Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tôn trọng dân để đánh thức, khai mở sức mạnh dân tộc - Phần 2

Tôn trọng dân để đánh thức và khai mở sức mạnh bên trong

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:Nếu dân tộc này làm được điều đó thì bản thân dân tộc Việt Nam sẽ bừng dậy, một hào khí mới. mạnh mẽ hơn cả CMT8. Ngày nay chúng ta có nhiều lắm, có đà để đi xa, kiến thức, trí tuệ tốt hơn để đất nước bật lên, chống lại kẻ thù lúc này là đói nghèo và tụt hậu.
 

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta cần nhìn lại xem nhân dân đã được tôn trọng đúng mức hay chưa. Nhân dân là ai? Không chỉ nông dân, công nhân, nhân dân chính là đội ngũ trí thức, và bản thân các nhà lãnh đạo cũng là nhân dân trong khối tổng thể đó. Cần xem nhân dân đã được tôn trọng đầy đủ, trí thức đã thực sự được tôn vinh chưa?

Sức mạnh bên trong họ chưa được đánh thức, khai mở để dựa vào. Chưa kêu gọi, đánh thức họ, sức mạnh của chúng ta còn bị cản trở nhiều. Muốn làm được, người quản lý phải gương mẫu. Người quản lý xã hội, từ đơn vị nhỏ nhất, cao hơn chưa thực gương mẫu. Luật pháp chỉ lên khuôn con người trong hành động khi ta nhìn thấy họ, nhưng trong lương tâm, tâm hồn không thể phân xử bằng luật pháp, quy vào họ được.
 

Anh có thể đến cơ quan ngày 8 tiếng, nhưng sự mệt mỏi, vô cảm của con người sẽ phá vỡ mọi kết quả công việc. Từ người này tới người khác, tạo nên một dây chuyền liên tục, phá vỡ toàn bộ hệ thống dài...
 

Một trong những điều cơ bản ban đầu là người quản lý, người đầu tàu từ làng thôn, khối phố phải hy sinh, hiến dâng thì mới làm được, để nhân dân nhìn vào và tiếp bước. Trong một cơ quan, nhân viên sẽ nhìn vào thủ trưởng, trong một thôn xóm, người dân sẽ nhìn vào trưởng thôn... Ở bất kỳ cấp nào, người lãnh đạo chưa hiến dâng, chưa cống hiến thực sự và tôn trọng thực sự những đóng góp của quần chúng quanh mình, anh ta sẽ không kêu gọi được, và tự nhiên phá vỡ gắn kết xa xưa của ông cha và gần nhất là gắn kết trong cộng đồng thời điểm CMT8.
 

 Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Đúng vậy, mọi câu trả lời đều có sẵn trong câu hỏi. Mọi sức mạnh có sẵn, tiềm ẩn trong mỗi con người, chỉ có điều đánh thức sức mạnh trong từng người dân, trong toàn dân và toàn dân tộc.

Chúng ta từng có những bài học sâu sắc trong quá khứ, nhất là cách sử dụng người của Hồ Chí Minh. Cụ chọn người, sắp xếp, sử dụng người tài đến thế, dù không có nhiều các cơ quan chức năng giúp việc, mà sao chuẩn đến vậy.
 

 

Bằng tài nghệ ấy, cụ mới huy động được sức mạnh tổng lực của toàn dân, nhiiều trí thức lớn như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên…và rất nhiều tinh hoa nữa sẵn sàng từ bỏ nhung lụa về cùng đồng cam cộng khổ với Cụ, với toàn dân, sẵn sàng chấp nhận cả hy sinh tính mạng nữa. Đó là tài dùng người, tài đánh thức sức mạnh dân tộc và mỗi con người của Cụ Hồ.

Đó là bài học thiết thực với đời sống của chúng ta hôm nay. Hiện nay, chúng ta cũng có rất nhiều nhà khoa học, nhiều trí thức lớn đang ở nước ngoài, thậm chí làm cho các công ty nước ngoài ở trong nước, nghĩa là lưu vong ngay trong chính Tổ quốc. Đó lại là những người rất tốt mà không được sử dụng một cách thỏa đáng. Chúng ta đang chảy máu chất xám.

