![]() |
Một góc chợ điện thoại di động cũ trên đường Mao Tse Toung ở Phom Penh. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+) |
Giữa tháng Tư, Cellcard Mobitel – nhà cung cấp dịch vụ di động hàng đầu Campuchia – thông báo kế hoạch trở thành hãng cung cấp chính thức dòng điện thoại thông minh Blackberry của Research in Motion (RIM) vào cuối năm nay. Vậy là sự hiện diện chính thức của chiếc điện thoại "Chùm dâu" sắp bao phủ gần khắp Đông Nam Á, ngoại trừ các "ốc đảo" Brunei, Lào và Myanmar.
Cá nhân tôi, người viết bài, thì rất... hỉ hả, vậy là hệ thống mạng Cellcard sắp hỗ trợ kết nối cho chiếc BB 8310 yêu dấu của mình, sau hơn 6 tháng loay hoay đau đầu vì không tài nào kết nối GPRS với mạng của Cellcard. Vài ông bạn Campuchia vẫn đùa vui là chiếc BB của tôi trông thật... ngồ ngộ.
Hành trình gian khó
Trên các đường phố Phnom Penh, hiếm thấy ai sử dụng dòng Smartphone BB trông có vẻ hơi cục mịch của RIM. Mấy người bạn Campuchia có lý, bởi nếu không kết nối GPRS được thì tính năng của chiếc BB cũng chẳng có gì hấp dẫn hơn những dòng điện thoại di động thông thường khác như Nokia, LG, Sony Ericsson hay thậm chí iPhone vốn được dùng khá thông dụng ở nước này. Thực lòng mà nói, BB mà không lướt web, xài pushmail hay chat Jivetalk được, nó đâu khác gì cái điện thoại... ''cục gạch''. Nhưng những người bạn Campuchia chẳng hiểu một điều rằng, ''cuộc hành trình BB'' của tôi thật gian khó, dù đang sống và làm việc ở một quốc gia có tới 8 nhà cung cấp mạng di động GSM với vô số gói dịch vụ kết nối web và giải trí.
Trong bối cảnh nhiều ngành kinh doanh Campuchia đang lâm vào cảnh ế ẩm do khủng hoảng kinh tế, thì thị trường viễn thông vẫn chứng tỏ là một khu vực đầy tiềm năng sau sự kiện Smart Mobile trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động thứ tám ở quốc gia Đông Nam Á này vào tháng 3/2009.
Thống kê của Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia cho biết tới thời điểm này, họ đã cấp giấy phép cho 11 mạng di động, và 8 trong số này đã đi vào hoạt động. Sau lần khai trương chính thức hồi tháng trước của Metfone, chi nhánh Công ty Viettel (Việt Nam) tại Campuchia, Smart Mobile đã trở thành đối thủ cạnh tranh thứ tám trên thị trường di động Campuchia. Hiện tám nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động ở Campuchia gồm: Mobitel (với các đầu số 012, 092, 017, 089), Hello GSM (015, 016), Mfone (011, 099, 085), qb (013), Star-Cell (098), Excel (018), Metfone (097) và Smart Mobile.
Đơn độc
Lần đầu tiên ghé thăm ''Chợ mới'' (Phsar Thom Thmei), khu chợ lớn nhất thủ đô Phom Penh được xây dựng năm 1937, nơi ghi đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật của người Pháp, du khách sẽ phải mê mẩn bởi khối thứ. Bên trong mái vòm khổng lồ, ngẩng đầu lên là vô số ô cửa sổ khiến người xem luôn có cảm giác mát mẻ và kỳ bí như lọt vào một thánh đường La Mã. Còn xung quanh bạn sẽ là một ''thiên đường'' của đủ loại đồ trang sức vàng bạc, đồng hồ giá rẻ, quần áo hàng hiệu "nhái" có xuất xứ từ Thái Lan, giầy dép, valy, và đặc biệt là cơ man những đồ "second-hand" từ khắp bốn phương trời đổ về đây.
Sở dĩ người viết phải lan man vì một trong bốn cửa của Chợ mới hướng ra phố 126, nơi có Hakse - một trong những cửa hàng điện thoại di động lớn nhất Phom Penh. Hakse cung cấp đủ loại điện thoại di động hiện đang "hot" nhất. Nhưng bạn sẽ ''vỡ mộng'' ngay nếu nghĩ rằng tất cả điện thoại di động ở đây đều rẻ hơn ở Việt Nam, dù thuế nhập khẩu đồ điện tử ở Campuchia là khá thấp. Đa phần các dòng máy mới nhất của Nokia, LG, Samsung đều có giá tương đương, thậm chí đắt hơn ở Việt Nam chút đỉnh.
Tuy nhiên, một số model của dòng Sony Ericsson cũng có giá ''mềm'' đến sững sờ, như chiếc S500i mà cánh phụ nữ rất mê mẩn chỉ có giá 140 USD, rẻ khoảng hơn 600.000 đồng so với model này bán ở Việt Nam (theo www.giagoc.vn). Đặt chân đến Phom Penh vào khoảng tháng 10/2008, tôi ghé qua Hakse và khá thích thú vì phát hiện ra một chiếc BB 8320 lẻ loi nằm lọt thỏm trong tủ quầy có hàng chục loại điện thoại di động đời mới.
Ritny, cô bé bán hàng người Khmer tươi tỉnh báo giá 600 USD, kèm lời khuyến nghị "hàng này miễn bảo hành." Ritny giải thích đây là điện thoại từ Mỹ và chỉ cắm sim vào là OK luôn (chắc đã crack), nhưng khi hỏi nó có những tính năng gì thì cô bé ''tịt'' ngóm, dù chỉ ít phút trước người viết trông thấy thấy Ritny thoăn thoắt thao tác và hướng dẫn khách hàng những tính năng giải trí của các dòng máy Nokia hay Sony Ericsson. Tại siêu thị Sorya lớn nhất Phom Penh (cũng từa tựa như Vincom ở Hà Nội), người viết cũng tìm được một chiếc BB 8310 duy nhất trên quầy hàng điện thoại di động, có giá 409 USD. Lần gần đây nhất, tôi có trở lại cửa hàng Hakse thì tìm thấy một chiếc BB 8900, được "hét'' giá 620 USD, nhưng có trời mà biết đây là hàng "Trung Hoa anh hùng" hay đồ "Obama xịn" (như cách nói của dân tinhte.com).
"Campuchia chẳng ai xài BB đâu anh," N.Q - cậu sinh viên người Việt đang học ở Phom Penh kết luận, và nỗi lo lắng mơ hồ của tôi càng được... củng cố sau chuyến lang thang suốt buổi chiều ở chợ điện thoại cũ trong trung tâm triển lãm Mondial trên đường Mao Tse Toung. Có ''bói'' cũng chẳng tìm thấy một chiếc BB nào trong khu "chợ trời" điện thoại di động ở Phom Penh. Gần một tuần loay hoay đăng ký GPRS cho chiếc BB, khỏi phải nói sự bực mình bởi mạng Cellcard liên tục báo tin nhắn không hỗ trợ GPRS cho máy BB (dù các dòng Nokia, Samsung hay Sony Ericsson thì được ngay).
Đành mò tới trung tâm chăm sóc khách hàng của Cellcard trên đường Sihanouk (đoạn gần hướng ra Đài Độc lập), lại thêm thất vọng tràn trề bởi các nhân viên kỹ thuật Cellcard nhắc đi nhắc lại rằng hệ thống mạng của họ không thể hỗ trợ GPRS cho máy BB. Bó tay luôn! Chẳng nhẽ đành phải từ bỏ dòng BB yêu thích của mình để chuyển sang loại máy khác?
"Hồn 83, da Cellcard"
Công việc bận bịu tạm thời cuốn đi nỗi khó chịu nho nhỏ của người viết về chiếc điện thoại BB. Vô vọng bởi một vài lần ''kêu cứu" trên diễn đàn tinhte.com mà chẳng nhận được một lời khuyên nào hữu ích. Thôi đành tự nhủ, chờ tới khi kết thúc công việc, trở về Việt Nam và mình sẽ xài được chiếc máy yêu thích. Lang thang trong quán cafe, nhìn đám thanh niên Campuchia lướt web trên di động mà phát thèm.
Nhưng "ơn giời," như dân mê BB vẫn thường nói, dùng điện thoại "chùm dâu" thì phải "vọc" mới sướng. Nỗi ''bí bức'' GPRS được giải tỏa một cách quá dễ dàng và mau chóng bằng một cái... mẹo vặt. Chỉ với động tác tháo sim ra, lắp đại vào một chiếc máy Nokia (hay những dòng máy thông dụng khác mà Cellcard hỗ trợ), rồi gửi tin nhắn đăng ký dịch vụ GPRS vào tổng đài. Dĩ nhiên mạng Cellcard sẽ báo tin nhắn đăng ký thành công và gửi kèm cấu hình lưu vào máy. Khi đó chỉ việc tháo sim và lắp trở lại vào chiếc BB 8310, cài TCP theo đúng thông số của Mobitel và thế là... lướt web ầm ầm. "Thành công rồi," tôi chỉ muốn hét toáng lên, "Giờ thì cứ vô tư lang thang uống nước mía trên vỉa hè Phom Penh là cũng thoải mái lướt web, miễn là có BB và Laptop, không cần wifi (dù đây là thứ hơi xa xỉ bởi chỉ một vài quán cafe ở Phom Penh là có wifi)".
Chuyện GPRS đã ổn, "thừa thắng xông lên," tôi lại tìm cách uprom ''nâng đời'' cho chiếc máy. Kiếm được bản 4.5.0 EastAsia cho BB 8310, hí hửng chạy luôn cho máy của mình, để rồi lại có thêm một trải nghiệm "hú vía." Bản rom 4.5.0 "dị ứng" hoàn toàn với hãng Cellcard và GPRS... tịt ngóm luôn (như các thành viên diễn đàn tinhte.com từng phàn nàn rằng BB cài bản rom 4.5.0 không thể kết nối GPRS với Vinaphone). Lại loay hoay "hạ đời" về 4.2.2 như cũ.
Riêng N.Q thì tiếc hùi hụi, vì chiếc BB 8320 của cậu ta vừa "nâng đời" rom 4.5.0 chạy rất "phê", cũng đành phải "quay ngược bánh xe lịch sử" để trở về với bản rom 4.2. Biết làm sao được, chẳng nhẽ "nâng đời" rồi mà chiếc BB của mình cũng chẳng khác gì cái điện thoại "cục gạch" vì không chạy được GPRS.
Hôm 4/5, nhà cung cấp dịch vụ di động Hello cũng công bố tin đã bắt tay với Alcatel-Lucent và RIM để chuẩn bị phân phối máy Blackberry và các dịch vụ của BB tại Campuchia. Vậy là "Chùm dâu" của RIM sắp "nở rộ" ở đất nước Chùa Tháp, còn những người mê chơi BB sẽ cảm thấy bớt... đơn độc ở Campuchia./.
(Theo Trần Long // Phnom Penh //Vietnam+)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |