổn ngang do các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh dữ dội để giành khách hàng, thì việc xuất khẩu xi măng vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. Bản thân Vicem vốn đã từng xuất khẩu những năm trước đã mạnh dạn đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng ngay từ đầu năm thì nay cũng đang chật vật bởi khả năng hoàn thành 50% kế hoạch này cũng đã khó.
Giải pháp được không ít doanh nghiệp áp dụng để duy trì được thị phần trong bối cảnh thị trường có thêm nhiều nhà cung cấp mới là thực hiện chính sách bán hàng năng động, áp dụng cơ chế khuyến mãi linh hoạt….Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là với tốc độ đầu tư các nhà máy xi măng như hiện nay, sang năm 2011, sẽ có 12 dây chuyền xi măng lò quay mới được hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng công suất thiết kế 9,35 triệu tấn, so với nhu cầu thì xi măng sản xuất ra sẽ vượt 8 triệu tấn thì không hiểu doanh nghiệp sẽ tìm ra giải pháp hữu hiệu nào khác cho khâu tiêu thụ.
Một tín hiệu vui hơn, những ngày cuối tháng 9 vừa qua, các nhà sản xuất xi măng trong nước đã chứng kiến một doanh nghiệp tư nhân là Tập đoàn Xi măng Vissai (Ninh Bình) đàm phán thành công một hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn clinker sang thị trường băngladesh. Có thể nói đây là lần đầu tiên ngành xi măng có được một hợp đồng xuất khẩu lớn như vậy. Từ trường hợp của Vissai Ninh Bình cho thấy, xi măng sản xuất trong nước hoàn toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và được khách hàng đón nhận. Vấn đề là doanh nghiệp đàm phán thế nào, thuyết phục đối tác ra sao, chào giá xuất khẩu có hợp lý hay không và các vấn đề liên quan đến thủ tục xuất khẩu. Đặc biệt là khắc phục các vấn đề còn yếu kém liên quan đến giao thông, tàu biển, tính chuyên nghiệp trong giao dịch đối ngoại với các đối tác nước ngoài.
Năm 2010, Bộ Xây dựng đã tính toán nhu cầu xi măng khoảng 50,0 - 51,5 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2009 và định hướng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ cho các đơn vị dự kiến: Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 18 - 18,5 triệu tấn, các công ty Liên doanh 15 - 15,5 triệu tấn, xi măng lò đứng các địa phương và các trạm nghiền xi măng 17 - 17,5 triệu tấn.
(Đầu tư điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com