![]() |
Mua sắm đáp ứng nhu cầu khách hàng nhí được các bậc phụ huynh thực hiện quanh năm. Ảnh: AQ |
Nhìn vào danh mục sản phẩm khuyến mãi ở các siêu thị, bên cạnh đồ chơi, quần áo cho bé chỉ chiếm không quá 20% tổng số hàng, còn lại là hàng gia dụng, thực phẩm tươi sống, chăn drap gối, hoá mỹ phẩm… thậm chí cả quần áo lót người lớn. Một nhà kinh doanh siêu thị đã cười khi lý giải rằng: “Ngày Quốc tế thiếu nhi, bé đi mua sắm ở siêu thị cũng phải có cha mẹ dắt, nên khuyến mãi chung cho cả gia đình”.
Ăn theo
Không thể phủ nhận trẻ em đang là khách hàng tiềm năng của nhà sản xuất kinh doanh, với số lượng mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu trẻ em ra đời (nguồn: tổng cục Thống kê), và kéo theo đó là nhu cầu về quần áo, thực phẩm, đồ chơi… tăng theo tương ứng. Với đời sống ngày càng nâng cao ở các vùng đô thị, nhu cầu chi tiêu cho trẻ em đã không ngừng tăng lên. Các bà mẹ ở trường mầm non 20.10 quận 1, TP.HCM đã thống kê được chi tiêu bình quân mỗi tháng cho đứa trẻ dưới năm tuổi khoảng hai triệu đồng, chưa tính tiền quần áo, mỹ phẩm và đồ chơi. Do nhu cầu chăm sóc con ngày càng kỹ lưỡng, nên việc mua bánh kẹo, sữa, giày dép, dầu gội, kem thoa da cho bé… đã trở thành nhu cầu hàng ngày, dịp 1.6 không còn là cơ hội bán hàng của các nhà kinh doanh.
Bà Triệu Hương Giang, phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh trung tâm thương mại ZenPlaza nhìn nhận: “Dịp 1.6 không tổ chức chương trình thì kỳ lắm, nhưng thực ra doanh số bán hàng cho trẻ em dịp này tăng không đáng kể. Mức tăng chừng 20% là nhờ có khuyến mãi”. Tương tự như vậy, bà Đặng Quỳnh Đoan, giám đốc công ty thời trang Việt Thy nói: “Nhìn chung tất cả doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh quần áo, giày dép hay balô túi xách cho trẻ em cũng chỉ khuyến mãi giảm giá hay tặng quà để thể hiện sự quan tâm đến thiếu nhi. Doanh số bán hàng tăng không đủ lớn để có thể làm các chương trình khác”. Nhìn ở góc độ khác, 1.6 còn là cơ hội để các cửa hàng đẩy hàng tồn ra tiêu thụ với các kệ hàng bán giảm giá 50 – 70% đang để đầy ở các trung tâm thương mại, cửa hàng trên đường phố.
Đồ chơi, may mặc lặng tiếng hơn sữa
Cùng chung khách hàng nhí, trong khi các doanh nghiệp may mặc, đồ chơi dường như không để lại dấu ấn gì qua các hoạt động săn sóc khách hàng dịp tết thiếu nhi, thì các doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn đua nhau thể hiện sự quan tâm với khách hàng nhỏ tuổi. TetraPark tài trợ sân chơi nhân ngày Sữa thế giới tổ chức tại sân vận động Quân khu 7, quận Tân Bình. Vinamilk tài trợ 10 tỉ đồng cho quỹ Sữa vươn cao Việt Nam. Nutifood tổ chức ngày hội vi chất cho trẻ em tại công viên Lê Văn Tám. Còn sữa Cô Gái Hà Lan tổ chức sân chơi cho bé cùng lúc ở bốn thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Số doanh nghiệp ngành sữa chiếm lĩnh thị phần lớn không quá mười, và khoảng 240 doanh nghiệp còn lại hầu như im hơi lặng tiếng và không hề khuyến mãi giảm giá sản phẩm cho trẻ em.
Cùng chung khách hàng nhí, song các doanh nghiệp may mặc, đồ chơi gần như không có hoạt động gì xoay xung quanh chủ đề tết thiếu nhi. Các nhà kinh doanh siêu thị và chủ công ty nhìn nhận, hai mùa tiêu thụ quần áo trẻ em, giày dép, túi xách lớn nhất trong năm là thời điểm tháng 8 chuẩn bị năm học mới và dịp tết. Dịp 1.6 không còn thói quen mua quà tặng bé nữa, mà chỉ một số gia đình coi đó là dịp tổng kết năm học, mua món quà thưởng cho thành tích học tập cả năm của con. Ngoài nguyên nhân mua sắm các mặt hàng này diễn ra quanh năm, không loại trừ khả năng cơ cấu sản xuất. Mặt hàng đồ chơi do trong nước sản xuất, số doanh nghiệp sản xuất đếm được trên đầu ngón tay, lượng tiêu thụ cũng không cao. Đồ chơi nhập khẩu chủ yếu là hàng Trung Quốc nhập khẩu từ nhiều nguồn, giá rẻ. Do vậy, không một nhà nhập khẩu hay phân phối nào nghĩ tới chuyện quảng bá, làm sự kiện để thu hút khách hàng, ngoại trừ một nhà phân phối đồ chơi cao cấp tổ chức sân chơi miễn phí cho trẻ em trong dịp này. Tương tự, nhóm hàng may mặc cũng vậy.
(Bích Thuỷ - SGTT)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |