Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiềm năng và cơ hội đầu tư của Thái Nguyên

Năm 2008, một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào đã đổ vào tỉnh Thái Nguyên. Thống kê 11 tháng đầu năm 2008 cho thấy 51 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tỉnh với số vốn đăng ký đạt hơn 19 ngàn tỷ đồng, gấp 2,26 lần so với cả năm 2007. Ngoài ra, 70 dự án đã được Tỉnh chấp thuận đầu tư với vốn đăng ký trên 24 ngàn tỷ đồng đang giai đoạn lập dự án chuẩn bị đầu tư.
   

Ký kết dự án đầu tư giữa nhà đầu tư Hàn Quốc với Thái Nguyên


Trong những năm qua, Thái Nguyên đạt được kết quả khá toàn diện nhờ sự giúp đỡ tạo điều kiện của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các Bộ, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đồng sức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2000-2005, mức tăng trưởng GDP đạt 9,05%, năm 2006 đạt 11,86%, năm 2007 đạt 12,46%, năm 2008 ước đạt 11%. Trong tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2007-2008, dự ước đến 2010, công nghiệp chiếm tỷ trọng từ 38%-45%, thương mại dịch vụ 38%-40%, nông lâm nghiệp giảm đều từ 25% xuống còn 16,5%. Trong công nghiệp, giá trị ngành công nghiệp luyện kim hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhưng tỷ trọng này sẽ thay đổi trong thời gian tới vì nhiều nhà đầu tư đã và đang đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp ô tô, điện và điện tử trên địa bàn tỉnh, các dự án đang dần đi vào ổn định sản xuất kinh doanh. Đạt được kết quả nêu trên có sự đóng góp đáng kể của việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên. Hàng năm, không dưới 3000 tỷ đồng vốn đầu tư đã đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Môi trường đầu tư ngày càng cải thiện tốt hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào Thái Nguyên là một trong những giải pháp rất quan trọng đã và đang được tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện.  

Với mục tiêu tăng cường hơn nữa việc thu hút mọi nguồn lực đầu tư để phát triển, từ năm 2006 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cùng các Sở ban ngành chức năng trong Tỉnh thực hiện Đề án “Cải thiện môi trường đầu tư giai đoạn 2006-2010”.

Qua hơn 2 năm thực hiện đề án, Tỉnh đã ban hành những văn bản cơ chế chính sách đồng bộ, các quy trình, quy định cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, đổi mới cách điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xác định rõ khâu đột phá, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo, điều hành quyết liệt, tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, sự quan tâm, tâm huyết chỉ đạo thu hút đầu tư của các cấp lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc phối hợp đều tay của các sở, ban ngành chính quyền địa phương là yếu tố cải thiện đáng kể hấp dẫn các nhà đầu tư vào Thái Nguyên.

Theo thống kê của ngành kế hoạch và đầu tư Thái Nguyên, đến cuối năm 2007 và đầu năm 2008, trên địa bàn Tỉnh có 128 dự án đã và đang chuẩn bị triển khai đầu tư với số vốn đăng ký gần 48.000 tỷ đồng, trong đó 74 dự án đang triển khai đầu tư với số vốn đăng ký 31.869 tỷ đồng. Các dự án đang triển khai đầu tư thuộc đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, nhưng tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp (33/74 dự án đang triển khai, chiếm khoảng 45% tổng vốn đăng ký), tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ (25 dự án với số vốn 9.391 tỷ đồng), thương mại du lịch (8 dự án với số vốn 7.740 tỷ đồng), hạ tầng, khu đô thị, dân cư mới (6 dự án với số vốn 6.484 tỷ đồng), chỉ có 2 dự án với số vốn đăng ký 256 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Riêng năm 2008 này, thực sự đã có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh Thái Nguyên. Thống kê 11 tháng đầu năm 2008 cho thấy 51 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào Tỉnh với số vốn đăng ký đạt hơn 19 ngàn tỷ đồng, gấp 2,26 lần so với cả năm 2007. Ngoài ra, 70 dự án đã được Tỉnh chấp thuận đầu tư với vốn đăng ký trên 24 ngàn tỷ đồng đang giai đoạn lập dự án chuẩn bị đầu tư.

Trong số những dự án đang triển khai hoặc chuẩn bị đầu tư nêu trên, có những dự án lớn đăng ký vốn đầu tư tới vài nghìn tỷ đồng, sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; Ví dụ như: Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo VICA; Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án cải tạo Công ty gang thép giai đoạn 2; Dự án khu du lịch sinh thái và sân golf Long Sơn; Dự án nhà máy xi măng Thái Nguyên; Dự án đầu tư Khu công nghiệp Trung Thành, Nam Phổ Yên và Khu công nghiệp Tây Phổ Yên; Dự án Khu công nghiệp Điềm Thuỵ - Phú Bình; Dự án tổ hợp Khu công nghiệp chế xuất, đô thị và dịch vụ Yên Bình; Dự án Thành phố công nghiệp xanh; Dự án Khu đô thị mới ven sông Cầu...

Để khắc phục những tồn tại trong công tác chỉ đạo cũng như thực thi các nội dung Đề án trong thời gian qua, thu hút đầu tư vào tỉnh mạnh mẽ hơn, những năm tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện triệt để Đề án “Cải thiện môi trường đầu tư giai đoạn 2006-2010”. Hoàn thiện về cơ bản công tác quy hoạch, trong đó tập trung vào các quy hoạch: Các khu công nghiệp tập trung, sử dụng đất, phát triển hạ tầng giao thông, mạng lưới chuyển tải điện của địa phương, sử dụng tài nguyên và phát triển đô thị. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và ban hành một số chính sách mới để tăng cường thu hút đầu tư, trong đó chú trọng sửa đổi quy định hỗ trợ đền bù tái định cư, khuyến khích nhà đầu tư tham gia lập quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ  tầng kỹ thuật cho các công trình dự án trọng điểm, cơ chế tạo quỹ đất sạch, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch, lĩnh vực thương mại dịch vụ... Bên cạnh đó, Tỉnh cũng tiến hành đánh giá hiện trạng vướng mắc giải phóng mặt bằng, chỉ đạo khắc phục các tồn tại, lấy đơn vị điểm thực hiện chỉ đạo là UBND thành phố Thái Nguyên. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức tốt công tác tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư hợp pháp thực hiện đầu tư và thu được thành công tại Thái Nguyên. Thường xuyên tổ chức diễn đàn trao đổi với các nhà đầu tư và xây dựng cơ chế phản hồi. Ngoài ra, Tỉnh còn dành một phần kinh phí cho công tác quảng bá đầu tư, phát hành các tài liệu giới thiệu các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch...

Trong những ngày tháng cuối năm 2008 này, tỉnh Thái Nguyên đang sôi động trong những hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại. Theo dự kiến, đầu tháng 1/2009, tỉnh Thái Nguyên cùng 3 Công ty của Hà Nội thuộc lĩnh vực đầu tư, chứng khoán và tổ chức sự kiện sẽ tổ chức Chương trình xúc tiến đầu tư đặc biệt tại tỉnh Thái Nguyên, cùng sự kiện các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế về thăm tỉnh và tìm cơ hội đầu tư sẽ thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong nuớc và nước ngoài tham dự sự kiện, sẽ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các Sở ban ngành, các đối tác đầu tư trong tỉnh để được nghe giới thiệu, hướng dẫn, được lựa chọn các dự án đầu tư mới, kể cả đàm phán, thương thảo để liên kết hợp tác giải quyết các vướng mắc cho những dự án đang gặp khó khăn trong triển khai. Ban Chỉ đạo tổ chức sự kiện hy vọng sẽ có những hoạt động xúc tiến đầu tư đổi mới, mang lại hiệu quả thực sự cho tỉnh trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh.  

Với việc thực hiện hiệu quả Đề án cải thiện môi trường đầu tư giai đoạn 2006-2010, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, làm chuyển biến sâu sắc toàn diện tình hình kinh tế xã hội và tạo hình ảnh một tỉnh Thái Nguyên năng động, đổi mới trong thời kỳ hội nhập và thực hiện CNH-HĐH./.

(Nguyễn Đức Minh- Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Những kinh nghiệm bước đầu trong phát triển khu công nghiệp thành phố Cần Thơ
  • Rút ngắn - Yêu cầu khách quan để Việt Nam “hóa rồng”
  • Đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Thành tựu và giải pháp
  • Một số vấn đề trong quá trình phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
  • Về chủ trương trồng 100.000 ha cao su ở Tây Nguyên
  • Một số vấn đề về phát triển kinh tế nhiều thành phần của thành phố Hồ Chí Minh
  • Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai ở thành phố Hồ Chí Minh
  • Kinh nghiệm kiềm chế lạm phát của thế giới: Giải pháp phải đồng bộ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi