Đây là một câu hỏi có phần hơi tế nhị, nhưng lại là điều mà rất nhiều khán giả truyền hình băn khoăn: Liệu có phải là quan chức thường được ưu ái phát biểu dài hơn so với những người dân bình thường?
Các quan chức, hay đúng hơn là những người đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, họ có nhiều thông tin hơn, và họ phải chịu trách nhiệm lớn hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi như vậy thì chỉ khi những ai nói ra nhiều thông tin có ích với khán giả hơn thì người đó sẽ được phát biểu dài hơn. Nhưng rốt cục, yếu tố cơ bản nhất không phải là ngắn hay dài mà là đúng và đủ. Trong rất nhiều trường hợp, các phóng viên phải mặc cả từng giây với Ban biên tập. Chị biết đấy, thời lượng của bản tin có hạn mà mỗi ngày có bao nhiêu là chuyện cần phải nói, bao nhiêu là tin tức mà khán giả truyền hình cần được biết.
Vậy trích các phỏng vấn liệu có phải là khó nhất và quan trọng nhất sau khi đi quay về?
Cũng không hẳn, cái khó nhất là việc lựa chọn các cảnh quay, những đoạn âm thanh sống động ngoài hiện trường xếp đặt chúng thành một chỉnh thể thống nhất bộc lộ cao nhất bản chất và ý nghĩa của sự việc, hiện tượng. Phóng sự hay nhất là những phóng sự ít lời bình nhất. Tức là chỉ cần hình ảnh và âm thanh thực tế thôi đã có thể giúp khán giả hiểu rõ vấn đề.
Khi nào thì các phóng viên quyết định xuất hiện trực tiếp trước ống kính truyền hình? Liệu sự xuất hiện ấy, ngoài việc truyền đạt thêm thông tin còn chứa đựng ý nghĩa gì nữa ko?
Sự xuất hiện của một phóng viên trước ống kính truyền hình dù là rất ngắn nhưng bao giờ cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa. Có thể, tôi xuất hiện để làm tăng tính chân thực của câu chuyện, để khẳng định chính tôi là một trong những người được chứng kiến tận mắt sự kiện mà dư luận đang quan tâm chú ý. Tôi cũng có thể là để tường thuật và mô tả lại những hình ảnh, âm thanh đã trôi qua mất rồi. Và tất nhiên, trong rất nhiều trường hợp, tôi xuất hiện với mục đích đưa ra thông tin trực tiếp về ý nghĩa của câu chuyện. Quả thực là có những câu chuyện rất phức tạp mà ý nghĩa của nó chỉ được nhìn thấy khi có đầy đủ thông tin và đã trải qua quá trình phân tích kỹ lưỡng. Mà để diễn giải ý nghĩa đó bằng hình ảnh và âm thanh thuần tuý thì sẽ mất rất nhiều thời gian.
Anh là một trong số không nhiều phóng viên mà sự xuất hiện trước ống kinh thường tạo ra sự chú ý của khán giả. Tới đây anh có ý định tham gia vào việc dẫn các chương trình hay là bản tin thời sự, sẽ có nhiều khán giả biết đến anh hơn?
Nếu tôi tham gia dẫn một chương trình nào đó thì chắc chắn chỉ vì đó là nhiệm vụ bắt buộc và với điều kiện là trong một giai đoạn ngắn. Mong muốn và niềm đam mê còn lại của tôi là gặp gỡ, tiếp xúc và di chuyển liên tục. Hơn nữa, mỗi người có một sở trường và năng khiếu riêng. Tôi nghĩ: “đã là sợi dây dẫn thì không nên tìm cách toả sáng như cái bóng đèn.”
Cuộc sống và con người anh có vẻ như bị ảnh hưởng nghề nghiệp khá nhiều? Phóng viên truyền hình có bệnh nghề nghiệp không?
Không nghề nào có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân nhiều như nghề phóng viên. Gia đình tôi chưa từng có người làm báo hay làm nghề truyền hình. Chính cha tôi đã từng cảnh báo khi tôi quyết định theo học đại học tại phân viện báo chí tuyên truyền cách đây 15 năm. Ông ấy nói thế này: “Nhà mình chưa có mả làm báo, con muốn làm thế nào thì làm”. Cha tôi là người từng trải, và ông ấy biết nghề báo nói chung và nghề phóng viên truyền hình nói riêng là một nghề nguy hiểm. Sau hơn 10 năm theo nghề, tôi càng ý thức được điều đó.
Nguy hiểm? Tôi thấy hầu như mọi tầng lớp trong xã hội đều đánh giá cao và trân trọng các phóng viên truyền hình, nhất là phóng viên của chương trình Thời sự?
Vâng, sự nguy hiểm chính là ở chỗ đó. Rất dễ nhầm tưởng sự tôn trọng và đánh giá cao vai trò của một cơ quan ngôn luận với sự tôn trọng và quý mến cá nhân. Chúng tôi đang làm việc tại một cơ quan báo chí có uy tín và có thương hiệu, vì thế khi làm việc với các tầng lớp xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, hay cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi thường có nhiều thuận lợi hơn so với đồng nghiệp ở những tờ báo khác. Điều đó có thể gây ra sự lầm tưởng. Nếu vậy thi đó là sự nhầm lẫn tai hại. Vì từ sự nhầm lẫn này, rất dễ dẫn đến sự tha hoá. Nhẹ thì vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà nặng thì tha hoá về tính cách và nhân phẩm. Đó cũng là một căn bệnh nghề nghiệp, tuy khó mắc, nhưng đã mắc phải thì khó chữa.
(Theo Hoàng Ma // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |