Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp sữa đang “móc túi” người tiêu dùng?

Thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu có tăng hay không còn chờ cuộc họp giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương vào sáng nay, 20-2. Tuy nhiên, có một nghịch lý là mặc dù giá sữa nguyên liệu trên thế giới đang giảm mạnh nhưng giá sữa bán trong nước lại không hề giảm trong nhiều tháng qua. Theo tính toán, giá thành một lít sữa hiện chỉ có 15.000-16.000đ nhưng giá sữa đến tay người tiêu dùng lại lên tới 40.000đ.

Lãi quá nhiều rồi

 

Người tiêu dùng luôn phải tìm loại sữa phù hợp với túi tiền của mình (ảnh minh họa). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Suốt tuần qua, câu chuyện được nhiều người quan tâm là có nên tăng hay không tăng thuế sữa nguyên liệu nhập khẩu. Chủ trương của Bộ NN-PTNT là đề nghị tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ những người nuôi bò trong nước vì họ đang chịu quá nhiều khó khăn, thiệt thòi và cả “nghịch lý”. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến sữa lại “dọa” rằng: Nếu tăng thuế sữa thì họ sẽ tăng giá sữa thành phẩm.


Tuy nhiên, hôm qua, 19-2, Bộ Tài chính đã bước đầu đề ra chủ trương sẽ không tăng thuế suất nhập khẩu sữa bột.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tỏ ra không đồng tình với chủ trương trên. Ông Giao phân tích: “Hiện nay, giá sữa bột trên thế giới đã giảm tới 60% so với năm 2007. Như vậy là doanh nghiệp chế biến sữa đã lãi quá nhiều rồi. Theo quy luật, khi giá sữa thế giới giảm, giá sữa thành phẩm bán ra thị trường trong nước cũng phải giảm để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng suốt hơn một năm nay, giá sữa bán ra không hề giảm. Trong khi hiện nay, giá sữa tươi mà nông dân trong nước sản xuất ra được thu mua với giá rẻ”. Theo ông Giao, tăng thuế nhập khẩu không phải là cái cớ để doanh nghiệp “vin” vào để “dọa” sẽ tăng giá sữa. 


Mặc dù là một doanh nghiệp kinh doanh, chế biến sữa nhưng ngay cả ông Trần Đăng Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk) - cũng khẳng định: “Nếu tăng thuế suất nhập khẩu sữa thì doanh nghiệp sữa vẫn có lãi với giá sữa như hiện nay”.

Theo một chuyên gia về sữa, năm 2007, giá sữa bột trên thế giới là 5.200-5.600 USD/tấn. Thế nhưng từ cuối năm 2008 đến nay, giá sữa nguyên liệu nhập khẩu chỉ còn 2.000 USD/tấn, trong tháng 1-2009 tiếp tục giảm xuống 1.900 USD/tấn, thậm chí sữa bột gầy chỉ còn 1.750 USD/tấn. Như vậy, với việc giá sữa giảm mạnh trong thời gian qua, các doanh nghiệp sữa đang thu được một khoản lợi nhuận lớn và điều đó cũng đồng nghĩa việc người tiêu dùng đang bị “móc túi” khi các doanh nghiệp không chịu giảm giá sữa thành phẩm. 

 

Không chỉ khổ vì giá sữa cao, người tiêu dùng còn “đối mặt” với sữa kém chất lượng. Ảnh: TIẾN ĐẠT

Theo tính toán, với mức thuế và giá nhập khẩu như hiện nay, kể cả những khoản chi phí khác thì khi về đến Việt Nam, giá thành một lít sữa gầy nhập khẩu chỉ vào khoảng 7.000đ/lít. Sau khi chế biến, bổ sung thêm các thành phần, khoáng chất thì giá thành một lít sữa cao lắm cũng chỉ 15.000-16.000đ/lít. Nhưng trên thực tế, giá sữa thành phẩm bán ra thị trường đang có giá tới 150.000đ/hộp sữa bột 400gr, tương đương với 40.000đ/lít!
 

Giá trên trời, chất lượng... có vấn đề!
 

Đó cũng chính là lý do vì sao mà thời gian qua, các doanh nghiệp đã thi nhau nhập khẩu sữa bột về Việt Nam để chế biến và việc thu mua sữa tươi trong nước nhiều khi chỉ là “làm màu” để giữ uy tín với người tiêu dùng. Đặc biệt là khi hàng ngàn nông dân ở Hà Nội, Vĩnh Phúc… bị lâm vào cảnh khốn cùng, sữa tươi phải đổ bỏ ra đường thì cũng không doanh nghiệp nào “nhiệt tình” nhảy vào cứu giúp bà con.
 

Theo ông Giao, “nếu giá sữa thế giới cứ giảm như hiện nay mà chúng ta không kịp thời tăng thuế suất thì các doanh nghiệp sẽ thi nhau ồ ạt nhập sữa bột vào Việt Nam, người chăn nuôi bò sữa không thể sống nổi, đàn bò sẽ bị giết thịt. Trong khi đó, chúng ta đang lo sợ những vấn đề như melamine do nguồn sữa bột đến từ bên ngoài và nguồn sữa bột nhập ngoại là có nhiều rủi ro về chất lượng nhất”.
 

Đó là chưa kể, hiện nay, chất lượng sữa đang có vấn đề, không ít doanh nghiệp sữa lập lờ về độ đạm trong sữa với những chỉ số ghi trên bao bì sản phẩm.


Theo quan điểm của Bộ NN-PTNT, chỉ có tăng thuế sữa bột nhập ngoại mới có thể giúp người chăn nuôi trong nước đỡ khó khăn hơn, đồng thời đó cũng là cách để “kích cầu” tiêu dùng sữa tươi trong nước. Mặt khác, nhà nước cũng có một khoản thuế để tái đầu tư vào hoạt động chăn nuôi, chế biến sữa hoặc các chương trình như sữa học đường…
 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng khẳng định, việc tăng thuế sữa nguyên liệu nhập khẩu chỉ là giải pháp tình thế và nếu điều chỉnh nhịp nhàng, linh hoạt thì cả doanh nghiệp chế biến sữa, người chăn nuôi và người tiêu dùng đều được lợi.
 

Hôm qua, 19-2, Bộ Tài chính đưa ra chủ trương giữ nguyên thuế suất đối với sữa bột nhập khẩu là 10%-15% và chỉ tăng thuế trở lại đối với các mặt hàng thuộc nhóm sữa tươi chưa chế biến hoặc sữa tươi uống liền với mức thuế suất theo từng nhóm hàng. Theo đó, thuế nhập khẩu nhóm này sẽ tăng từ 5% lên 15%. Tuy nhiên, ông Giao khẳng định, nếu chỉ tăng thuế sữa tươi mà không tăng thuế sữa bột nhập khẩu thì cũng không có ý nghĩa.

(Theo báo Sài Gòn online)

  • Honda bán hơn 300.000 xe ôtô lai
  • Sản phẩm điện máy: Giá sẽ giảm tiếp?
  • 350 doanh nghiệp đoạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao
  • Sửa ô-tô - nghề đang thịnh
  • Bắt đầu triển khai Gói dịch vụ Metro Net
  • Vải kháng khuẩn vào Việt Nam
  • Hàng VN chất lượng cao: Tập trung cho thị trường nội địa
  • Xúc xích Ballering chứa chất độc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng