Cấp phép thực hiện quảng cáo là hoạt động tiền kiểm nhằm quản lý các hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp bảo đảm đúng quy hoạch và mỹ quan đô thị, ngăn ngừa các quảng cáo sai sự thật, đi ngược lại truyền thống, văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện thủ tục này không đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
![]() |
Bãi bỏ thủ tục cấp phép quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô sẽ tạo tiện lợi hơn cho doanh nghiệp |
Hiện nay, các thủ tục cấp phép thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô đối với hàng hóa, dịch vụ thông thường, hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực y tế, hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đều được xếp trong nhóm thủ tục cấp phép thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô và thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tuy nhiên, từ thực tế việc thực hiện thủ tục này đang không đạt được các mục tiêu đặt ra nên sau khi nghiên cứu phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) cho rằng nên bãi bỏ thủ tục nêu trên. Thay thế bằng thủ tục thông báo của doanh nghiệp trước khi quảng cáo cùng với cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về yêu cầu, điều kiện, nội dung, hình thức sản phẩm quảng cáo.
Và nếu bãi bỏ thủ tục có tính chất tiền kiểm này thì công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo cần phải tăng cường hơn. Việc quy hoạch, công bố "tiêu chuẩn quảng cáo" bảng, biển, pa-nô cho các loại hàng hóa kèm theo các điều kiện quảng cáo cụ thể cũng đòi hỏi phải sớm được hoàn thiện.
Mục tiêu quản lý không đạt được như mong đợi
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Tổ công tác nhận định, mục tiêu quản lý của thủ tục cấp phép thực hiện quảng cáo là nhằm quản lý, ngăn ngừa việc gây mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường của các bảng, biển, pa-nô quảng cáo.
Nhưng thực tế như chúng ta thấy, tình trạng mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường của các bảng, biển quảng cáo này vẫn còn phổ biến ở trung tâm đô thị của nhiều địa phương. Nhiều doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng không tuân thủ các quy định về quảng cáo như thông tin quảng cáo thiếu chính xác, kích thước, nội dung quảng cáo không giống như trong hồ sơ xin cấp phép... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không xin cấp phép hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn thực hiện quảng cáo, điều này làm giảm hiệu lực của khung pháp lý điều chỉnh lĩnh vực quảng cáo nhưng vẫn không bị xử lý kịp thời.
Hơn nữa, quy định về thủ tục quảng cáo chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí thực hiện quảng cáo nên kết quả của giấy phép còn chứa đựng yếu tố cảm tính, thiếu khách quan.
Mặc dù Pháp lệnh quảng cáo và các văn bản hướng dẫn có đề cập tới quy hoạch quảng cáo nhưng chưa cụ thể, do đó, nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng quy hoạch quảng cáo, sản phẩm quảng cáo mang tính tùy nghi, lộn xộn, mất cảnh quan đô thị.
Thủ tục cấp phép quảng cáo rườm rà, phức tạp làm hạn chế thành công của doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động quảng cáo, nhiều doanh nghiệp quảng cáo đã được thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, thủ tục cấp phép quảng cáo đã và đang là rào cản cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Qua tìm hiểu, Tổ công tác đánh giá, thủ tục này còn rườm ra, phức tạp và khó thực hiện. Theo quy định các doanh nghiệp thực hiện quảng cáo đối với bảng, biển, pa-nô, mỗi doanh nghiệp quảng cáo phải hoàn tất tối thiểu 8 loại giấy tờ trong thành phần hồ sơ. Trong đó, có một số giấy phép con không cần thiết như: Văn bản thỏa thuận với Sở Xây dựng đối với bảng biển, pa-nô tấm nhỏ không phải là công trình xây dựng; Giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo của ngành Nông nghiệp, ngành Y tế vì nội dung giống với nội dung giấy phép lưu hành sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế. Mà để hoàn thành thủ tục của các giấy phép con này doanh nghiệp phải mất thêm nhiều thời gian và chi phí.
Hơn nữa, thông thường 1 sản phẩm quảng cáo của doanh nghiệp được thực hiện ở nhiều địa phương trong cả nước nên sẽ có tình trạng cùng một lúc phải xin phép ở nhiều địa phương, điều này gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.
Mặt khác, hoạt động quảng cáo phục vụ cho hoạt động tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, thời gian và chất lượng sản phẩm là những yếu tố quan trọng khi thực hiện quảng bá sản phẩm ra thị trường. Song, việc thực hiện thủ tục xin giấy phép quảng cáo sẽ hạn chế cơ hội thành công của doanh nghiệp khi thực hiện tiếp cận thị trường sản phẩm vì phải có một thời gian nhất định để thực hiện thủ tục xin phép.
Người tiêu dùng phải chịu giá thành sản phẩm cao
Phân tích ở góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, rõ ràng giấy phép thực hiện quảng cáo không phải là một giấy bảo đảm về chất lượng sản phẩm, vấn đề này đã có các văn bản chuyên ngành về quản lý chất lượng hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng điều chỉnh thể hiện qua các giấy phép như giấy phép lưu hành sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế...
Trong khi, thực chất giấy phép thực hiện quảng cáo đang làm ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng. Bởi vì, thủ tục xin giấy phép quảng cáo làm doanh nghiệp phải tốn chi phí và thời gian nhưng thời hạn giấy phép này chỉ có giá trị trong vòng 3 năm. Do thời hạn giấy phép ngắn, buộc doanh nghiệp phải khấu hao giá trị của phương tiện quảng cáo cao làm giá thành quảng cáo cũng bị cao. Những chi phí này sẽ được tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng phải gánh chịu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam đối với các sản phẩm nước ngoài.
Từ các lý do trên cho thấy thủ tục cấp phép thực hiện quản cáo là không cần thiết, cần bãi bỏ. Việc thay thế thủ tục này bằng thủ tục thông báo của doanh nghiệp trước khi thực hiện quảng cáo 3 ngày làm việc cùng với cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về yêu cầu, điều kiện, nội dung, hình thức sản phẩm quảng cáo sẽ tạo tiện lợi cho các doanh nghiệp thực hiện quảng cáo trong kinh doanh, song vẫn bảo đảm được mục tiêu quản lý.
Và như vậy, quy định về thu lệ phí cấp phép thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô và các hình thức tương tự hiện đang áp dụng cũng cần được bãi bỏ, Tổ công tác cho biết.
(Theo Chí Kiên // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com