![]() |
Kim Clijsters dũng mãnh trong một pha bóng ở US Open 2009. |
Đã gần 30 năm sau nhà vô địch đơn nữ Evonne Goolagong Cawley, thế giới quần vợt mới lại được chứng kiến cảnh một người mẹ trẻ một tay ẳm con mới 18 tháng tuổi, tay kia ôm chiếc cúp vô địch ở một giải grand slam danh giá như Kim Clijsters tại giải Mỹ mở rộng (US Open 2009) vừa kết thúc.
Chỉ một hình ảnh đó cũng đủ nói lên tất cả ý chí, tài năng ngoại hạng của tay quần vợt nữ người Bỉ “hai không”: không là hạt giống, không được xếp hạng khi vào giải này.
Nếu có gì để nói thêm thì chỉ nhắc đến cái tên hai chị em nhà Williams - những tay vợt nữ hàng đầu thay nhau thống trị làng banh nỉ thế giới từ nhiều năm qua - nay đã bị khuất phục trước Clijsters. Quá ngoạn mục cho một cuộc lội ngược dòng!
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không chỉ là chiến thắng, mà là cái cách chiến thắng. Như sau này Clijsters tâm sự: chị cầm lại vợt sau thời gian nghỉ chơi gần hai năm là bởi “muốn cho con gái nhìn thấy mẹ thi đấu trên sân” và chính cái động cơ tình cảm ấy đã khiến chị vào cuộc với tất cả sự thoải mái, hòa nhã và tự tin.
Xem Clijsters thi đấu không ít người đã ngạc nhiên không chỉ vì lối đánh bóng gọn, chắc, mạnh mẽ, tỉnh táo vẫn giữ được như trước kia mà còn ngạc nhiên vì sự dẻo dai, bền bỉ về thể lực, thậm chí còn hơn cả những ngôi sao trẻ. Đúng là một kỳ tích của tình yêu lớn với gia đình và quả bóng nỉ.
Với Del Potro, vô địch đơn nam, thì cái cách anh chiến thắng có khác đôi chút ở trận đấu cuối cùng. Tuy là hạt giống số 6 của giải nhưng chàng trai cao khều 20 tuổi đến từ xứ sở Tango này chỉ mới lần đầu vào chung kết một giải lớn. (Sau giải, Del Potro thú nhận rằng trước trận chung kết, anh đã hồi hộp đến mức không ăn, không ngủ được).
Chính vì thế trước Federer - “tay vợt vĩ đại của mọi thời đại” và cũng là đương kim vô địch giải này - anh đã tỏ ra thiếu tự tin, lúng túng ở set đầu, nhưng điều tuyệt vời là sau đó anh đã lấy lại được bình tĩnh, phát huy cao độ các ngón sở trường, chơi ngang ngửa với “tàu tốc hành” và cuối cùng đánh bại Federer.
Quay chậm lại phút chót của trận chung kết, sau pha đánh bóng hỏng cuối cùng của Federer, Del Potro đã nằm dài ra giữa sân, hai tay ôm mặt cố giấu những giọt nước mắt mừng vui, hạnh phúc. Anh đã dốc toàn lực cho cuộc vượt thác vô cùng gian khổ, một cuộc đua marathon về bản lĩnh và ý chí mà chỉ những ai đủ “độ lì” mới cán đích trước.
Cũng như với Clijsters, bao nhiêu người đã ngạc nhiên thán phục sự đeo bám bền bỉ, quyết liệt của Del Potro trước đối thủ lớn, thậm chí là người khổng lồ trong thể thao, nhưng điều đáng nói hơn là ở chỗ các phẩm chất ấy đã nổi rõ nơi một tay vợt còn trẻ trên một đấu trường lớn. Không dễ dàng nhụt chí, lơi tay trước những người khổng lồ - khi ấy bất ngờ sẽ không còn là bất ngờ.
Ở một đối cực khác, cách thua của các ngôi sao hàng đầu quả thực cũng có nhiều điều để nói. Có lẽ ít có một giải grand slam nào mà sự thất bại của họ lại “đa dạng” và lắm bất ngờ đến thế. Ivanovic - hoa hậu và từng là tay vợt nữ số một thế giới, đã buông xuôi để thua một cách chóng vánh ngay trận đầu trước Bondarenco.
Một tay vợt số một khác là Safina lại tiếp tục thể hiện bản tính nóng nảy, hùng hổ để rồi... phải sớm rời cuộc chơi trước một Kvitova không mấy tên tuổi. Tay vợt nam Gonzalez thì “đang sung bỗng xìu” trong trận đấu kéo dài nhất (hoãn vì mưa) với Nadal. Còn Murray - ứng cử viên vô địch đơn nam của giải - đã chơi vật vờ như cái bóng và bại trận trước đấu thủ bị coi thấp hơn mình nhiều bậc là Cilic. Hoặc “cô gái vàng của quần vợt Mỹ” Serena Williams cáu giận khi bị dẫn điểm và đánh mất mình trước Kim Clijsters... Đâu rồi những hình ảnh đẹp, mạnh mẽ của các thần tượng?
Đã có những giải thích, những biện minh cho thất bại của các ngôi sao hàng đầu: chấn thương chưa hồi phục, chủ quan “khinh địch”, thiếu tập trung trong những thời khắc quyết định, áp lực tâm lý nặng nề, quá tải vì lịch đấu dày đặc... Và những giải thích, biện minh đó không phải là không có căn cứ. Nhưng có lẽ ở một khía cạnh nào đó, đấu trường thể thao cũng chẳng khác mấy với sân khấu cuộc đời vốn có đủ hỷ nộ ái ố, hy vọng và thất vọng, bình thường và đột biến, may và không may.
Có những “đại gia” cơ ngơi hoành tráng bỗng một ngày tuyên bố vỡ nợ; có những nghệ sĩ đang nổi tiếng ầm ầm chợt một ngày nọ rút về ở ẩn, chẳng ai hiểu vì sao; lại cũng có những người mới hôm trước còn “vô danh” bỗng qua một cuộc thi đã thành nổi tiếng thế giới; có những người thời đi học rất xuất sắc tưởng như sẽ thành nhà bác học ai dè sau này cũng chỉ làm anh viên chức làng nhàng... Cuộc sống vẫn vậy: có mặt này, mặt khác, luôn chuyển động và mở ra nhiều hướng.
Dù sao thì Federer, Nadal, chị em nhà Williams... vẫn còn đó và chẳng ai biết được những giải tới sẽ ra sao.
(Theo Thư Hoài // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |