Trước đây, sự khác biệt giữa các quốc gia dựa trên các yếu tố: tiền vốn, vật tư, đất đai, tài nguyên và năng lượng. Ngày nay, sự xuất hiện nền kinh tế tri thức đã đưa xã hội loài người tới kỉ nguyên hoàn toàn mới, đồng thời làm thay đổi về mặt nhận thức: kỹ năng toàn cầu, hiểu biết quốc tế, trình độ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và sự uyên thâm của người lao động mới làm nên sự khác biệt giữa các quốc gia. Nói cách khác, trong thời đại ngày nay nước nào làm chủ được nguồn nhân lực ICT và nền kinh tế tri thức sẽ chiếm thế “thượng phong”. Muốn có nguồn nhân lực ICT chất lượng cao thì công tác đào tạo người lao động phải đặt lên hàng đầu và đây là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia.
Chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu
Trình độ công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay so với thế giới và các nước trong khu vực còn có khoảng cách lớn. Trong các đợt tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin của các công ty nước ngoài tại Việt Nam thì tỷ lệ được lựa chọn rất thấp. Các đợt kiểm tra để cấp học bổng cho các lớp đào tạo nâng cao sau đại học của Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam cho thấy sinh viên Việt Nam bị hổng lớn về kiến thức và kỹ năng cơ bản. Số lượng đào tạo nhiều, nhưng chất lượng thấp,... trong khi nhu cầu của xã hội rất lớn chưa được đáp ứng - đây là một nghịch lí và là thách thức cho việc bảo đảm chất lượng đào tạo ngành công nghệ thông tin trong các trường đại học ở Việt Nam.
![]() |
Cơ sở vật chất ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo |
Có nhiều cách để giải thích trình độ về công nghệ thông tin của Việt Nam chưa ngang tầm với các nước, nhưng có một điều khẳng định chắc chắn, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân: chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, chưa xác địch mục tiêu chung cho hệ thống đào tạo nhân lực công nghệ thông tin. Hiện tại các trường đào tạo công nghệ thông tin chủ yếu đào tạo chung với tên ngành là Tin học, Tin học ứng dụng, Công nghệ thông tin, tuy nhiên thực chất nội dung chương trình đào tạo thì gần giống nhau mặc dù tên khác nhau và vấn đề này vẫn chưa có sự rà soát, đánh giá lại.
Thứ hai, yêu cầu về nhân lực công nghệ thông tin chưa đầy đủ và thực tế. Chưa đánh giá đúng thực trạng, phân tích nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, vì vậy hình thành cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, đầu tư chưa phù hợp đối với đào tạo công nghệ thông tin của hệ thống giáo dục quốc dân.
Thứ ba, hệ thống đào tạo dàn trải và không được kiểm tra, kiểm soát và chất lượng không đồng đều. Với số lượng trường tham gia đào tạo về công nghệ thông tin rất lớn, tuy nhiên việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như chất lượng đội ngũ giảng viên thì không giống nhau, chương trình đào tạo cũng tùy theo điều kiện của từng trường xây dựng chưa theo chuẩn mực nhất định, do đó tạo ra các sản phẩm với việc đáp ứng nhu cầu khác nhau, tạo ra sự bất cập về việc đào tạo công nghệ thông tin.
Thứ tư, chuẩn đánh giá kỹ năng về các bậc đào tạo vẫn chưa tiến hành để tạo chuẩn tương đối về chất lượng. Hiện tại đối với ngành công nghệ thông tin, các doanh nghiệp (chủ yếu các doanh nghiệp nước ngoài và của Nhật Bản) thường sử dụng chứng nhận đạt chuẩn FE (chuẩn kỹ sư cơ bản của Nhật Bản được VITEC thực hiện và được công nhận rộng rãi của khu vực Đông Á, Đông Nam Á…) tuy nhiên đây chỉ là các yêu cầu của các doanh nghiệp, đối với các đơn vị đào tạo vẫn chưa quan tâm đào tạo học sinh - sinh viên có đủ kiến thức cơ bản của chuẩn FE.
Thứ năm, chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo vừa lạc hậu và thiếu tính hội nhập khu vực và thế giới.
Hiện tại chúng ta thực hiện các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin khá lạc hậu, lạc hậu ở đây không phải chỉ về kiến thức chuyên ngành hẹp mà cả kiến thức cơ sở ngành. Theo xu hướng chung của thế giới, các chương trình đào tạo có xu hướng thu ngắn lại (do thay đổi phương pháp đào tạo, thay đổi nội dung đào tạo phù hợp) tuy nhiên vẫn đảm bảo chuyên môn và đáp ứng kỹ năng về nghề nghiệp. Các chương trình đào tạo của chúng ta cũng thực hiện giảm thời gian, thời lượng đào tạo tuy nhiên việc giảm này vẫn mang tính cơ học nhiều hơn chứ chưa chú trọng vào việc điều chỉnh điều chỉnh nội dung từng khối kiến thức, từng học phần phù hợp. Mặc dù đào tạo công nghệ thông tin nhưng đa số các trường vẫn áp dụng phương thức dạy học truyền thống trong giảng dạy, đánh giá nên hiệu quả của việc đào tạo chưa cao.
Thứ sáu, phần lớn sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp từ các trường đại học Việt Nam quá thiếu các kỹ năng khác ngoài kỹ năng chuyên môn, khiếm khuyết về kỹ năng mềm là điểm yếu nhất đối với sinh viên Việt Nam. Chương trình đào tạo công nghệ thông tin trong các trường đại học chỉ tập trung chủ yếu vào đào tạo kiến thức chuyên môn, còn việc đào tạo kỹ năng làm việc hầu như không có. Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ cũng là một kỹ năng rất quan trọng đối với nhân lực công nghệ thông tin, nhiều nhà tuyển dụng đến từ ngoài nước nhận xét sinh viên Việt Nam khả năng chuyên môn tốt nhưng trình độ ngoại ngữ kém cũng là điều đáng suy nghĩ.
Giải pháp đào tạo
Một là, nâng cao trình độ giảng viên ICT.
Ngành ICT là một ngành đặc trưng cho kinh tế tri thức với tốc độ thay đổi rất nhanh, trách nhiệm của nhà trường, của người thầy là đào tạo sinh viên khi ra trường có thể thích ứng với sự thay đổi này. Một yếu tố quan trọng phải được đưa vào mô hình người giảng viên đại học ICT là yếu tố quốc tế hóa. Vai trò của các giảng viên đại học ICT sẽ không còn giới hạn trong phạm vi quốc gia, mà tầm hoạt động phải hướng đến một không gian toàn cầu, phi biên giới. Thầy giáo ICT phải có trình độ tiếng Anh để giao tiếp với các đồng nghiệp trên toàn thế giới và dạy cho học viên ICT chuyên môn bằng tiếng Anh .
Hai là, xây dựng chế độ chính sách, cơ sở hạ tầng và văn hóa ICT.
Nghiên cứu và sớm ban hành các định hướng chiến lược cho ứng dụng ICT vào giáo dục. Có sự chỉ đạo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất bằng các văn bản của nhà nước mang tính pháp quy để các tỉnh, thành có cơ sở lập đề án, huy động nguồn vốn đầu tư cho hoạt động này, góp phần làm thay đổi nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và quản lý giáo dục, tạo nên được sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội thông qua mạng, làm cơ sở tiến tới một xã hội học tập.
Nhà nước tăng dần mức đầu tư để không ngừng nâng cao, hoàn thiện và hiện đại hoá thiết bị, công nghệ dạy học; đồng thời hoàn thiện hạ tầng ICT để mọi trường học đều có thể kết nối vào mạng Internet.
Nhanh chóng xây dựng bài giảng điện tử dạng đa phương tiện (multimedia) cho các môn học phù hợp với trực quan sinh động, dần dần tiến tới tất cả các môn học đều có bài giảng điện tử được lưu trữ trên mạng để sinh viên có thể tham khảo bài giảng vào bất kỳ lúc nào. Xây dựng các thư viện điện tử phong phú và liên kết với nhau ở cấp trường, quốc gia và quốc tế. Tăng cường thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học có ứng dụng ICT kết hợp tự phát triển các phần mềm hỗ trợ học tập và nghiên cứu. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống CSDL quản lý ngành giáo dục.
Công nghệ mới là một khía cạnh văn hóa của thế giới mới, và như mọi thứ văn hóa, nó sẽ được tiếp nhận tốt nhất ở tuổi trẻ, giúp người học định hướng tư duy và thái độ của mình trong thời kỳ mới. Từ đó cần qua dạy và học làm cho thế hệ trẻ nhanh chóng làm quen và sử dụng công nghệ mới một cách đúng đắn để hình thành phong cách văn hóa mới.
Ba là, cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và mục tiêu giáo dục phù hợp với tốc độ phát triển của ICT.
Lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông là lĩnh vực có tốc độ phát triển chóng mặt, nếu không cập nhật chương trình đào tạo thì sản phẩm đào tạo của nhà trường không thể đáp ứng được yêu cầu từ phía các nhà tuyển dụng. Trong trường hợp đó, không có cách nào khác là giáo dục đại học chỉ trang bị kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản và dạy cách học cho sinh viên, tạo cho họ khả năng, thói quen và niềm say mê học tập suốt đời. Mọi phương pháp dạy, phương pháp học, nội dung cần dạy, nội dung cần học đều phải xuất phát theo tư tưởng chủ đạo đó.
Trước đây việc tự học thường phải đối mặt với một khó khăn rất lớn là thiếu thông tin, thiếu tài liệu, ngày nay nhờ mạng internet, kho tàng tri thức của nhân loại đã được lưu trữ, xử lý và trao đổi dễ dàng trên phạm vi toàn cầu, theo nhu cầu và không phụ thuộc vào vị trí địa lý của người dùng. Đây chính là cơ sở để đổi mới mục tiêu giáo dục đại học trong kỷ nguyên thông tin nhằm tạo ra con người có khả năng tự định hướng học tập, tự học thường xuyên, biết chọn lọc, xử lý thông tin và có khả năng sáng tạo tri thức, tự tin hội nhập vào thị trường lao động chất xám quốc tế đầy tính cạnh tranh.
Bốn là, bồi dưỡng và quan tâm đến các kỹ năng mềm (SoftSkills) cho sinh viên.
Thời gian đào tạo của chương trình chuyên nghiệp (cao đẳng, trung cấp) chỉ 2 đến 3 năm, đại học từ 4 đến 5 năm, nên nếu đưa khối kiến thức cơ bản và kỹ năng nghề đầy đủ thì không thể đủ thời gian để triển khai, kể cả hỗ trợ nhiều phương thức đào tạo tiên tiến. Thực tế khoa công nghệ thông tin của các trường đại học, cao đẳng chỉ đào tạo kiến thức nền, khả năng tự học và tự làm việc độc lập, để vươn tới các kiến thức mới hơi, tự cập nhật cho mình. Nhưng đòi hỏi của doanh nghiệp là muốn có ngay các nhân viên, chuyên viên làm việc được ngay, có kỹ năng nghề nghiệp ngay, muốn như thế thì chúng ta phải đào tạo thêm các kỹ năng bổ sung (soft skill). Các kỹ năng này có thể được đào tạo song song đối với chương trình chính khóa cũng có thể đào tạo thành các mô đun riêng. Các kỹ năng này chủ yếu gồm: Kỹ năng về chuyên môn gồm các công nghệ chuyên sâu, có định hướng đến từng lĩnh vực nghề nghiệp sau này; Kỹ năng bổ trợ: gồm các kiến thức về làm việc nhóm, đào tạo về quản trị dự án; Kỹ năng bổ trợ về ngôn ngữ, tiếng Anh, trình bày báo cáo.
Năm là, gắn kết mật thiết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực không thể tách rời với xã hội, cụ thể là doanh nghiệp. Vấn đề quan hệ với doanh nghiệp phải được quan tâm như là một phần không thể thiếu của qui trình đào tạo. Nếu quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp đi vào chiều sâu thì sẽ có nhiều cái được cho cả hai “nhà”: nhà trường và nhà doanh nghiệp.
Nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy rằng lâu nay phần lớn các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin đã và đang đào tạo theo khả năng của mình chứ chưa thật sự đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội. Việc đào tạo theo khả năng của cơ sở đào tạo có nguy cơ tạo ra hàng loạt sản phẩm nhân lực không đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và gây lãng phí lớn cho bản thân người lao động cũng như xã hội. Do đó, chuyển dần từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu (đào tạo nhân lực Công nghệ thông tin mà xã hội cần) là cách thức sống còn đối với các cơ sở đào tạo.
Sáu là, trách nhiệm của các nhà sử dụng nhân lực công nghệ thông tin.
Nói đến chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thường nghĩ đến vai trò và trách nhiệm của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào thực trạng về trách nhiệm của các nhà sử dụng nguồn nhân lực Công nghệ thông tin hiện tại.
Ngoài số ít các doanh nghiệp lớn chuyên nghiệp quan tâm đến vấn đề giúp đỡ các khoa công nghệ thông tin trong việc bồi dưỡng sinh viên, huấn luyện giảng viên và đặt hàng đào tạo. Phần lớn các doanh nghiệp còn lại còn thờ ơ và ở tình trạng “ngồi mát ăn bát vàng”. Nhiều doanh nghiệp thiếu thiện chí khi tiếp nhận sinh viên thực tập
Thiết nghĩ rằng, các nhà sử dụng nguồn nhân lực nên chủ động tham gia thiết kế chương trình và nội dung đào tạo cùng với các cơ sở đào tạo. Có như thế, nguồn lực CNTT sẽ phần nào đáp ứng yêu cầu mà doanh nghiệp mong muốn.
Bảy là, xác định nội dung kiến thức học ở trường và kiến thức tự học ở nhà.
Ngành ICT có rất nhiều lĩnh vực, muốn chuyên sâu vào một lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Nhiều sinh viên băn khoăn khi thấy các trung tập đào tạo lập trình viên quốc tế như Aptech, Informatics, NIIT,… có chương trình đào tạo hiện đại và thực tế hơn rất nhiều so với các trường đại học công lập, cụ thể như trong trường không dạy C/C++/C#, Java, SQL Server, ASP, JSP,… thì làm sao ra trường đi làm được. Nếu suy nghĩ như vậy tức là các sinh viên chưa hiểu đúng mục đích của giáo dục đại học và mục đích đào tạo nghề. Sinh viên được đào tạo ở trường để trở thành kỹ sư, trong khi những nơi kia đào tạo các kỹ thuật viên về một quy trình cụ thể tức một ngôn ngữ lập trình cụ thể. Không có cấp bậc nào là “cao cấp” hơn, bởi vì chúng phục vụ cho những mục đích hoàn toàn khác nhau. Các trung tâm đào tạo người học cách sử dụng công cụ, còn trường đại học đào tạo cho sinh viên suy nghĩ về công cụ và tạo ra công cụ mới. Nếu sinh viên nào được trang bị kiến thức nền tảng tin học vững chắc, có tư duy lôgic vững vàng thì việc tự học những kiến thức như C++, Java, ASP, JSP, PHP, Access, SQL Server... là chuyện đơn giản và thuận lợi hơn những người chưa có kiến thức nền tảng. Hoặc cùng tham gia học ở trung tâm thì sinh viên đã tốt nghiệp đại học ICT sẽ tiếp thu nhanh hơn người bình thường./.
(Ngô Tứ Thành - Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com