Phát biểu tại hội thảo "Đẩy mạnh bán hàng Việt Nam trên thị trường nội địa", tổ chức ngày 7/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định thị trường nội địa sẽ là điểm tựa phát triển cho năm 2009.

Theo Thứ trưởng mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động nâng cao sức cạnh tranh nhưng nhìn tổng thể vẫn yếu về khâu đầu tư nghiên cứu thị trường cũng như tiếp thị, phân phối sản phẩm.
Vì vậy, hội thảo là nơi để doanh nghiệp chia sẻ thông tin và tìm hướng đi cho những năm tiếp theo nhất là vào thời điểm Việt Nam thực hiện lộ trình mở cửa thị trường phân phối, bán lẻ cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vào kinh doanh hoạt động.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ nhiệm Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Thị Kim Hạnh cho biết hàng hóa sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà mà đối thủ nặng ký nhất là sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO cũng khiến hàng hóa trong nước không thể tiếp tục được bảo hộ.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh lạm phát chung, việc tiêu thụ hàng hóa ngày càng trở nên khó khăn hơn mặc dù các chiêu hạ giá sản phẩm được tung ra khắp nơi. Khẩu hiệu "Người Việt Nam dùng Hàng Việt Nam" đã không còn thích hợp và nhanh chóng được thay thế bằng "Hàng Việt vì Người Việt, cùng vượt qua thách thức," bà Hạnh nói.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều thừa nhận hiện nay, chất lượng nhiều chủng loại hàng hóa của Việt Nam được đánh giá là rất tốt nhưng người tiêu dùng vẫn kém mặn mà bởi khâu phân phối chưa hiệu quả.
Ngoài việc thảo luận về các kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng Việt Nam ngay trên sân nhà, hội thảo đã đề cập đến một mũi đột phá trong yêu cầu bao phủ thị trường. Đó là chương trình bán hàng về nông thôn - thị trường chiếm tới 70% lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung.
Theo dự báo của các chuyên gia, sức ép về phân phối đối với hoạt động thương mại của Việt Nam rất lớn nhưng bức tranh về bán lẻ trên thị trường nội địa 2009 vẫn đầy triển vọng nếu doanh nghiệp Việt Nam thể hiện sự quan tâm hơn nữa đến người tiêu dùng trong nước bằng cách tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần hỗ trợ xây dựng chiến lược cấp quốc gia về thị trường nội địa, phát triển hệ thống phân phối...
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển cho biết với doanh thu bán lẻ hàng năm tăng trên 10% (đã trừ lạm phát), Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn trên thế giới, vượt qua cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo quy luật chung, không một quốc gia nào duy trì mãi tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu, việc chú trọng và chiếm lĩnh thị trường trong nước sẽ trở thành nhu cầu cấp bách nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển./.