Mới đây, chị được Bộ Giáo dục tặng bằng khen vì đã làm rất nhiều những phóng sự về hoàn cảnh khó khăn của những em học sinh... chị nghĩ sao về giải thưởng có ý nghĩa này?
Thực ra tôi chỉ đại diện những người làm chương trình "Thắp sáng tương lai" nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tham gia gây dựng nên thành công của chương trình là cả đội ngũ phóng viên và đặc biệt là quay phim – những người tạo dựng nên khuôn hình để mọi người hình dung, cảm nhận rõ nét về nhân vật. Nhiều khi từ chính những hình ảnh của họ lại giúp tôi tìm ra tứ để khai thác, viết về nhân vật. Điều tôi vui nhất chính là qua chương trình, nhiều em học sinh, sinh viên có năng lực đã được thoát nghèo khó vươn lên nhờ sự giúp đỡ, động viên nhiệt thành của khán giả.
Tôi có xem rất khá nhiều phóng sự về những tấm gương vượt khó học tốt, những em nghèo học giỏi... của chị, điều gì khơi nguồn khiến chị làm những phóng sự đó hay đến thế?
Phóng sự thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả trước tiên chính là nhờ vào chất liệu, tức là tìm được những hoàn cảnh vừa đáng thương vừa đáng khâm phục. Đã rất nhiều người, kể cả bạn bè hay các cô chú trong cơ quan sau khi xem một bài phóng hỏi tôi rằng, lúc đọc lời bình phóng sự có khóc không mà sao làm họ chảy nước mắt. Quả thực, lúc đó tôi cũng không biết diễn tả tâm trạng mình như thế nào bởi vì mình đã đọc những gì mình viết với cảm giác hòa nhịp với nỗi đau, với cảm xúc của nhân vật. Mình cũng là một người con và may mắn đã được làm mẹ nên dường như mình dễ cảm nhận với những nỗi đau, thiệt thòi mà các em cùng cha mẹ người thân đang phải gánh chịu trong cuộc sống.
Khi trực tiếp chứng kiến hoàn cảnh và nghe tâm sự của các em, rất nhiều lần tôi đã tự vấn: tại sao khổ thế mà các em vượt qua và vươn lên được, liệu mình trong hoàn cảnh đó sẽ ra sao. Có khi chỉ vì một ánh mắt của đứa trẻ cũng đủ làm mình bị ám ảnh, day dứt và trăn trở, tự đặt trách nhiệm vừa phải phản ánh chân thực nhân vật, vừa gây được ấn tượng, cảm xúc trong lòng khán giả, và quan trọng nhất là để họ ngồi bên tivi từ đầu chương trình mà không rời trước khi kết thúc.
Hơn 20 phóng sự, đi qua bao nhiêu chặng đường... tìm đến những hoàn cảnh khó khăn, chắc hẳn chị cũng gặp phải rất nhiều khó khăn?
Khó khăn ở đây cũng là khó khăn chung của những người làm phóng sự truyền hình, nhất là những phóng viên nữ. Đi nhiều, hay xa nhà, chúng tôi vẫn nói đùa mình là “phụ nữ 3 đoảng”: việc nhà không làm, con thì không chăm, chồng thì không mấy khi gặp…
Điều gì làm chị gắn bó, đam mê với những phóng sự, với những mảnh đời ấy... dù gặp rất nhiều khó khăn?
Gắn bó thì trước tiên là vì công việc nhưng tâm huyết chính bởi mình nhìn ngay thấy hiệu quả của công việc ấy, nó có thể làm đổi thay những mảnh đời, số phận bất hạnh. Mỗi tấm gương học sinh nghèo vượt khó đều làm tôi cảm mến, có khi phải ngạc nhiên, thán phục. Nhưng điều làm tôi có xúc cảm mạnh mẽ, là động lực để tôi tiếp tục bền bỉ trên từng chặng đường thực hiện Thắp sáng tương lai, đó chính là tấm lòng của khán giả, là nghĩa cử cao đẹp của vô số nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước và cả kiều bào ở nước ngoài dành cho các nhân vật.
Chị có thể chia sẻ với độc giả về những kỷ niệm, những chuyến đi, những niềm vui, nỗi buồn khi làm những phóng sự về chương trình "Thắp sáng tương lai"?
Mỗi chương trình, mỗi nhân vật đều để lại trong tôi ấn tượng và mỗi chuyến đi đều có những kỷ niệm, những câu chuyện đáng nhớ. Nhưng điều tôi vẫn muốn nhấn mạnh là những câu chuyện cảm động về tình cảm cũng như những phản hồi của khán giả. Việc này vượt quá sự mong đợi của chúng tôi.
Đầu tiên, chương trình không có phần giới thiệu điện thoại, địa chỉ của nhân vật nhưng vì sau 1 số phóng sự, nhiều khán giả hỏi quá nên phần đó đã được đưa vào cuối chương trình. Có những người khi xem xong không kịp ghi nhớ nên đã bỏ công sức để tìm cách liên lạc bằng được để ủng hộ, giúp đỡ nhân vật. Rất nhiều khán giả bày tỏ là phải mất hàng chục cú điện thoại mới tìm được số của tôi và muốn biết thêm thông tin về nhân vật. Họ nói cảm ơn tôi vì đã làm những tấm gương ấy tỏa sáng, có tính chất giáo dục nhẹ nhàng, sâu sắc. Nhưng thực ra, chính tôi phải nói lời cảm ơn họ - những khán giả tri ân của chương trình.
Tôi vẫn giữ liên lạc với một khán giả, chị không giới thiệu về bản thân mà chỉ bày tỏ mong muốn được cung cấp thông tin về những học sinh nghèo hiếu học để chị giúp đỡ. Thậm chí có em nào mà tôi biết nhưng chưa có điều kiện làm chương trình cứ báo chị vì khi được lên chương trình rồi sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ, còn các em chưa có cơ hội ấy vẫn đang khốn đốn, có khi chỉ một khoản nhỏ thôi có thể sẽ giúp ích kịp thời.
Những người có điều kiện giúp nhiều đã đành, ngay cả những người lao động bình thường cũng tham gia ủng hộ. Tại một chợ ở Phú Thọ, sau khi xem phóng sự về em học sinh ở Thanh Hóa, bà hàng rau, chị hàng thịt, thậm chí người bán hàng rong đã gom góp mỗi người một ít, rồi cử một người đại diện đến tận nhà nhân vật để trao.
Bài nào nói đến người thân của nhân vật bị ốm thì có ngay khán giả gửi thuốc chữa, em nào mặc áo rách y rằng hôm sau sẽ nhận được rất nhiều ủng hộ về vật chất trong đó có quần áo, em nào đi bộ đến trường xa thì được tặng ngay xe đạp, có em nhà xập xệ đã được giúp dựng căn nhà mới… Còn vô số những câu chuyện như thế mà chúng tôi không thể kể hết và diễn tả hết tâm trạng vui mừng của mình.
Chị có thể chia sẻ một chút về bản thân chị, những điều chị tâm niệm, và ý nghĩa những phóng sự chị làm...?
Phải nói thực rằng từ khi làm Thắp sáng tương lai, tôi đã có những trải nghiệm vô cùng giá trị, nhất là về tình người, đặc biệt là thấy thấm thía chân lý cuộc sống giản dị mà vô cùng ý nghĩa khi làm việc thiện nguyện, giúp được người khác, theo truyền thống tương thân tương ái sẵn có trong dòng máu con người VN. Nói như vậy có vẻ hơi “văn vở” nhưng có lẽ ai khi được chứng kiến nhiều tấm lòng tốt trong cuộc sống cũng sẽ nghĩ như vậy và sẽ tiếp tục theo đuổi công việc ý nghĩa ấy.
(Theo Hoàng Mai // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |