Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần một tham vọng đột phá

Con đường trở thành trung tâm tài chính của TPHCM vẫn còn xa. Trong ảnh là hoạt động giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Ảnh: Lê Toàn

Tại hội thảo “Phát triển thị trường tài chính TPHCM” tuần trước, Giáo sư Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TPHCM, ghé tai Phó viện trưởng Viện Kinh tế Nguyễn Thiềng Đức, hỏi liệu ông có thể nói thẳng nói thật ý kiến của mình. Ông Đức ủng hộ ngay rằng ông Thơ cứ nói, đây là hội thảo để trình bày và tranh luận.

Việc xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế không phải mới chỉ được đem ra mổ xẻ lần đầu, nhưng lần này là lần có nhiều quan chức cấp cao tham dự nhất, như Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà và bên dưới là những gương mặt tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư “sừng sỏ”, chưa kể cánh báo chí được xếp đặt riêng một bàn dài.

Cả diễn giả và người nghe đều cảm thấy nao lòng. Mà không nao lòng sao được khi hơn một thập kỷ trước đã thấy giới nghiên cứu đề đạt đề tài xây dựng trung tâm tài chính cho thành phố và chính quyền địa phương cũng ủng hộ. Nhưng thời gian trôi đi, cái đề án ấy cứ lần lữa xếp xó, nguội dần.

“Năm 1995 Tiến sĩ Trần Du Lịch và Viện Kinh tế trình lên lãnh đạo đề án xây dựng thị trường chứng khoán cho thành phố. Lúc đó Dragon Capital đã được nhờ dịch hộ đề án sang tiếng Anh” - Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital, nhớ lại.

Bây giờ nếu đề án phát triển trung tâm tài chính ra đời, chắc Viện Kinh tế sẽ không nhờ Dragon Capital dịch nữa. Nhân lực thành phố đủ sức làm điều đó, tiếng Anh đã trở thành phổ biến. Nhưng đề án và mối quan tâm thực hiện nó chưa phổ biến được như vậy!

TPHCM hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành trung tâm tài chính, nhưng vì sao cứ chậm trễ? Vì sao thành phố chỉ quanh quẩn và tập trung vào trung tâm hành chính? Cái thiếu nhất chính là tham vọng. “Thành phố cần tham vọng táo bạo và đột phá.

Thành phố cần xây đường chạy cho những vận động viên tài chính tham gia, chứ không phải chỉ tham gia hết cuộc đua tăng trưởng này đến cuộc đua tăng trưởng khác. Nếu không có tham vọng, con đường trở thành trung tâm tài chính của thành phố sẽ chỉ dừng lại ở các cuộc hội thảo” - ông Thơ nói một cách tâm huyết.
 

Thành phố chưa có một thị trường tiền tệ với đầy đủ các nhà tạo lập thị trường như công ty môi giới, công ty xếp hạng, nhà chiết khấu, kinh doanh giấy tờ có giá chuyên nghiệp.

Các ngân hàng tham gia thị trường liên ngân hàng để giải quyết thanh khoản, không phải để kinh doanh tiền tệ. Thị trường kinh doanh ngoại hối thì vắng bóng hẳn.

Những năm qua, thành phố đã tạo ra 50% khối cung của thị trường tài chính, là nơi trung chuyển vốn cho nền kinh tế, nơi hội tụ của các ngân hàng, định chế tài chính lớn. Sự phát triển ấy là do mở cửa thị trường tài chính, nó không xuất phát từ mục tiêu, tham vọng và quyết tâm tiến vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính.

Hãy thử nhìn một mảng nhỏ của thị trường tài chính là thị trường tiền tệ để rõ hơn điều đó. Thành phố chưa có một thị trường tiền tệ với đầy đủ các nhà tạo lập thị trường như công ty môi giới, công ty xếp hạng, nhà chiết khấu, kinh doanh giấy tờ có giá chuyên nghiệp. Các ngân hàng tham gia thị trường liên ngân hàng để giải quyết thanh khoản, không phải để kinh doanh tiền tệ. Thị trường kinh doanh ngoại hối thì vắng bóng hẳn.

Có nhiều việc để làm, nhiều bước để đi, nhiều chặng để dừng trên đường xây dựng trung tâm tài chính. Tuy nhiên quan trọng hơn cả là chủ trương, là sự quan tâm và cam kết của chính quyền thành phố, của Chính phủ.

Tiến sĩ Sử Đình Thành và Tiến sĩ Bùi Thị Mai Hoài của Đại học Kinh tế mạnh dạn kiến nghị Chính phủ thành lập ủy ban xúc tiến và phát triển trung tâm tài chính TPHCM. Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng chiến lược tổng thể; điều phối giữa các bộ, ngành và ủy ban nhân dân thành phố; rà soát chính sách, cơ chế, khuôn khổ pháp lý cho quá trình xây dựng trung tâm tài chính.

Nhìn từ kinh nghiệm của Trung tâm Tài chính London, Dominic Scriven nhấn mạnh những giá trị cốt lõi của việc phát triển thị trường tài chính là pháp luật rõ ràng; quản lý thị trường vừa rõ vừa nghiêm; cởi mở cho sáng kiến và một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Sự thành công của thị trường tài chính nằm ở sự cân đối những giá trị cốt lõi đó.

Xin trở ngược thời gian một chút. Người dẫn chương trình hội thảo hôm đó là ông Nguyễn Thiềng Đức. Giữa những năm 1990, khi còn là tổ trưởng tổ chuyên viên cổ phần hóa, tham gia góp ý chỉnh sửa, bổ sung chính sách cho tiến trình cổ phần hóa mới bắt đầu lúc bấy giờ, ông Đức và Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế, đã không ít lần nói đến soạn thảo đề án xây dựng trung tâm tài chính của thành phố.

Mười mấy năm sau, một đề án như thế và một hướng đi cho thành phố như thế tiếp tục được nhắc lại ở một hội thảo. Còn phải cần thêm bao nhiêu hội thảo nữa để đề án ra đời và được thực hiện? Chẳng lẽ trung tâm tài chính vẫn mãi là ước mơ xa vời của TPHCM?

(Theo Hải Lý // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Khủng hoảng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu các ngành công nghiệp
  • HSBC dự báo Việt Nam tăng trưởng 6% trong quý IV
  • Khủng hoảng đến muộn, nhưng có thể ở lại lâu hơn
  • Phải chỉ đạo chặt chẽ mới có thể đạt tăng trưởng 5% GDP
  • 5 tháng đầu năm Khu vực công nghiệp quốc doanh tăng trưởng âm
  • Mua thiết bị nhờ chương trình hỗ trợ lãi suất : Lo chất lượng máy nội địa
  • Cân nhắc kỹ trước khi đưa ra một quyết định quan trọng
  • Kinh tế Việt Nam: Khởi sắc nhưng cần thận trọng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi