![]() |
Công tác XKLĐ của VN cần có sự quản lý tốt hơn |
Thị trường cho LĐ xuất khẩu ngày càng mở rộng, đã vươn tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường có thu nhập cao... Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu lao động (XKLĐ) nổi cộm vẫn là nhiều mảng tối, gây bức xúc cho người lao động và các cơ quan quản lý.
XKLĐ hiện là kênh góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho nhiều lao động Việt. 41 tỉnh, thành trên cả nước đã có LĐ xuất cảnh, trong đó Thanh Hóa dẫn đầu về số lượng LĐ làm việc ở nước ngoài.
Chỉ 30% DN hoạt động hiệu quả
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, tính đến giữa năm 2010, bộ này đã cấp giấy phép cho 171 DN. Số lượng DN lớn nhưng đó mới là bề nổi. Chất lượng thực cũng như năng lực hoạt động của các DN ra sao lại là chuyện khác. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận, trong tổng số DN dịch vụ, theo đánh giá sơ bộ, chỉ có khoảng 30% DN hoạt động có hiệu quả cao, 50% hoạt động hiệu quả trung bình và số còn lại là những DN hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Theo đánh giá của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất lượng DN kém cũng không loại trừ cả những DN trực thuộc các tập đoàn, TCty... Điều ngạc nhiên là khi xin cấp phép, người đại diện hội tụ điều kiện, nhưng sau đó lại giao cho một người khác hoặc “đẻ” thêm nhiều chi nhánh để tuyển lao động. Sự yếu kém của DN cộng với kẽ hở trong quản lý nên 3 năm qua, đã có gần 2.000 đơn thư khiếu nại của người lao động gửi lên Bộ LĐ-TB-XH. Bộ cũng đã thanh tra, kiểm tra 191 lượt DN, xử lý vi phạm hành chính đối với 119 lượt DN.
Hơn nữa, tình trạng lừa đảo XKLĐ càng ngày càng trở nên tinh vi và khó kiểm soát. Đây là một trong những nổi cộm nhất của công tác XKLĐ. Ông Lê Quang Bình - Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh đặt dấu hỏi: Nhiều trường hợp người lao động bị “cò” lao động, môi giới lao động nhưng thực tế là bị các DN lừa đảo lao động hay tình trạng ký hợp đồng với lao động một đằng nhưng sang tới nơi lại một nẻo, điều kiện chế độ không đảm bảo.
Trách nhiệm thuộc về ai ?
Câu hỏi đó đi liền với con số thống kê cụ thể đã được đề cập trong báo cáo của đoàn giám sát. 137 vụ việc liên quan đến lừa đảo XKLĐ được điều tra, xử lý, khởi tố 186 bị can, xử lý hành chính 118 vụ với 133 đối tượng vi phạm liên quan đến hoạt động này. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra 39 vụ liên quan đến 88 đối tượng với tổng giá trị tài sản thiệt hại là 37,7 tỷ đồng với 5.490 người bị hại trong các vụ án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong những năm vừa qua đủ thấy các đối tượng lừa đảo vẫn tìm ra được nhiều kẽ hở trong quản lý nhà nước về hoạt động này để chiếm đoạt tiền của người lao động.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH thừa nhận, tình trạng lao động bị các Cty, cá nhân lừa đảo là có thật và do công tác tuyên truyền, phổ biến chưa rõ ràng, người lao động thiếu thông tin nên bị “cò mồi” lợi dụng. Nhiều lao động bỏ trốn với lý do vay nợ cao nên phải kiếm tiền trả nợ. Luật quy định đi làm việc phải nộp khoản phí quản lý DN nhưng người lao động thiếu thông tin và nhận thức kém nên nhiều người mất khoản tiền cho môi giới, cò mồi. “Đơn cử như đi làm ở Hàn Quốc theo chương trình tu nghiệp sinh chỉ mất hơn 600 USD nhưng nhiều người lao động muốn đi được phải thêm 60 triệu” - bà Ngân cho biết.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Kso Phước lại có cái nhìn khác. Ông đặt câu hỏi: Khi người lao động phải nộp nhiều tiền như thế nhưng họ không biết có cơ quan nào đó để hỏi cho rõ, tại sao phải nộp và nộp những khoản nào. “Những thông tin này cần phải công khai, minh bạch, đồng thời nên sàng lọc, rút bớt các DN hoạt động kém hiệu quả thì hoạt động XKLĐ mới phát triển được”.
Điểm trừ cho chất lượng lao động
DN kém chất lượng còn phổ biến trong khi lao động xuất cảnh cũng đa phần là lao động nông thôn mang theo nhiều điểm yếu như trình độ ngoại ngữ, tay nghề, tác phong lao động và chấp hành kỷ luật hạn chế... khiến cho công tác XKLĐ của VN ngày càng thêm “điểm trừ”. Ông Lê Quang Bình đã đề cập đến một vấn đề ít được nhắc đến: hình ảnh của người VN ở nước ngoài. Ai chịu trách nhiệm khi hình ảnh người Việt càng xấu đi sau khi lao động VN sang đó làm việc ? Thừa nhận việc này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, có những nước khi chưa có người VN sang làm việc thì họ rất yêu mến nhưng sau khi XKLĐ sang thì họ quay sang coi thường người Việt.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao cũng chỉ ra, do kém hiểu biết về pháp luật, lợi dụng một số quy định của các nước có nền văn hóa khác nên một số công nhân ta đã có những hành vi vi phạm pháp luật nước sở tại như ăn cắp, nấu rượu lậu hoặc có sinh hoạt không phù hợp với văn hóa và ứng xử của nước sở tại. Trong khi đó, số lao động phá hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp, khi xảy ra sự cố thì không một tổ chức nào đứng ra giải quyết.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch QH, cần đánh giá mô hình Ban đại diện bảo vệ người lao động VN ở nước ngoài và cơ chế vận hành trong điều kiện kinh tế, thị trường. Hơn nữa, chính sách quản lý DN XKLĐ cũng cần được xem lại để đảm bảo uy tín cho người lao động VN.
(Theo Mai Hạnh // Diễn đàn doanh nghiệp
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com