Việc tổ chức Toạ đàm, theo VCCI, là xuất phát từ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đề xuất một loạt giải pháp nhằm hỗ trợ “Sáng kiến xuất khẩu của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama” vào cuối tháng 8 vừa qua, trong đó có nhóm 14 sửa đổi pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ.
Theo VCCI, một phần nội dung chủ yếu của 14 sửa đổi trên liên quan đến quy trình và cách thức điều tra đối với các nước có nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam. Tất cả những thay đổi này đều theo hướng thắt chặt và gây bất lợi hơn đối với doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài.
Sự kiện trên cũng liên quan chặt chẽ với việc DOC vừa đưa ra phán quyết sơ bộ sau lần rà soát hành chính thứ 6 về thuế chống bán phá giá cá tra của Việt Nam tại Hoa Kỳ ngày 14/9 vừa qua.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phân tích rằng, việc thay đổi quốc gia làm cơ sở tính toán biên độ phá giá (từ Bangladesh sang Philippines) đối với cá tra của Việt Nam là do chủ đích của Hoa Kỳ, nhằm chống lại sản phẩm này của Việt Nam.
“So sánh một quốc gia có khối lượng xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới (trên 1,2 triệu tấn/năm) với một chương trình điều tra vỏn vẹn 36 phiếu và sản lượng 12 tấn cá tra là hết sức bất hợp lý. Động cơ chính trị không minh bạch, ủng hộ các nhà sản xuất cá nheo trong nước và ủng hộ chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ chính là lý do khiến DOC chọn Philippines là nước so sánh. Đây là vấn đề gây bất ngờ cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Dũng phân tích.
Khuyến cáo doanh nghiệp nên quan tâm hơn tới các công cụ chống bán phá giá, LS. Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, những công cụ như thuế chống bán phá giá sẽ được các quốc gia tích cực sử dụng để bảo hộ sản xuất trong nước. “Năm 2009, Việt Nam có liên quan tới 5 vụ kiện chống bán phá giá và trong năm nay, đã có 2 vụ kiện nhắm vào doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam phải chấp nhận là nước có nền kinh tế phi thị trường trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp cho tới năm 2018. Điều này có nghĩa là, nếu bị kiện, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế cao hơn rất nhiều”, ông Huỳnh nói và khẳng định rằng, yếu tố này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất ở nước nhập khẩu đi kiện nhiều hơn.
Đại diện VCCI cũng phân tích rằng, EU và Hoa Kỳ là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, nhưng cũng là nơi “tích cực” trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong khi đó, với sự gia tăng hàng xuất khẩu vào những thị trường này, hàng hóa Việt Nam sẽ dễ trở thành “cái gai” trong mắt các nhà sản xuất nội địa tại các thị trường xuất khẩu. Câu chuyện cá tra nêu trên là ví dụ tiêu biểu, khi các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Sản xuất cá nheo Hoa Kỳ ra sức vận động hành lang để thông qua mức thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam ngày càng cao hơn tại thị trường này.
“Về dài hạn, doanh nghiệp cần tránh việc tăng trưởng quá nóng vào một thị trường. Hàng giá thấp cũng là được xem là cớ để các đối thủ kiện doanh nghiệp”, LS. Huỳnh phân tích và khuyên doanh nghiệp nên chuyển hướng cạnh tranh sang xuất khẩu hàng chất lượng cao.
Trước mắt, để đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp cần cải tổ và đảm bảo hệ thống sổ sách kế toán minh bạch, đúng chuẩn quốc tế để có cơ hội bảo vệ mình từ những bằng chứng xác thực trong điều tra và tính toán. Vấn đề giám sát về giá khi so sánh với đối thủ cạnh tranh, theo dõi động thái của nhà sản xuất nội địa… là những việc mà doanh nghiệp cần phải làm trong bối cảnh hiện nay.
Chưa biết các chuyên gia nước ngoài sẽ khuyên doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì trong buổi tư vấn sắp tới, nhưng có một thực tế mà các doanh nghiệp phải nắm được là, các vụ kiện chống bán phá giá ngày càng phức tạp và sẽ khiến doanh nghiệp “đau đầu” hơn khi muốn thâm nhập sâu vào một thị trường nào đó.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com