Năm 2008, năm bản lề của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2006 - 2010 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhưng lại là năm tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, trong nước, đầu năm tình hình lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng và lãi suất ngân hàng tăng cao; cuối năm, nền kinh tế có dấu hiệu giảm phát. Trên địa bàn Tỉnh giao thông đi lại khó khăn, thiên tai giáng xuống làm ảnh hưởng không nhỏ tới KT-XH và hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của Tỉnh. Trong khi, Sở Công Thương vừa phải kiện toàn, lại tổ chức bộ máy, vừa tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm kiếm chế lạm phát, bình ổn thị trường. Song được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Trung ương; sự chỉ đạo quyết liệt của cấp tỉnh; sự đoàn kết thống nhất và nỗ lực cao, ngành Công Thương Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng và tích cực trong phát triển công nghiệp và thương mại năm 2008.
![]() |
Kim ngạch XNK qua các cửa khẩu của Tỉnh năm 2008 đạt 622,9 triệu USD |
Hoạt động Công Thương năm 2008 đều đạt kế hoạch
Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh năm 2008 đạt 1.302,7 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2007. Trong đó: Công nghiệp Trung ương đạt 822,8 tỷ đồng, tăng 28,6%; công nghiệp địa phương đạt 401,6 tỷ đồng, tăng 13,3% (trong đó, công nghiệp ngoài nhà nước đạt 263,8 tỷ đồng, tăng 18,2%); công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,3 tỷ đồng, tăng 36,2%.
Những sản phẩm có giá trị tăng khá: Quặng Apatít (36,2%), quặng sắt (42,4%), fenspát nghiền (26,7%), phốt pho vàng (31,5%), thùng tôn cán nguội (27%), sản phẩm cơ khí (18%), tinh bột sắn (90%),... Doanh thu công nghiệp đạt 3.600 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch, tăng 38% so với năm trước.
Cùng với cả nước, thị trường trong Tỉnh cũng chịu tác động chung đó là giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng ở mức cao trong thời gian đầu và giữa năm. Tuy nhiên hoạt động thương mại, dịch vụ vẫn diễn ra sôi động, hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại.
Dịch vụ và thương mại
Cùng với cả nước, thị trường trong Tỉnh cũng chịu tác động chung từ nền kinh tế tthế giới và trong nước, đặc biệt là trước tình hình biến động của giá xăng dầu và nhu cầu mua sắm làm giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu, giá cả các sản phẩm tiêu dùng trong dân tăng cao trong thời gian đầu và giữa năm. Tuy nhiên hoạt động thương mại, dịch vụ vẫn diễn ra sôi động, hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại..
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt 3.274 tỷ đồng, bằng 131% KH, tăng 38% so với năm 2007. Các mặt hàng chính sách (muối iốt, dầu hỏa) được cung ứng kịp thời, đầy đủ tới tận vùng sâu, vùng xa cho nhân dân. Hạ tầng thương mại, dịch vụ ngày càng được củng cố, hoàn thiện với 71 chợ (50 chợ nông thôn và 21 chợ thành thị, trong đó có 1 chợ được xây dựng theo hình thức BOT), 12 siêu thị, 1 trung tâm thương mại quốc tế tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, 6 văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài và nhiều loại hình dịch vụ trong khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Kim ngạch XNK qua các cửa khẩu của Tỉnh năm 2008 đạt 622,9 triệu USD, bằng 101% KH, giảm 34,8% so với năm trước (trong đó kim ngạch XK: 106,6 triệu USD; kim ngạch NK: 516,3 triệu USD); kim ngạch XNK do Tỉnh quản lý đạt 82,8 triệu USD, bằng 107,6% KH, giảm 1,7% (XK đạt 58,9 triệu USD và NK đạt 23,9 triệu USD). Hoạt động XNK qua các cửa khẩu của Tỉnh năm 2008 bị giảm sút do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, ngoài ra, một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kim ngạch XNK giảm mạnh là do một số mặt hàng có giá trị lớn không được xuất khẩu (quặng đồng, quặng sắt), phía Trung Quốc có sự thay đổi về chính sách XNK (áp dụng hạn ngạch XK đối với mặt hàng than công nghiệp; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật đối hàng nông sản NK theo cam kết WTO) và hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ nối Lào Cai với các địa phương (nhất là Hà Nội) bị xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa.
Công tác quản lý nhà nước về Công Thương đã có chuyển biến tích cực, tập thể cán bộ công chức ngành Công Thương đã có nhiều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vai trò tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền địa phương được đề cao và phát huy, nhiều cơ chế chính sách tham mưu cho Tỉnh đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh.
Giải pháp phát triển năm 2009
Các chỉ tiêu
Giá trị và tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh năm 2009 phấn đấu đạt 1.538 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm 2008. Trong đó: Công nghiệp Trung ương: 871,01 tỷ đồng, tăng 6%; công nghiệp địa phương: 606,99 tỷ đồng, tăng 51%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 60 tỷ đồng, giảm 23,4% (Do hoạt động XK khoáng sản gặp khó khăn).
Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội dự kiến đạt 3.835 tỷ đồng, tăng 17,14%.
Kim ngạch XNK qua các cửa khẩu của tỉnh đạt 810 triệu USD, tăng 30%. Trong đó, XK dự kiến đạt 168 triệu USD, tăng 57%.
Kim ngạch XNK do Tỉnh quản lý đạt 75 triệu USD, giảm 9,4%. Trong đó, XK dự kiến đạt 40 triệu USD, giảm 30%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, ngành Công Thương cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh việc thực hiện các đề án, dự án trọng tâm của ngành giai đoạn 2006-2010; tích cực triển khai công tác lập quy hoạch; tăng cường rà soát, đề xuất các cơ chế chính sách để thúc đẩy sản xuất phát triển:
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các quy hoạch của ngành và các đề án, dự án trọng tâm về phát triển công nghiệp, thương mại của Tỉnh đảm bảo đúng tiến độ và lộ trình.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển CN-TTCN, Quy hoạch khai thác và chế biến khoáng sản và Quy hoạch phát triển mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục lập quy hoạch chi tiết 6 cụm TTCN (Xuân Quang - huyện Bảo Thắng; trung tâm huyện Mường Khương; trung tâm huyện Si Ma Cai; Bắc Lệnh, Đồng Tuyển và Vạn Hòa - TP. Lào Cai).
Tham mưu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai về Chính sách khuyến khích phát triển TTCN theo hướng mở rộng đối tượng và tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở sản xuất.
Đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ các huyện nghèo của tỉnh (Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai) theo Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: đầu tư phát triển lưới điện, tiểu thủ công nghiệp, hệ thống chợ.
Hai là, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu:
Triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ đã nêu tại Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ; tranh thủ khai thác tối đa các nguồn vốn kích cầu của Chính phủ.
Tích cực giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định canh định cư,... để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm của Tỉnh: Khai thác và tuyển quặng Sắt Quý Xa; nhà máy Gang thép Lào Cai; khai thác, tuyển apatít Bắc Nhạc Sơn; nhà máy DAP số 2; nhà máy gạch Tuynel tại Bảo Thắng, Bát Xát và các dự án thủy điện.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến sâu khoáng sản, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (sắt, đồng, phân bón, hóa chất,...); nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm vật tư nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường (cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) nhằm phát huy vị trí “cầu nối” của Tỉnh trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tổ chức cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia các hội chợ trong và ngoài nước; Phối hợp tổ chức tốt Hội chợ Thương mại - Du lịch Việt - Trung 2009 tại Lào Cai; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, website,... Đề xuất Tỉnh bố trí một số gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá tiềm năng phát triển và các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của Lào Cai tại Hà Nội.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu; giải quyết kịp thời thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu (C/O). Đề nghị Tỉnh cho phép xuất khẩu quặng sắt (Limonit), tinh quặng manhetit (từ tuyển đồng); đẩy mạnh XK các mặt hàng như: Quặng apatít loại 2, phốt pho vàng,....
Ba là, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân và phát huy có hiệu quả các công trình, dự án đã xây dựng:
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và mở rộng các khu, cụm công nghiệp hiện có, hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, sớm đưa khu TM-CN Kim Thành vào hoạt động. Tăng cường thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu. Đề xuất và xây dựng hạ tầng của 4 cụm TTCN đã quy hoạch, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg. Thực hiện di chuyển, sắp xếp các cơ sở TTCN trong khu dân cư vào các cụm TTCN tập trung.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng nông thôn (REII, REII mở rộng), tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để phấn đấu hết năm 2009 đạt 100% xã, phường, thị trấn trong Tỉnh có điện lưới quốc gia. Tham mưu UBND Tỉnh làm việc với EVN để thống nhất phương án và đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống lưới điện theo quy hoạch trên địa bàn, trong đó ưu tiên đầu tư đường truyền tải 110 Kv Văn Bàn - Tằng Loỏng; đồng thời, Sở sẽ chủ trì phối hợp với ngành điện giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu trong việc đầu tư hệ thống đấu nối các nhà máy thủy điện. Kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN mua hết điện năng do các nhà máy thủy điện phát ra.
Quan tâm đầu tư hạ tầng thương mại, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng chợ nông thôn, trước mắt tập trung xây dựng các chợ trung tâm huyện Mường Khương, chợ Võ Lao (Văn Bàn); đẩy nhanh tiến độ thi công chợ Km 27 thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng); xem xét, nghiên cứu xây dựng chợ Gia Phú (Bảo Thắng), chợ Long Khánh (Bảo Yên). Khẩn trương hoàn thiện, đưa vào sử dụng Trung tâm hội chợ, triển lãm khu TM - CN Kim Thành và chợ văn hóa, du lịch Bắc Hà.
Đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án: Nâng cấp quốc lộ 70; xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và nâng cấp các tuyến tỉnh lộ để nâng cao năng lực phục lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế của địa phương.
Bốn là, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm:
Tăng cường công tác quản lý, theo dõi diễn biến thị trường và biến động giá; thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu. Xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ tăng giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại; tích cực tham gia công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm; tham mưu BCĐ 127 tỉnh Lào Cai tăng cường phối hợp công tác với BCĐ 127 tỉnh Yên Bái.
Tham mưu UBND Tỉnh thành lập Quỹ bình ổn thị trường từ Ngân sách Nhà nước để đảm bảo ổn định thị trường khi có các tình huống xấu như thông tin thất thiệt, thiên tai, bão lụt,... để đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội.
Năm là, tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thực hiện và thông tin tuyên truyền:
Tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, các dự án đăng ký đầu tư vào Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành và các cụm công nghiệp của Tỉnh để kịp thời giải quyết các vướng mắc, chấn chỉnh các tồn tại; đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án triển khai chậm hoặc chủ đầu tư kém năng lực.
Phối hợp chặt chẽ với các huyện, TP triển khai thực hiện tốt chương trình khuyến công, hỗ trợ có hiệu quả các dự án phát triển CN - TTCN trên địa bàn Tỉnh; đẩy mạnh phát triển và khôi phục các làng nghề; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các phòng Công Thương, bộ phận Công Thương thuộc phòng Kinh tế các huyện, TP theo hướng dẫn của Trung ương.
Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn vệ sinh lao động, an toàn sử dụng vật liệu nổ, khai báo hoá chất, bảo vệ và phục hồi môi trường trong sản xuất công nghiệp. Nghiên cứu và triển khai đầu tư dự án xử lý môi trường trong các khu, cụm CN, nhất là cụm CN Tằng Loỏng. Tăng cường công tác quản lý điện nông thôn; hoạt động thương mại tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngành Công Thương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh nhận thức đúng về lộ trình mở cửa thị trường bán buôn, bán lẻ cũng như các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Nâng cao chất lượng chuyên trang về Công Thương tại Cổng thông tin điện tử Tỉnh, Sàn giao dịch điện tử Tỉnh và Bản tin Công Thương để cung cấp, trao đổi thông tin về cơ chế chính sách, thị trường, sản xuất và sản phẩm,...
Sáu là, chú trọng công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về công nghiệp - thương mại, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, ngành nghề trong các khu, cụm CN - TTCN của Tỉnh./.
(Lê Ngọc Hưng - Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com