Vừa qua, tại TP cảng Abijan (Bờ Biển Ngà), Liên hiệp hội Điều châu Phi-ACA đã Tổ chức Hội nghị Điều châu Phi và thế giới. Tại đây, châu Phi phát đi một thông điệp: Đi sâu đầu tư công nghệ chế biến, tiến tới không XK điều thô. Như vậy các nhà máy (NM) điều Việt Nam sẽ NK nguyên liệu ở đâu?
Đoàn Việt Nam thu hút sự chú ý của nhiều đoàn ngay từ hai ngày trước khi diễn ra Hội nghị. Họ liên tục gọi điện thoại hoặc tìm đến khách sạn nơi đoàn ở để tìm hiểu về kinh nghiệm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến điều của Việt Nam. Dường như đã và đang có những tín hiệu mới? Châu Phi và đặc biệt là ngành điều Bờ Biển Ngà đã và sẽ cần gì ở Việt Nam? Nhưng thật bất ngờ, tại Hội nghị này đã phát đi một thông điệp đáng lo ngại cho ngành điều Việt Nam: Châu Phi phải thức tỉnh, phải chuyển hướng từ những nước chỉ bán nguyên liệu hạt điều chuyển mình thành những nước có ngành công nghiệp chế biến nhân điều. Và như vậy đến một ngày không xa nữa, châu Phi sẽ đóng cửa việc bán nguyên liệu.
Hai từ Việt Nam thường được các đại biểu nhắc đến như là tấm gương của con đường mà châu Phi sẽ phải đi theo để xây dựng công nghiệp chế biến.Những gì đã và đang diễn ra tại châu Phi là những tín hiệu đa chiều và là thách thức nghiệt ngã với sự phát triển của ngành điều Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, ngành chế biến điều nước ta phải NK tới 40% lượng hạt điều thô từ châu Phi, tương đương khoảng 300.000T với tổng trị giá mua vào khoảng 180.000.000USD/năm. Tỷ lệ này đã và đang có chiều hướng tăng lên vì, nhà vườn Việt Nam đã và đang chặt bỏ vườn điều để chuyển sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Trên thực tế, diện tích trồng điều đã và đang bị thu hẹp dần, chương trình 500.000 tấn điều với 500.000ha trồng điều mà Chính phủ giao cho ngành điều Việt Nam thực hiện đến năm 2010, giờ đây dường như đã bất khả thi. Không thể ép buộc các chủ nhà vườn ôm mộng làm giầu với vườn điều, bởi đó là điều không có thật.
Việt Nam sẽ NK điều nguyên liệu ở đâu?
Có một con đường để ngành điều Việt Nam tự cứu mình. Đó là đầu tư trực tiếp sang châu Phi, giúp họ xây dựng ngành công nghiệp chế biến, nhưng chỉ dừng lại ở mức chế biến ½, tức các sản phẩm thô như ngành chế biến điều Việt Nam vẫn đã và đang làm trong hàng chục năm qua. Từ sản phẩm thô đó, cung ứng về cho các NM ở Việt Nam để làm nốt những công đoạn cuối cùng trước khi cung ứng cho thị trường tiêu dùng thực sự - các siêu thị bán lẻ. Nếu làm được như vậy, các NM chế biến của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển nhưng là sẽ ở cấp độ cao hơn – cấp độ làm ra sản phẩm cuối cùng, hưởng lợi nhuận gia tăng cho đến giọt sản phẩm cuối cùng như người Âu, người Mỹ ngày trước và hôm nay vẫn đang làm.
Có một thực tế đáng buồn là ngành chế biến điều Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt đến trình độ chế ra sản phẩm thô, sau đó bán cho các nhà chế biến tinh ở Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ…để họ làm ra sản phẩm cuối cùng. Các nhà chế biến nước ngoài này có hệ thống công nghệ và thiết bị, kỹ thuật cao hơn hẳn các NM của Việt Nam, vì vậy, họ sản xuất ra sản phẩm cuối cùng đạt tất cả các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó, họ thu được giá trị gia tăng, siêu lợi nhuận. Nhưng việc xây dựng NM chế biến điều “½” ở nước ngoài, trực tiếp hiện nay là Campuchia và Tây Phi có phải là một chiến lược đúng đắn không, có lợi và có hại gì không, có nên và có thể được phép không?
Điều có vẻ tế nhị hơn, có thể đụng chạm ai đó là, đã và đang đồn thổi về việc xuất khẩu “bí quyết công nghệ” chế biến điều của Việt Nam ra nước ngoài. Vậy có hay không bí quyết công nghệ chế biến điều Việt Nam? Câu hỏi này đã được chính người thay mặt cho Vinacas trả lời tại Hội chợ triển lãm thiết bị chế biến điều tại Cty DONAFOOD ĐỒNG NAI ngày 25/9/2009 rằng, công nghệ chế biến điều của thế giới và của Việt Nam hiện đang sử dụng đều xuất phát từ Ấn Độ và là của Ấn Độ.
Nhanh chân nếu không bị Ấn Độ cho ngửi... khói
Cần phải khẳng định rằng, kể cả các thiết bị máy móc kỹ thuật cao mà ngành điều Việt Nam hiện đã và đang chế tạo ra đều lấy nền tảng từ các thiết bị được chế tạo bởi Công ty OLTREMA, Italya hoặc của một vài nước khác nhau như Sri Lanca, Môzămbic. Từ cái nền công nghệ và kỹ thuật đó, mỗi nơi mỗi nước sau khi học hỏi và mua máy móc thiết bị về đã cải tiến lại cho phù hợp với thực tiễn nhân học và chi phí tài chính của mỗi vùng. Điều đáng khâm phục Việt Nam chính là ở khả năng tự điều chỉnh thiết bị sao cho phù hợp nhất và với giá rẻ nhất so với thiết bị của OLTREMA nhập ngoại. Tuy vậy, thiết bị do Việt Nam sản xuất có một nhược điểm kinh niên và hầu như không thể khắc phục là độ bền, bởi đa phần các vật tư được sử dụng để chế tạo máy đều chỉ ở cấp trung bình (để có giá rẻ) nên thường xuyên hư hỏng lặt vặt.
Tại hội nghị, các công ty điều của Ấn Độ - mà đi đầu vẫn là “super man” OLAM đã mang đến Hội nghị giới thiệu và trình diễn tại chỗ thế hệ máy tách nhân mới, vô cùng phù hợp với điều kiện sức khỏe và hình thể của người dân châu Phi, được nhiều đại biểu chú ý và xin đặt hàng ngay. Nhưng cũng vào lúc đó, ít ai biết rằng, hơn 200 bộ máy tách nhân của một doanh nghiệp lớn của Long An, Việt Nam bán sang cho một nhà máy của Bờ Biển Ngà đã 2 năm nay vẫn nằm im phủ bụi chỉ vì họ không thể sử dụng được.
Như vậy, việc đầu tư xây dựng các NM chế biến ở chính thị trường đang cung ứng hạt điều thô cho Việt Nam không phải là vấn đề được phép hay là không được phép, lộ bí quyết hay là không phải lộ bí quyết, là “lợi bất cập hại” như một số báo đã đặt vấn đề, mà đó là sự chuyển hướng chiến lược tất yếu “lợi cả hai nhà”. Vấn đề còn lại chỉ là, doanh nghiệp có dám hay là không dám làm mà thôi. Nhưng cuộc chơi nào cũng có sự mạo hiểm của nó. Chính vì vậy, trong khi các nhà chế biến điều Việt Nam vẫn đang loay hoay với câu hỏi nên hay không nên, được phép hay không được phép, dám hay không dám mạo hiểm đầu tư vào châu Phi nhằm xây dựng cho họ ngành công nghiệp chế biến điều thì các tập đoàn của Ấn Độ đã vào cuộc.
(Thitruongnuocngoai)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com