Tháng 10/1965, để tăng cường bộ máy đàn áp và khủng bố phong trào đấu tranh của quần chúng, hòng ổn định tình hình chính trị đang sôi sục tại các thành thị miền Nam, bọn Mỹ ngụy đã nhanh chóng thành lập và đào tạo lực lượng cảnh sát dã chiến chuyên thực hiện nhiệm vụ đàn áp các phong trào đấu tranh chính trị.
Ở TP Sài Gòn, nhiều tiểu đoàn cảnh sát dã chiến xuất hiện với đầy đủ các loại vũ khí và dụng cụ đàn áp. Một tiểu đoàn mới của chúng đang tập ở sân vận động Cộng Hòa.
Bao nhiêu lựu đạn cay, phi tiễn, dùi cui, ma trắc đã và đang cũng như sẽ đổ lên đầu những bác, chú công nhân, những anh chị sinh viên học sinh, những dì, những chị tham gia phong trào đòi hòa bình, đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi độc lập, tự do...
Nữ đội biệt động năm 1968.
Không thể nào mặc nhiên trước hành động dã man đó, ước muốn "trả đũa" bọn chúng được nung nấu trong lòng những người bạn trẻ tham gia phong trào.
Sau nhiều trận đánh vào sào huyệt của bọn Mỹ và tay sai, Ban quân sự Thành đoàn Sài Gòn quyết định đánh phủ đầu vào đơn vị mới xuất hiện ở sân vận động Cộng Hòa, nhằm gây hoang mang, làm nhụt ý chí trong hàng ngũ của chúng, chặn đứng gọng kềm bao vây phong trào.
Đồng chí Út Thu một đội viên gan dạ của đội võ trang biệt động được vinh dự nhận nhiệm vụ đánh trực tiếp vào bọn chúng. Sau khi điều nghiên, bộ phận hậu cần đã chế tạo một loại mìn ĐH 10 mới và đưa vào sử dụng.
Mìn được ngụy trang trong chiếc giỏ ni-lon đi chợ. Út Thu đã mang mìn tiến vào mục tiêu và đặt một cách an toàn. Nhưng do xử lý sai kỹ thuật nên đến giờ G; bọn cảnh sát dã chiến hết toán này đến toán kia ùa ra cổng, trái mìn trong giỏ vẫn im lìm, đến khi tên cuối cùng ra khỏi sân trái mìn vẫn nằm nguyên trong giỏ.
Sự kiện ấy đặt ra một tình hình mới; phải di chuyển trái mìn khỏi mục tiêu để đảm bảo bí mật hoạt động và nếu mục tiêu chưa bị lộ, thì kế hoạch tiêu diệt lực lượng này vẫn có thể tiếp tục... vấn đề cần bàn bạc trong buổi họp khẩn cấp của Ban quân sự là di chuyển trái mìn bằng cách nào. Ai là người thực hiện?
Thế là người nọ tranh với người kia, xin được nhận nhiệm vụ. Trong số đó có một cô gái giao liên tên Bùi Thị Kim Anh, bí danh Năm Thuận, cô phát biểu với giọng hờn trách:
- Từ trước đến giờ, các anh chị chỉ giao cho em nhiệm vụ mang trái, chớ không cho em đánh trái. Bây giờ nhiệm vụ mang trái về cũng không giao cho em nữa sao? Em đề nghị để em mang nó về...
Đôi mắt cô gái rươm rướm đỏ, không ai muốn cho cô khóc, nhưng Năm Thuận còn non nớt quá, nếu không hoàn thành nhiệm vụ chẳng những cô phải hy sinh, mà kế hoạch xây dựng trận đánh cũng tan thành mây khói... Hiểu ý các anh, Út Thuận thản nhiên nói:
- Không sao đâu mà! Các anh chị đừng lo, em mát tay lắm! Mà dẫu có gì đi nữa thì đã sao, có hoạt động thì có hy sinh chớ bộ!
Cuối cùng Ban quân sự Thành đoàn quyết định giao nhiệm vụ cho Năm Thuận.
Chiều hôm đó, Năm Thuận đến Sân vận động Cộng Hòa. Cô bình thản đi dọc theo đường Đào Duy Từ. Đến gốc một trụ điện, cô liếc nhìn thấy cái giỏ vẫn còn. "Nó kia rồi!". Cô nhủ thầm và thấy mừng trong dạ.
Năm Thuận đi chậm lại dò xét bốn phía. Nhân lúc vắng người, cô đến ngồi bên chiếc giỏ, thấy không có gì khả nghi, cô nhanh chóng làm những động tác kỹ thuật và đứng dậy, tay xách chiếc giỏ.
Bây giờ Năm Thuận thấy hồi hộp, tim cô đập liên hồi. Trái mìn đã rút kíp, bị lay động có thể nổ bất cứ lúc nào.
Cô cố trấn tĩnh. Chiếc giỏ nặng, nhưng cô phải tạo một dáng đi thong thả, bình thường.
Đến trạm xe buýt cô dừng lại, định lên xe nhưng ..."Không được, xe đông người quá, lỡ rủi ro, bà con sẽ...", cô nghĩ thế và tiếp tục bước đi. Chiếc giỏ càng lúc càng nặng, không thể đi bộ mãi được, vì bọn công an chìm sẽ để ý, nghi ngờ, khám xét... Năm Thuận đành phải gọi một chiếc xích lô...
Mười hai ngày sau, tại Sân vận động Cộng Hòa xảy ra một vụ nổ độc đáo. Lúc 11 giờ 30 phút, bọn cảnh sát dã chiến ùa ra cổng liền bị một quả ĐH 10 bung vào, 10 phút sau bọn MP (quân cảnh Mỹ) và các bộ phận khác đang loay hoay xem xét, thu dọn thì quả mìn thứ hai bồi thêm. Đó là cách "đánh bồi" đầu tiên tại thành phố.
Quả thứ hai chín là quả mìn được cô gái hai mươi tuổi ôm đi giữa phố ngày hôm ấy! Năm Thuận, tức Bùi Thị Kim Anh được kết nạp chính thức vào đội võ trang biệt động của Thành đoàn.
Tính đến thời điểm đó, đội võ trang của Thành đoàn chưa đầy 5 tuổi. Đội chính thức ra đời ngày 26/3/1961 được mang danh "Đội quyết tử".
Ngày 6/4/1961, đội đã đánh trận đầu tiên nhằm cổ vũ quần chúng chống lại cuộc bầu cử Tổng thống ngụy quyền nhiệm kỳ hai. Đoàn viên Lê Văn Thành và Nguyễn Văn Trí dùng xe gắn máy ném lựu đạn vào xe Mỹ ở đầu đường Ngô Thời Nhiệm - Trương Minh Giảng, giết chết tên William Thomas, chuyên viên cao cấp của Mỹ xây cất Sân bay Tân Sơn Nhất./.
(Theo Lê Thị Hiếu Dân/CMO)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com