![]() |
Những chồng chéo của các chứng chỉ đang làm khó DN xuất khẩu cá tra |
Theo TS Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Vinafish, thực trạng người nuôi cá tra nay đang chịu áp lực với hàng chục loại chứng chỉ khác nhau, mà dù được nói là tự nguyện nhưng đang buộc phải lấy. Bên cạnh những yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu, một số hệ thống bán lẻ và nhà nhập khẩu còn có tiêu chuẩn, quy định riêng và yêu cầu cơ sở nuôi trồng, DN xuất khẩu phải áp dụng và khi được giấy chứng nhận thì mới nhập hàng.
Trên thực tế, điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho người nuôi trồng. Bởi khi bắt đầu thả giống, người nuôi và nhà chế biến trong nhiều trường hợp chưa thể biết được sau thời gian dài nuôi trồng, khi thu hoạch sẽ bán cho nhà nhập khẩu, hệ thống bán lẻ nào. Do đó, họ sẽ khó để quyết định thực hiện theo tiêu chuẩn nào - một chuyên gia trong lĩnh vực nhận xét.
Theo một đại diện nhà nhập khẩu EU thì những chồng chéo của các chứng chỉ đang làm khó các DN xuất khẩu cá tra. Bởi hiện nay có trên 23 chứng chỉ khác nhau (HACCP, SA8000, BAP, ACC, GlobalGAP, ASC...), nhưng những chứng chỉ này đều do các tổ chức, quốc gia khác nhau cấp và không phải quốc gia, thị trường nào cũng đồng ý một loại chứng chỉ chung. Các chứng nhận hầu hết đều xoay quanh 4 tiêu chí chính là an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an sinh xã hội. Vị đại diện này cho rằng, cần thống nhất một tiêu chuẩn toàn cầu cho con cá tra, hoặc loại bỏ bớt những tiêu chuẩn trùng lắp khiến người nuôi trồng vừa tốn tiền vừa mất thời gian.
Có, vẫn khó xuất khẩu
Ông Nguyễn Tử Cương - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghề cá VN, bày tỏ sự nghi ngờ khi đại diện WWF nói rằng nếu VN áp dụng chứng chỉ ASC (chứng nhận của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) sẽ tăng giá bán và sản lượng cá tra bán tại thị trường Châu Âu lên. Ông nêu dẫn chứng, năm 2004 một tổ chức Châu Âu có xây dựng một hệ thống chứng nhận phát triển bền vững cho VN với lời hứa là nếu các trại nuôi cá và DN VN áp dụng sẽ tăng sản lượng xuất khẩu và giá bán qua Châu Âu lên lần lượt là 30% và 20%, nhưng thực tế không được như vậy.
Thực tế là sau những hành động bôi xấu con cá tra VN ở Thụy Điển và Đức, khiến hai thị trường này giảm từ 70 - 100% sản lượng cá tra xuất khẩu trong mấy tháng gần đây khiến DN dù được nói là “đây là tiêu chuẩn tự nguyện” vẫn không thể không chuẩn bị áp dụng tiêu chuẩn ASC nếu không muốn mất hai thị trường này.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng giám đốc Cty cổ phần Cafatex (Hậu Giang), đặt vấn đề chi phí sản xuất tăng nhưng không ai bảo đảm người nuôi được bù đắp chi phí bỏ ra. Ngoài ra, hiện các thị trường như Mỹ, Nhật, Châu Âu đều đòi một quy chuẩn chất lượng riêng và gây khó cho DN.
Chủ tịch Hội Nghề cá VN Nguyễn Việt Thắng cho biết sẽ đề xuất “liên thông” các tiêu chuẩn nhằm gỡ khó cho người nuôi, DN trong việc phải đáp ứng quá nhiều yêu cầu chất lượng từ thị trường. “Ví dụ, chứng nhận ASC có nhiều điểm giống với Global GAP. Vậy DN đã có Global GAP, giờ muốn có ASC thì chỉ phải xây dựng thêm điểm khác biệt giữa hai chứng nhận” - ông Thắng cho hay.
Còn theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, VN sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGAP cho cá tra và lấy đó làm bộ tiêu chuẩn nền tảng để liên kết với các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác. Cụ thể, người nuôi cá sẽ chỉ thực hiện những chỉ tiêu mà trong bộ tiêu chuẩn của từng nước như GlobalGAP, ASC... yêu cầu mà trong VietGAP chưa có.
Tiến hành thu mua hết lượng cá tra nguyên liệu còn thừa Nhằm khắc phục tình trạng thừa cá tra trong dân, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch UB cá nước ngọt, PCT Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) cho biết, trong tháng 7, các DN chế biến và xuất khẩu cá tra lớn thuộc Vasep sẽ thu mua hết lượng cá tra nguyên liệu còn trong dân, chủ yếu là cá quá lứa với mức gia 24.000 đồng/kg. Đối với việc các DN triển khai mua cá quá lứa, trong khoảng 15 ngày tới, thị trường cá tra sẽ ổn định và giá có thể nhích dần lên. Được biết, nguyên nhân tình trạng cá tra nguyên liệu ở một số địa phương đang thừa dẫn đến giá giảm chủ yếu do yếu tố biến động thị trường. Nhằm ổn định và phát triển nghề nuôi cá tra, ba sa, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh, trước mắt, các địa phương cần rà soát cụ thể hoá quy hoạch phát triển nuôi cá tra ở cấp tỉnh, huyện, xã; trên cơ sở đó lập các dự án ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành quy định về điều kiện nuôi cá tra và một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, hướng dẫn đánh số vùng nuôi. Theo Vasep, từ nay đến cuối năm sẽ áp dụng giá sàn xuất khẩu cá tra cho tất cả các thị trường (trừ thị trường Mỹ). Theo đó, giá sàn xuất khẩu cá tra philê thịt trắng 3,3 USD/kg, cá tra philê thịt đỏ 2,3 USD/kg. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng thống nhất thu mua cá tra nguyên liệu trọng lượng 850 gr/con có chất lượng xuất khẩu là 26.000 đồng/kg. Ủy ban cá nước ngọt cho rằng, từ nay đến cuối năm, lượng nguyên liệu cá tra không nhiều, thiếu cá cỡ nhỏ, do đó các DN xuất khẩu cá tra không nên vội vã chào giá thấp cho các nhà nhập khẩu, đặc biệt là thị trường EU, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com