Có lẽ vì thế Đảng ta đã kịp thời có Nghị quyết về trí thức. Hy vọng chúng ta sẽ huy động được tiềm lực trí tuệ trong nhân dân, tất nhiên huy động không phải bằng sách vở, mà phải cụ thể, bằng việc đối xử cụ thể với với tài năng, với trí thức kia.


Bạn đọc Nguyễn Việt Hùng, Tp.HCM:Thời đó, vì chúng ta có kẻ thù chung là đế quốc thực dân nên sức mạnh được phát huy. Ngày nay kẻ thù của chúng ta là gì và dường như dân tộc này khi không có chung kẻ thù thì không phát huy được sức mạnh?


Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều:
Trước kia, kẻ thù dễ xác định. Nếu ai không chống lại kẻ thù thì bị bật ra là người phản bội. Kẻ thù chung lúc đó là giặc ngoại xâm.

Kẻ thù bây giờ tinh tế hơn, vô hình hơn, đôi khi mang gương mặt rất đẹp. Một nhân viên góp ý thì bị quy là phá rối, gây mất đoàn kết, cản trở sự tiến lên của cơ quan. Kẻ thù trở nên mơ hồ hơn, nhất là khi chủ nghĩa cá nhân tăng lên, thì kẻ thù đó trở nên khó định vị hơn.

Khi đó, cuộc đấu tranh cực khó. Thậm chí, có những người muốn đấu tranh thì không được nhận được sự đồng thuận trong cuộc đấu tranh, dễ bị quy chụp này khác.

Kẻ thù hiện nay nằm trong mỗi người, rất tinh vi, đôi khi nằm trong những điều tưởng như là đạo đức.

Nhắc lại Hồ Chí Minh - không phải nhắc lại một cá nhân, mà là nhắc lại rằng Hồ Chí Minh chính là sản phẩm kì vĩ của dân tộc này, của văn hoá, khát vọng của dân tộc này. Cụ không bao giờ độc quyền lòng yêu nước, không bao giờ coi mình là người đứng trên muôn người, mà chỉ là người thay mặt muôn dân gánh vác điều đó.

Dân tộc này chỉ có thể tạo nên sức mạnh khi mọi người chia sẻ một khát vọng, một ước mơ chung như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, nếu coi mình là một vị lãnh đạo, người khác là "dân đen", thì việc kêu gọi quần chúng không còn nữa.

Chúng ta phải đấu tranh với một kẻ thù vô hình của dân tộc là cái tư hữu, ích kỷ, độc ác của con người. Chúng ta sẽ không huy động được sức mạnh toàn dân.

 

Công bằng với dân bằng thái độ không bỏ quên...
 

Bạn đọc Đào Anh Dũng:Ngày xưa, người ta cùng khổ nên mới cùng chung khát vọng giải phóng. Bây giờ, phân hoá giàu nghèo gia tăng, bất công xã hội đầy khắp (con ông cháu cha, học giả bằng thật, tham nhũng cửa quyền...) mà chỉ trông chờ "doping tinh thần" thì có quá mơ mộng hay không? và có đi vào giải quyết được bản chất vấn đề hay không?
 

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ rằng một người nông dân cũng không bao giờ so sánh ngôi nhà của mình với ngôi nhà của một DN, trí thức, hay người lãnh đạo mà họ đòi hỏi sự công bằng khác, đòi hỏi vấn đề khác.
 

Tôi đã viết rất nhiều về nông thôn, nông dân, lực lượng chiếm phần rất lớn trong đất nước này, nhưng họ đã bị bỏ quên khá lâu rồi. Chúng ta vẫn tưởng mình đang quan tâm đến họ nhưng thực ra chúng ta đã bỏ quên họ.
 

Có những người nông dân nói với tôi rằng, chúng tôi chỉ được quan tâm khi họ cần lấy 100 ha, 200 ha để làm công trình. Từ 1954 đến nay, chúng ta đã đào tạo bao nhiêu kỹ sư nông nghiệp, nhưng cả vùng quê rộng lớn tôi biết chưa có một kỹ sư nào về sống với người dân. Các kỹ sư nông nghiệp đã đi đâu, tới đâu? Bao nhiêu sáng chế, nghiên cứu bao nhiêu bằng cử nhân trong lĩnh vực đó đi đâu rồi?

Chúng ta vỗ tay vui mừng khi người nông dân làm ra cái máy tuốt lúa, thế còn những nhà sáng chế, những bằng phát minh... đi đâu? Người nông dân bị bỏ quên. Cái không công bằng là ở điểm này.

Cái không công bằng là khi cần, anh tìm tới người nông dân nhưng xong việc, người nông dân bị để lại, nhân dân lao động bị bỏ lại. Họ không so sánh vì thu nhập chỉ 40 nghìn một tháng và uất ức khi nhìn vào thu nhập 40 triệu của người khác.

Sống với người nông dân nhiều, tôi hiểu họ. Họ không so sánh thu nhập, mà so sánh thái độ bỏ quên.

Đó là lí do ta không tập hợp được họ. Động viên họ bằng cách tìm đường để không bỏ quên họ, tìm cách cùng họ làm một điều gì đó. Họ hiểu rằng việc của mình là cấy trồng, và họ làm tốt việc của mình.
 

Cái huy động họ đòi hỏi điều khác hơn, không phải bằng tinh thần hô hào, không chỉ là làm từ thiện. Đó chỉ là những khoảnh khắc rất ngắn, vẫn mơ hồ rằng đó không hoàn toàn là đức hạnh của người Việt, chỉ 50%, không phải chỉ vì sự đau đớn, chia sẻ, đùm bọc.
 

Tôi nghĩ anh Khoa là người sinh ra từ nông thôn, cũng dành nhiều sự quan tâm cho nông thôn và nông dân có thể nói điều gì đó, với một cái nhìn rõ hơn?
 

Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Nông dân thời nào cũng rất khổ. Nhiều khi họ khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa kia. Ngay cả bây giờ, khi đất nước có nhiều thay đổi, nhưng ở nông dân cũng vẫn rất vất vả. Ước mơ của người nông dân nhỏ bé, đơn giản lắm: Lạy giời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Cho bát cơm đầyy Một khúc cá kho.. Đấy, chỉ sơ đẳng có thế thôi mà.
 

Xuất khẩu gạo chỉ là xuất khẩu mồ hôi nước mắt...

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:Anh có cảm nhận "Hạt gạo làng ta" bây giờ có khác với "Hạt gạo làng ta" của trước kia?
 

Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Hạt gạo muôn đời vẫn là hạt gạo thôi, có lên cung trăng người Việt vẫn phải sống bằng hạt gạo. Tuy nhiên không thể giàu lên nhờ gạo được.

Hiện nay, ta xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, nhưng đấy là xuất khẩu mồ hôi nước mắt đứng thứ nhì thế giới, chứ không có nghĩa ta giàu thứ nhì thế giới. Muốn giàu có phải khác cơ.

Tôi đã từng nói vui, ăn thóc gạo cùng lắm cũng chỉ bay ngang gà vịt thôi. Muốn làm con rồng cất cánh phải bay bằng đôi cánh khác. Phải trông vào tài nguyên, khoáng sản. Mà khoáng sản đắt nhất là trí tuệ. Chừng nào ta xuất khẩu được trí tuệ, thì lúc ấy mới giàu được.

Cứ hình dung, 1 tấn lúa của nông dân chỉ vài triệu thôi, nhưng một sản phẩm công nghệ, nặng chỉ chừng vài lạng, đã bằng cả chục tấn lúa rồi. Bao giờ có xuất khẩu trí tuệ, lúc đó nước ta mới hưng được, dân ta ta mới thực sự no ấm.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:Chúng ta làm cách mạng tháng 8 sau 80 năm bị đô hộ, khi ấy chúng ta yếu kém về trí tuệ so với thời đại. Hôm nay, chúng ta có độc lập, nhưng không cẩn thận, nếu bị yếu kém về trí tuệ so với thời đại ngày nay, dân tộc ta sẽ bị nô lệ dưới những hình thức khác. Các anh nghĩ về vấn đề này thế nào?

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Đúng như vậy. Chúng ta có 2 điều kiện tạo nên đời sống nô lệ: dân tộc nô lệ là khi quân xâm lược chiếm đóng, đặt anh ta trong mọi luật lệ của quân xâm lược, hai là chúng ta sẽ ngay lập tức là nô lệ khi trí tuệ ta không có. Trong lớp học cũng vậy, trên thế giới cũng vậy.

Trí tuệ không được đẩy lên, không có trí tuệ hoà nhập, thu từ trí tuệ chung thế giới, cùng bước đi, thì ta sẽ rơi vào hình thức nô lệ khác. Thứ nô lệ này còn kéo dài hơn so với nô lệ do quân xâm lược mang đến. Cuộc cách mạng đó sẽ mơ hồ hơn, cuộc cách mạng của trí tuệ.

 


Sự nô lệ do chúng ta là kẻ yếu kém, hèn mọn, không có trí tuệ và trở thành những kẻ làm thuê, thì có khi sự vùng dậy tạo nên một cuộc cách mạng cũng không thể có.

Sự yếu kém của trí tuệ khiến người ta thấy cuộc cách mạng là không cần thiết, vì có nhà, có xe, yên ấm là đủ, và không nhận thức mình đang bị nô lệ, ngay trên bàn làm việc của mình, hàng ngày, hàng giờ. Tôi cho đó là điều hết sức quan trọng.

Chúng ta vẫn lãng phí trí tuệ. Tôi đã nghĩ, đã viết, rằng một người nông dân bây giờ không thể chỉ độc trồng lúa. Nếu trước đây, trồng lúa là cây đũa thần của người nông dân, nhưng bây giờ không còn là cây đũa thần.

Lúa gạo là cần thiết cho cung cấp lương thực nhưng nếu chỉ trông chờ vào mảnh ruộng đó để đẩy dân tộc lên, nhưng đúng như câu nói hài hước mà đau lòng của Trần Đăng Khoa là, Việt Nam chỉ có thể bay theo kiểu gà vịt, nếu chỉ trông vào lúa gạo chứ không thể là rồng bay lên. Đó sẽ là một sự thật đau đớn.

Đi ra nước ngoài nhiều, có những điều tưởng vô hình, mơ hồ, không có gì nhưng lại đau đớn và thấy nhục nhã khi nghĩ sâu. Đã có những lần, người nước ngoài hỏi: "Mày là người Nhật à?" Tôi nói tôi là người Việt, họ đối xử khác, họ quay đi.

Trước tôi đến Cuba, mỗi lần vào cửa hàng mua đồ, khi họ hỏi tôi là người Nhật, tôi im lặng, họ lập tức hỏi chất lượng hàng hoá như thế nào và nghe theo mua hàng. Các cô gái, nếu nói là người Nhật, họ sẽ tìm cách yêu, nhưng nếu là người Việt, họ bắt tay chúc mừng Việt Nam anh hùng và họ đi.

Anh hùng là một quá khứ, là một di sản nhưng không thể chỉ sống bằng điều đó, bằng quá khứ. Chúng ta phải sang một thời đại mới, phải trở thành anh hùng trong một tinh thần mới: đó là trí tuệ của người Việt.

Làm chủ trí tuệ để không mất độc lập ngay khi đất nước trọn vẹn
 

Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Chủ tịch Hồ Chí Minh có một câu nói rất nổi tiếng: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Câu nói đó đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự.

Những năm mất nước, độc lập tự do với thân phận nô lệ là cái người ta nhìn thấy rõ. Bây giờ, nếu không cẩn thận, nếu chúng ta tụt hậu về mặt trí tuệ, nhất là trong đời sống toàn cầu, chúng ta sẽ bị đứng bên lề đường của sự phát triển. Chúng ta sẽ bị lệ thuộc, mất tự do, độc lập, ngay khi đất nước vẫn trọn vẹn. Cũng có thể xem đó như một nguy cơ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Không chỉ làm chủ trí tuệ mà chúng ta còn phải phát huy, khơi dậy. Ngày nay chúng ta đã có cơ chế, môi trường để trí tuệ dân tộc bật dậy chưa?

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta đã nghĩ về nó và nhận biết nó, đã cố gắng làm điều đó. Nhưng thực tế, xã hội chúng ta điều đó chưa làm bao nhiêu. Nếu nhà quản lý đi xa hơn, ra ngoài xã hội, đi sâu vào từng "tổ nhỏ" của xã hội, ta sẽ thấy ở đó hình như ngọn gió có đi qua, ý thức có đi qua nhưng chưa thành hiện thực cụ thể nhất.

Ta còn đầy lúng túng. Có lúc tôi nghĩ, dù cho là Thủ tướng, tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu. Chúng ta như đang trong trận đồ bát quái, mà tìm đường ra không dễ dàng gì.
 

Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Anh Thiều nói chúng ta đã nhận thấy, nhưng vấn đề là ai nhận thấy? Nếu chỉ là nghệ sĩ, như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Đăng Khoa thì cũng không để làm gì, mà phải là những người có khả năng tác động được vào xã hội, biến sự nhận ra ấy thành hiện thực của cuộc sống.

Sự nhận thức của chúng ta ngồi đây chỉ là những bài báo, bút ký, thơ văn, đã chắc gì có người đọc, và nếu có đọc, người ta cũng lại bảo, ối dào, chuyện tầm phơ, chuyện hư cấu, đàn sáo văn nghệ sĩ. Rõ vớ vẩn!
 

Bạn đọc TP HCM:CMT8 là mốc son chói lọi của Việt Nam trong thế kỷ 20. Đảng đã lãnh đạo đất nước làm nên kỳ tích đó. Trong thế kỷ 20, chúng ta có 2 giấc mơ thành hiện thực như nhà văn hoá Việt Phương nói: CMT8 năm 1945 và thống nhất đất nước năm 1975. Dù sao chỉ là giai đoạn lịch sử trong 4000 năm lịch sử của dân tộc. Cần có sự so sánh, đối chiếu, đặt trong dòng lịch sử như thế nào?

 

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Mỗi sự kiện lịch sử sẽ có quyết định quan trọng trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Cách mạng tháng 8 là mốc son của cách mạng, trước sau cũng phải có, khi bị nô lệ, thì đó là con đường cuối cùng, dù nhanh hay chậm.

Ngay bây giờ, vẫn có những nước khác bị nô lệ, theo một hình thức khác và họ vẫn tiếp tục đấu tranh, đòi quyền độc lập, tự trị.

CMT8 quan trọng ở điều đó, xác lập vị thế của dân tộc, xác lập quyền của dân tộc này, sự độc lập của dân tộc sau rất nhiều lần xác lập trong lịch sử lâu dài của ông cha.

Bây giờ, chúng ta phải có những cuộc cách mạng khác không kém phần quan trọng. Bởi giành độc lập mà không có hạnh phúc, tự do, công bằng, giáo dục, thông tin thì độc lập mất đi nhiều ý nghĩa. Mỗi dân tộc luôn có nhiều cuộc cách mạng.
 

Chúng ta cần hiểu đúng ý nghĩa của từ cách mạng. Độc lập dân tộc, thống nhất đất nước rồi cuộc cách mạng chống đói nghèo, chống lại cái ác, mang lại trí tuệ - mỗi cuộc cách mạng có giá trị riêng. Những cuộc cách mạng liên tiếp. Cách mạng là một sự đổi mới, tự thay đổi để hướng tới một cái tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Mỗi cuộc cách mạng có tính quyết định đem đến cho dân tộc ấy một cơ hội mang tính lịch sử.
 

Nếu làm cách mạng xong mà dân vẫn nghèo nàn, tụt hậu, và cách biệt so với thế giới, thì hậu cách mạng lại đẩy dân tộc về trạng thái ban đầu trước cách mạng, là thân phận của kẻ nô lệ. Đó không phải là thân phận nô lệ trước giặc ngoại xâm, mà nô lệ ở một hình thức khác, tinh vi hơn, mà đôi khi tự chúng ta không nhận ra được.


Những cuộc tiểu cách mạng cho một vị thế dân tộc mới

Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Mỗi thời đại có một sứ mệnh riêng. Cha anh chúng ta đã làm nên CMT8, thống nhất trọn vẹn đất nước. Thời bây giờ, đúng như anh Thiều nói, chúng ta phải vượt qua cái đói nghèo, tụt hậu, để đưa đất nước lên tầm cao mới, mà ở đỉnh cao ấy chỉ thấy lấp lánh ánh sáng của trí tuệ, mà không có máu người.
 

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Trong cuộc cách mạng để dân tộc này một lần nữa hùng cường cần có một tiểu cách mạng với người Việt: sự nói thật. Sự nói thật của mỗi người dân. Nói thật là lương tâm của anh ta với dân tộc, đất nước, thời đại này, khi hành vi của chúng ta chưa thực tốt đẹp.

Sự nói thật bây giờ vẫn còn rất ít. Không phải cái gì cũng nói thật, nhưng sự nói thật thiện chí, khoa học, nhân văn vì sự đổi mới của dân tộc này còn rất ít. Có lúc tôi đã từng phải nói dối và cảm thấy xấu hổ, nhục nhã. Nếu chúng ta không nói thật với nhau, từ cậu học sinh tiểu học đến cô giáo của chúng, đến lãnh đạo, thì không thể làm cách mạng.
 

Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Tôi chợt nhớ một lần, có người hỏi tôi, chúng ta có nên có ngày nói dối 1/4 không? Và tôi đã nói vui rằng, chẳng nên “nhập khẩu” ngày nói dối làm gì, nếu có “nhập”, thì cần phải đổi lại là “Ngày nói thật”. Nghĩa là có thể sống đúng những gì mình nghĩ, nói đúng như mình nghĩ mà không bị bạn bè và người xung quanh lườm nguýt, dị nghị.

Cách mạng Tháng Tám như một dòng suối trong vắt, mà hàng ngày soi vào đấy, chúng ta luôn được thấy gương mặt sáng đẹp của mình và không thấy xấu hổ với cha anh…
 

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian trực tuyến cũng đã dài, cám ơn hai nhà thơ, nhà báo đã có những điều trao đổi lí thú với bạn đọc. Trong thời điểm liêng liêng của lịch sử dân tộc, hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau viết nên trang sử mới, nối tiếp CMT8, viết nên bản hùng ca về thoát khỏi phận nước nghèo, trở nên giàu mạnh, hùng cường và mỗi người Việt Nam có thể tự hào.

(Theo báo VietNamNet)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Tôn trọng dân để đánh thức, khai mở sức mạnh dân tộc - Phần 1
  • Ý nghĩa thực của chỉ số PCI?
  • Chuyện rừng và điện: Tài nguyên hữu hạn, trả giá vô cùng - Kỳ 1
  • Chuyện rừng và điện: Tài nguyên hữu hạn, trả giá vô cùng - Kỳ 2
  • Chuyện rừng và điện: Tài nguyên hữu hạn, trả giá vô cùng - Kỳ 3
  • Tập trung đổi mới quản lý giáo dục
  • Dân góp đất làm cổ phần phát triển cao su ở Sơn La: Trong vui vẫn có chút băn khoăn
  • Mức phạt gây ô nhiễm quá nhẹ, doanh nghiệp "nhờn"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi