Mặc dù xuất khẩu tháng 1 tăng trưởng khá ấn tượng, đạt 4,9 tỉ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ, nhưng qua tháng 2 lại giảm sút khá mạnh, ước chỉ đạt 3,9 tỉ USD, giảm 23,2% theo số liệu mà tổng cục Thống kê công bố. Cho nên, tính chung cả hai tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 8,9 tỉ USD, chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2009. Kết quả trái ngược nói trên khiến cho việc dự báo xu hướng, diễn biến của xuất khẩu các tháng tới, và cả năm 2010, khó khăn hơn.
Xuất khẩu còn giữ được mức tăng nhẹ do giá cả một số mặt hàng xuất khẩu tăng. Như giá dầu thô tăng 74%, hạt tiêu tăng 17%, than đá tăng 45%, cao su tăng 86%, gạo tăng 24%, hạt điều tăng 19%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 92%... Theo bộ Công thương, riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu hai tháng qua tăng khoảng 600 triệu USD. Sự tăng giá các mặt hàng trên cũng đã được dự báo và thực tế đã có cải thiện trong các tháng cuối năm 2009 do đây là những mặt hàng quan trọng, thiết yếu với hầu hết các nước nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam.
Nhưng vì sao giá lên mà tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng rất thấp? Một số chuyên gia của bộ Công thương cho rằng, do hai tháng đầu năm 2009 xuất khẩu vàng khoảng 1,45 tỉ USD, trong khi năm nay chỉ xuất có 36 triệu USD. Nếu loại bỏ yếu tố xuất khẩu vàng thì kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm nay tăng 19% so với cùng kỳ 2009. Nhưng cách giải thích này dường như không được công bằng lắm bởi nó nặng tính “thành tích”: để báo cáo kết quả xuất khẩu năm 2009 không đến nỗi bi quan thì bộ Công thương cộng cả kim ngạch xuất khẩu vàng, đến khi cần nói kết quả xuất khẩu hai tháng đầu năm nay cũng không tệ thì bộ lại muốn đẩy kim ngạch xuất khẩu vàng ra khỏi cán cân thanh toán.
Có một cách giải thích khác hợp lý hơn, đó chính là khối lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng đã giảm sút trông thấy. Ví dụ, hai tháng đầu năm nay, lượng dầu thô xuất khẩu giảm 51,3% (tương đương khoảng 850 triệu USD), than đá giảm 28,8% (tương đương khoảng 70 triệu USD). Dầu thô là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ hai của Việt Nam sau dệt may nên dễ hiểu, việc sụt giảm khối lượng đã ảnh hưởng đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu. Nếu tính cả năm 2010, riêng lượng dầu thô xuất khẩu sẽ giảm khoảng 3,5 – 4 triệu tấn do phải giao cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chỉ tính theo giá bình quân xuất khẩu dầu thô năm 2009 thì khối lượng giảm này tương đương 1,7 – 1,8 tỉ USD, bằng khoảng 3% kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng nông sản, có thể nói đã đạt gần đến ngưỡng khai thác: càphê, gạo, cao su... nên rất khó đóng góp nhiều hơn cho việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu năm nay.
Một số mặt hàng giảm về trị giá và lượng xuất khẩu như: càphê giảm 21,1% về lượng và 26,8% về trị giá; gạo giảm 24,9% về lượng và 6,8% về trị giá; dầu thô giảm 51,3% về lượng và 15,4% về trị giá; xăng dầu các loại giảm 41,5% về lượng và 4,5% về trị giá; chất dẻo nguyên liệu giảm 31,2% về lượng và 6,6% về trị giá; đá quý và kim loại quý giảm 97,5% về trị giá. (nguồn: bộ Công thương) |
Cho dù có những dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm nay của Việt Nam sẽ tăng khá, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, căn cứ trên các yếu tố: kinh tế thế giới và trong nước hồi phục, một số giải pháp kích thích kinh tế của Chính phủ còn được kéo dài (như chương trình hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ba tháng), vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh..., nhưng không ít chuyên gia thương mại tin rằng, khó có thể tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu rất khó bật lên không chỉ vì sự phục hồi ở nhiều nền kinh tế còn chậm, nhu cầu nhập khẩu ở nhiều nước còn thấp, giá tuy tăng nhưng chậm, trong khi đã xuất hiện những yếu tố mới gây khó khăn hơn cho hoạt động xuất khẩu. Đó là nguy cơ lạm phát tăng, lãi suất thực tế tăng cao làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Trong khi đó, phần lớn gói kích cầu (hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp…) đã kết thúc từ cuối năm 2009.
Mặt khác, không chỉ gặp phải cạnh tranh gay gắt hơn do xuất khẩu cùng một số mặt hàng như Trung Quốc, Thái Lan... mà một số mặt hàng có kim ngạch lớn của Việt Nam còn gặp khó khăn mới. Việc Mỹ bỏ hoàn toàn hạn ngạch hàng dệt may đối với Trung Quốc sẽ khiến hàng dệt may của Việt Nam rất bất lợi. Thêm vào đó, nhiều hàng rào phi thuế và các biện pháp bảo hộ tinh vi vẫn được dựng lên như bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang triển khai dự luật Nông nghiệp 2008 (Farmbill), đạo luật Lacey của Mỹ bắt đầu có hiệu lực sẽ thắt chặt hơn việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm gỗ. Tại EU, hiệp định “tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ” được ban hành nhằm kiểm tra tính hợp pháp của các lô hàng… cũng sẽ gây khó khăn không nhỏ cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường này.
Xét tất cả yếu tố thuận và nghịch như vậy, có thể dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm nay có tăng nhưng không mạnh. Dường như chính bộ Công thương cũng tin vào điều này khi xây dựng chỉ tiêu xuất khẩu cả năm 2010 chỉ tăng 6% so với năm 2009.
(Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com