Con tôi 14 tháng tuổi. Trước đây, khi nấu cháo, tôi thường cho bột nêm hoặc bột ngọt. Xin hỏi bác sĩ như vậy có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ không? Hiện nay, cháu vẫn chưa biết nói, vậy có chậm hơn so với các cháu cùng lứa không?
- Thạc sĩ – bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, trả lời: Bột ngọt hay bột nêm có tên khoa học là monosodium glutamate (MSG), một acid amine tự do, từ lâu đã trở thành gia vị thường thấy trong bếp của gia đình người Việt.
Tuy nhiên, một số người ăn bột ngọt có thể gặp các triệu chứng sau: Cảm giác nóng sau cổ, cánh tay hay sau ngực, đau ngực, nhức đầu, nôn ói, tim đập nhanh, chóng mặt, ác mộng và co thắt phế quản ở người bị bệnh suyễn. Qua thí nghiệm trên chuột, một số nhà khoa học kết luận MSG có thể gây tổn thương tế bào não.
Tuy nhiên, tác dụng có hại đến tế bào não trên người thì chưa được chứng minh. Có thể, ở người, MSG không qua được hàng rào máu não. Mặt khác, có rất nhiều thực phẩm mà chúng ta có thể ăn hằng ngày cũng có chứa glutamate như nước tương, cà chua, đậu, bắp, sữa, trứng, thịt gà, thịt bò... Vì vậy, theo tôi, việc sử dụng bột ngọt trong nấu ăn hằng ngày tùy thuộc vào từng gia đình và mỗi thành viên trong gia đình cần để ý đến các tác dụng phụ của bột ngọt sau khi ăn. Nếu cần thiết, có thể giảm bớt lượng bột ngọt sử dụng hoặc ngưng không dùng nữa.
Thông thường, các cháu khoảng 12 tháng tuổi là bắt đầu biết nói bập bẹ từng từ như ba, má... Tuy nhiên, có những cháu đến 16-18 tháng tuổi mới biết nói. Tuy có chậm hơn đôi chút nhưng vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Vì vậy, chị đừng lo lắng quá và nên dành nhiều thời gian để nói chuyện với cháu.
Nghiemmai...@yahoo.com
(Theo Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |