![]() |
Các nước giàu nhờ xuất khẩu đang đổ xô đi mua đất, thuê đất ở các nước nghèo - chủ yếu ở châu Phi - để sản xuất lương thực để cung cấp cho thị trường trong nước. |
Tại nhiều quốc gia, giá các mặt hàng cơ bản tiếp tục gia tăng trong khi sức mua của người dân lại giảm. Tình trạng khan hiếm đất canh tác buộc một số chính phủ phải đi thuê hoặc mua ở nước ngoài để đảm bảo an ninh lương thực cho chính mình.
Nếu như hình ảnh của cuộc khủng hoảng lương thực 2008 là cơn sóng thần tàn phá, tình hình năm nay lại làm người ta nghĩ đến một cơn triều cường đang lên chậm nhưng không thể khác được.
Bà Josette Sheeran, trưởng Chương trình Lương thực thế giới (PAM) của Liên hiệp quốc, đánh giá: “Chúng ta chưa vượt qua được cuộc khủng hoảng lương thực”.
Theo bà Sheeran, năm nay PAM cần khoảng 6 tỉ đô la Mỹ để nuôi ăn những người nghèo đói, tăng 20% so với kỷ lục năm 2008 (5 tỉ đô la).
Suy thoái làm tăng số người thiếu ăn
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tác động kết hợp của các yếu tố bất lợi như tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp gia tăng, lượng kiều hối giảm cộng thêm giá thực phẩm tăng đã khiến số người thiếu ăn trên thế giới lần đầu tiên vượt qua con số 1 tỉ.
“Giá thực phẩm tăng cao trong năm 2008 vẫn còn tác động của nó. Hơn nữa, nhiều quốc gia bị giảm mạnh thu nhập do khủng hoảng tài chính”, bà Sheeran nói. Nhiều chuyên gia được tờ Financial Times phỏng vấn cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự. Lượng người ồ ạt lên thành phố tìm việc làm nay đang quay lại nông thôn nên sẽ càng tăng thêm áp lực.
“Sẽ còn phải nuôi thêm nhiều miệng ăn với lượng lương thực ít ỏi hoặc chẳng có gì”, ông Kanayo Nwanze, tân Chủ tịch của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (FIDA) thuộc Liên hiệp quốc, cảnh báo.
Cuộc khủng hoảng đã vượt ra khỏi châu Phi. Các quốc gia chưa hề gặp vấn đề lương thực từ hai mươi năm qua như Kirgyzstan nay cũng yêu cầu trợ giúp. Và điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước, do sức mua giảm mạnh và giá lương thực vẫn còn cao. Ông Peter Brabeck, Chủ tịch tập đoàn Nestlé, cho rằng tình hình đang xấu đi: “Đừng quên rằng giá thực phẩm hiện cao hơn đến 60% so với 18 tháng trước. Điều đó có nghĩa là những ai chi đến 60 hoặc 70% thu nhập cho chuyện ăn uống đã bị ảnh hưởng rất nặng”.
Thật ra, giá nông sản đã giảm mạnh trong năm nay so với đỉnh điểm thiết lập trong năm 2008. Giá thực phẩm cơ bản như bắp, lúa mì và gạo đã giảm còn một nửa, nhưng chỉ quay lại mức giá của giữa năm 2007. “Giá thực phẩm không giảm cùng mức giá các nguyên liệu khác, như dầu hỏa chẳng hạn”, Giáo sư Allan Buckwell, giảng dạy kinh tế nông nghiệp tại trường Imperial College ở London, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn còn đắt gấp đôi so với mức giá bình quân thời kỳ 1998-2008. Chẳng hạn gạo Thái Lan, đang được xem là giá tham chiếu của thế giới, giao dịch ở mức 614 đô la Mỹ/tấn, tức cao gấp đôi so với giá trung bình trong 10 năm qua (290 đô la). Giá cả cũng gia tăng ở cấp độ địa phương. “Tại Malawi, giá bắp đã tăng gấp đôi năm ngoái, trong khi giá lúa mì tại Afghanistan tăng 67%”, bà Sheeran dẫn chứng.
Thu hoạch sẽ giảm
Điều tồi tệ hơn là tại nhiều quốc gia, nông dân ít gieo trồng trên vùng đất canh tác được, dẫn đến hệ quả là thu hoạch mùa màng năm nay sẽ giảm mạnh và chắc chắn sẽ đẩy giá nông phẩm tăng cao, cho dù nhu cầu vẫn còn đang yếu do khủng hoảng kinh tế. Tại Mỹ, quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, diện tích gieo trồng bị giảm gần 3 triệu héc ta, mức cao nhất từ 20 năm nay.
Những người phụ trách các chương trình trợ giúp lương thực và nông nghiệp thế giới và cả những công ty chế biến thực phẩm đang lo ngại điều kiện khí hậu đặc biệt bất lợi trong năm nay sẽ tác động mạnh đến vụ mùa sắp tới và qua đó gây nên thảm họa thực sự. Ở miền bắc Trung Quốc, khu vực nông thôn đang gánh chịu hạn hán từ đầu năm nay, ảnh hưởng nặng đến vùng đồng bằng Quan Trung (Guanzhong), vốn là vựa lúa mì truyền thống của đất nước. Tháng 2-2009, lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh ban hành tình trạng khẩn cấp ở mức tối đa do hạn hán nặng nhất từ 50 năm qua, theo China Daily. Có khoảng 4,3 triệu người và 2,1 đầu gia súc thiếu nước. Và 43% diện tích trồng lúa mì vụ đông bị đe dọa do một số khu vực không có lấy một giọt mưa trong hơn ba tháng.
Trong khi lương thực dự trữ trên thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ nhiều năm qua, áp lực lên giá cả sẽ chẳng khác nào một cơn khủng hoảng khác bổ sung vào tình hình suy thoái kinh tế hiện nay. Ông Robert Paarlberg, một chuyên gia về nông nghiệp đang giảng dạy chính trị học tại Đại học Wellesley, bang Massachusetts (Mỹ), cho rằng tình hình đói kém trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay còn đáng lo ngại hơn thời điểm giá lương thực tăng cao trong mùa hè 2008. Một số quốc gia đang đẩy mạnh an ninh lương thực bằng cách đi mua hoặc thuê đất nông nghiệp ở ngoài lãnh thổ.
Nước giàu đi mua đất người nghèo
Trong hai năm qua, có hơn 20 triệu héc ta đất nông nghiệp lặng lẽ về tay các quốc gia mạnh vốn như Saudi Arabia, Kuwait và Trung Quốc, theo The Economist. Các quốc gia bán hoặc cho thuê đất canh tác thường là các nước nghèo nhất thế giới, như Sudan, Ethiopia, Congo, Pakistan. Theo thống kê của grain.org và Wordllandgrab 2009, Trung Quốc dẫn đầu trong việc thuê, mua đất canh tác trên thế giới với 2,1 triệu héc ta, trong đó riêng ở Phillippines là 1,3 triệu héc ta. Ảrập Saudi đứng hàng thứ hai với 1,6 triệu, kế đó là các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (1,3 triệu) và Hàn Quốc (1 triệu).
Tại Ảrập Saudi, chính sách tưới tiêu đất nông nghiệp từng giúp quốc gia này có lúa mì dư để xuất khẩu vào năm 1995 đã được xem lại vì tác động đến mạch nước ngầm và chi phí sản xuất quá tốn kém, cao gấp 4 lần so với thế giới. Cuộc khủng hoảng lương thực đầu năm 2008 khiến quốc gia dầu hỏa này phải tăng cường đảm bảo an ninh lương thực cho 25 triệu dân bằng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mua đất canh tác ở nước ngoài. Để hỗ trợ chính sách này, chính phủ đã lập ra một quỹ lên đến 800 triệu đô la Mỹ tính đến tháng 4 vừa rồi và dự kiến sẽ còn phình ra. Trong dự án nông nghiệp 1,6 triệu héc ta của Ảrập Saudi triển khai tại Indonesia, tập đoàn Ben Laden hy vọng quản lý 500.000 héc ta đất trồng lúa gạo.
Trung Quốc trồng đậu nành ở Nga
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết năm 2015, quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ sản xuất khoảng 20 triệu tấn đậu nành, tức chỉ đáp ứng 40% nhu cầu hiện nay. Vì vậy, Trung Quốc không chỉ quan tâm đến các cánh đồng ở khu vực Trung Á, mà cả những vùng đất chưa khai thác ở nước Nga láng giềng với diện tích 80.400 héc ta, theo grain.org và Wordllandgrab 2009.
Vào đầu những năm 2000, nuôi thủy sản ở Nga là hoạt động chính thu hút các công ty Trung Quốc. Nhưng do Moscow siết chặt quy định nên nhiều dự án do các công ty liên doanh Nga-Trung thành lập vào thời kỳ đó bị ngưng trệ. Kể từ nay, sản xuất đậu nành là lĩnh vực sinh lợi nhất, đặc biệt ở vùng Viễn Đông Nga, tại tỉnh Khabarovsk và vùng tự trị Birobidjan, nằm cách Moscow 6.000 ki lô mét nhưng chỉ cách Bắc Kinh có một phần ba đoạn đường. Trong 11 tháng đầu năm 2008, số liệu thống kê cho biết có hơn 420.000 tấn đậu nành được xuất sang Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, Nga chính là thiên đường nông nghiệp với hơn 20 triệu héc ta đất chưa được khai thác, theo ước tính của các chuyên gia Nga. Đất thuê của Nga để trồng đậu nành thường cho năng suất cao, khoảng 3 tấn đậu nành/năm/héc ta, cao hơn nhiều so với canh tác ở Trung Quốc. Với triển vọng như vậy, cộng với nhu cầu quá lớn ở Trung Quốc, việc đổ xô tìm các vùng đất nông nghiệp ở Nga sẽ tăng mạnh. Hiện nay, chính quyền Nga chỉ quan tâm đến việc thu thuế xuất khẩu nông sản từ việc khai thác các vùng đất canh tác này.
Nhưng việc xuất hiện ồ ạt nông dân Trung Quốc, theo Le Monde, có khả năng làm phát sinh những căng thẳng với dân địa phương, nhất là khi khủng hoảng kinh tế trầm trọng mà nước Nga đang gặp phải có nguy cơ châm ngòi nổ cho những phản ứng bài ngoại. Theo cuộc điều tra dân số mới nhất, có khoảng 35.000 người Trung Quốc sinh sống trên lãnh thổ Nga, nhưng Bộ Nội vụ nước này ước tính trong thực tế con số này vào khoảng 400.000 - 700.000 người.
T.L
(Theo Tấn Lộc // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com