![]() |
Thủ tục hành chính đối với việc cấp CFS sẽ được tinh giản nhất. Ảnh: Đức Thanh |
“Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dược phẩm, hóa chất, chất tẩy rửa, nông sản, thực phẩm, đồ hộp, điện tử, sản phẩm nhựa, gỗ... cần phải có CFS khi xuất khẩu sang các thị trường như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Lào, Iran, Ai Cập... do các nước này quy định như vậy. Hiện một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang yêu cầu được cấp giấy CFS”, bà Thúy nói và cho biết, ngay cả các cơ quan chuyên ngành của Việt Nam cũng đề ra yêu cầu, các sản phẩm nhập khẩu như hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, thực phẩm thuộc nhóm đặc biệt, thuốc và vắc-xin... phải có CFS trong hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm tại Việt Nam.
“Nước ta có 4 đơn vị cấp CFS là Bộ Y tế (cấp nhiều nhất), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng, chưa có bộ nào có quy định cụ thể về điều kiện, thời gian... cấp CFS”, ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng Quy tắc xuất xứ và Quản lý chất lượng hàng hóa (Vụ Xuất khẩu - Bộ Công thương) nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Cường, CFS hoàn toàn không bắt buộc, cơ quan nhà nước chỉ cấp khi DN có nhu cầu, do nước nhập khẩu hàng hóa yêu cầu phải có CFS. “Quy định cấp CFS không phải là “đẻ” ra thủ tục hành chính, mà là để giúp DN đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Cường giải thích thêm.
Có một thực tế là, nhiều nước đang phát triển yêu cầu phải có CFS, trong khi các nước phát triển như Mỹ, hoặc Liên minh châu Âu (EU) không đòi hỏi. Lý do là, các nước phát triển đã có những quy định cao hơn, nên không cần CFS.
ở góc độ DN, đại diện Công ty Nhựa Rạng Đông yêu cầu cần làm rõ hơn Điều 17 của Dự thảo quy định rằng, thương nhân phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Về vấn đề này, ông Cường cho rằng, nếu thương nhân xuất khẩu là nhà sản xuất thì việc chịu trách nhiệm là đúng. Song trong trường hợp thương nhân xuất khẩu không phải là nhà sản xuất thì sẽ không được cấp CFS.
“CFS chỉ cấp theo yêu cầu của nhà sản xuất, do nước nhập khẩu yêu cầu, chứ không cấp cho bên thứ ba là thương nhân, vì thương nhân không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm. Quy định này nhằm tránh vấn đề vi phạm bản quyền, thương hiệu. Hơn nữa, nhà sản xuất là người chịu trách nhiệm cuối cùng về sản phẩm, chứ không phải thương nhân”, ông Cường nói.
Bà Nguyễn Vũ Hoài Phương (Phòng đối ngoại Công ty Unilever Việt Nam) cho rằng, Dự thảo cần bổ sung thêm quy định khi hàng xuất đi thì biết được nguồn gốc sản phẩm, thông qua việc ký các văn bản giữa nhà sản xuất và thương nhân xuất khẩu. “Khi sang Nigeria, chúng tôi thấy sản phẩm đậu phộng của Việt Nam sản xuất, nhưng không biết đơn vị nào xuất khẩu sang đó, điều này cũng ảnh hưởng đến thương hiệu của nhà sản xuất”, bà Phương dẫn chứng.
Còn ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam thắc mắc, Điều 10 Dự thảo quy định 4 bộ cấp CFS, nhưng không biết các bộ này đã sẵn sàng cấp hay chưa, vì thông thường, mỗi khi quy định mới ra đời sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề, sau đó bổ sung, sửa tới, sửa lui rất mất công...
Đại diện Ban soạn thảo cho biết, sắp tới sẽ xây dựng một trang web để cập nhật thêm thông tin những sản phẩm mới được cấp CFS hoặc những góp ý cho Dự thảo. “Sau hội thảo này, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến góp ý ở Hà Nội, để hoàn thiện và sẽ trình Thủ tướng duyệt vào cuối năm. Dự kiến, Nghị định này sẽ triển khai đại trà vào đầu năm 2010”, bà Thúy cho biết.
“CFS cũng có tác dụng hạn chế những sản phẩm không đạt chất lượng vệ sinh an toàn, như hàng thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc... Bộ Công thương sẽ cố gắng tinh giản đến mức thấp nhất về thủ tục hành chính đối với việc cấp CFS”, ông Cường nhấn mạnh.
(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com