Hơn 20 năm qua kể từ khi chính sách mở cửa của Việt Nam đón vào biết bao công ty nước ngoài, nhiều người làm việc tại các văn phòng này nhận ra một điều thú vị: hễ là công ty Nhật thì mua (trước đây là “tạm nhập, tái xuất”) xe hơi Nhật, văn phòng Pháp đi xe hơi Pháp, còn Đức hay Hàn Quốc cũng dùng xe có thuơng hiệu của riêng nước họ. Một hành xử bất thành văn, rất tự nhiên, mà không thấy có bất kỳ một chính sách quốc gia nào mang tên Buy Japan, Buy France, Buy Germany hay Buy Korea cả, đơn giản vì xe hơi của họ có mặt khắp nơi trên thế giới, chất lượng hiện đại y như nhau, danh tiếng lẫy lừng như nhau, và lòng tự hào về những sản phẩm ấy chính là động lực khiến họ chuộng “hàng nội”, “quen xài” hàng nội. Trong khi đó, hàng Việt Nam xuất khẩu tuy đem lại thu nhập đáng kể cho nền kinh tế quốc dân vẫn không tạo nên một tâm lý chuộng “hàng nội” nơi người dân Việt, thậm chí sự sính hàng ngoại còn tạo điều kiện cho gạo nước ngoài và ngay cả nước mía nước ngoài chễm chệ trên các kệ hàng sang trọng ở Việt Nam.
Khi sự suy thoái kinh tế toàn cầu khiến có ít đi những đơn hàng của nước ngoài, việc quay lại thị trường nội địa tất nhiên là cách tự cứu mình của các doanh nghiệp, và việc khuyến khích tiêu dùng hàng nội là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước; song, việc bỏ tiền tiến hành điều tra về tâm lý, hành vi mua sắm, nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam về giá cả, chất lượng, kiểu dáng, v.v., trong phạm vi ba nhóm hàng lương thực – thực phẩm, dệt may – da giày, và đồ gia dụng, của bộ Công thương nhằm hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp lại là một việc không thuộc loại tối cần thiết, hoặc không phục vụ cho một chiến lược quốc gia. Tất nhiên, không ai đem sản phẩm công nghiệp cá đóng hộp tiếp thị tại các vùng sông nước hoặc có nhiều thuỷ – hải sản, hoặc gà thả vườn đông lạnh đến với chốn nông thôn, vì nếu không “chở củi về rừng” thì cũng mang hơi hướng “giải phóng hàng tồn, hàng ế”, một lối hành xử không tôn trọng người dân nông thôn tỉnh lẻ. Thậm chí nếu thành công trong khuyến khích gia tăng tiêu dùng hàng nội thì cũng chỉ thuần tuý dựa trên chuỗi liên tục không được ngưng nghỉ các hoạt động khuyến mãi rình rang, hội chợ nhộn nhịp, và giảm giá tối đa, mà tất cả những điều này chỉ phát sinh tốn kém quá lớn cho một doanh số chỉ lớn đại khái về tổng thu nhưng giảm đáng kể về đơn giá hàng hoá, dẫn đến hạ giá nguyên liệu, gây thiệt hại cho khâu cung ứng nguồn, triệt tiêu sự phát triển sản xuất nguyên liệu, vốn hoàn toàn không đáng gọi là một “cú hích” để chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Trong thời gian quá dài chỉ biết tập trung khai thác ào ạt tài nguyên phục vụ xuất khẩu, còn tạo nên thương hiệu chỉ để đừng mất tên trên thị trường hay để “lên sàn” hoặc tham gia bán “nhượng quyền”, hầu như chưa nhà sản xuất nào và doanh nghiệp nào có được một sản phẩm tầm cỡ, trị giá cao, vang danh hải ngoại, mà người Việt nào cũng đua nhau mua dùng với lòng tự hào thực sự, có nhu cầu thực sự, mà không cần đến khuyến mãi, giảm giá, hay phải khơi dậy lòng trắc ẩn đối với tình cảnh điêu đứng của sản xuất nước nhà hay kêu gọi lòng ái quốc thiêng liêng vốn không nên tự do lôi ra phục vụ cho giải phóng hàng tồn. Nên chăng hãy xem việc kích cầu với những gói tiền nhiều tỉ đôla Mỹ hiện nay là việc chẳng đặng đừng, mang tính du kích nhất thời, được tiến hành cùng lúc với việc nên làm là cùng các nhà tư vấn trong và ngoài nhà nước nhận diện cho được một – dù chỉ một – loại hàng hoá đáp ứng cùng lúc các chuẩn mực về (a) thế mạnh, (b) nhu cầu lớn và dài lâu, (c) hiện đại, (d) giá trị cao và trị giá cao, và (e) có khả năng tạo nên sự tự hào của tất cả người tiêu dùng trong và ngoài nước mà Việt Nam cần tập trung đầu tư cho một chiến lược quốc gia cho hàng nội cho ít nhất sau mười năm sắp đến. Đó mới thực sự là một chiến lược quốc gia cho hàng nội.
( ThS Hoàng Hữu Phước // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com