Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thời điểm dừng các gói kích thích kinh tế: Không bỏ qua các giải pháp dài hạn

Các chuyên gia tiếp tục bàn luận về thời điểm dừng các gói kích thích kinh tế.


Doanh nghiệp nhỏ và vừa được đề nghị tiếp tục hỗ trợ ngay cả khi gói kích cầu dừng lại (Ảnh Đức Thanh)

 Mặc dù cho rằng, Việt Nam nên bắt đầu tính tới thời điểm dừng các gói kích cầu, song khi bày tỏ quan điểm cá nhân tại một hội thảo do Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào cuối tuần trước, ông Nick Freeman, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) đã đề xuất một số biện pháp kích thích kinh tế cần tiếp tục được duy trì. Chẳng hạn, nên đẩy mạnh Chương trình Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; bỏ mức khống chế 1,5 lần lãi suất cho vay tiêu dùng…

Theo lý giải của ông Nick Freeman, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu được cải thiện từ quý II/2009 và đã qua giai đoạn “đáy”, song có thể Việt Nam vẫn phải mất nhiều thời gian để lấy lại đà tăng trưởng. “Điều này khiến dự đoán về thời điểm kết thúc gói kích thích kinh tế trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nên bắt đầu suy nghĩ tới thời điểm dừng gói kích cầu để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn. Nếu dừng quá sớm, kinh tế có thể suy thoái trở lại, giống như thời điểm quý IV/2008 và quý I/2009, nhưng nếu dừng quá muộn, thì kinh tế có thể trở nên quá nóng với tỷ lệ lạm phát cao”, ông Nick Freeman nói.

Trên thực tế, đây cũng là vấn đề được một số chuyên gia kinh tế nhắc tới trong thời gian gần đây. Ngay tại cuộc hội thảo này, ông Hoàng Anh Tuấn, ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế và thị trường tài chính - tiền tệ, Chính phủ và các ngành cần theo dõi sát diễn biến tình hình để quyết định thời điểm dừng chính sách hỗ trợ lãi suất, nếu không sẽ trở thành áp lực tái diễn lạm phát trong những tháng cuối năm.

Khi mà nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến tích cực, rất dễ hiểu vì sao có các đề xuất về việc dừng gói kích cầu. Nhưng đã nên hay chưa, khi mà kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định và mục tiêu điều hành kinh tế trong năm nay vẫn là chống suy giảm kinh tế? Hơn thế, trong gói kích cầu trị giá 8 tỷ USD mà Việt Nam đang thực hiện, không ít ngân khoản được chi cho các mục tiêu dài hạn, hay nói đúng hơn là vừa giải quyết các bài toán trong ngắn hạn, vừa hướng tới các mục tiêu tạo nền tảng cho phát triển bền vững hơn trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Đó là đầu tư cho cơ sở hạ tầng; nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực… vốn luôn là các “nút thắt’ đối với nền kinh tế Việt Nam.

Câu trả lời, theo TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) là chưa. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, vấn đề quan trọng trong thực hiện kích cầu vào thời điểm này là phải tập trung kích cầu đầu tư cho những dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng; các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt; các dự án góp phần trực tiếp vào việc duy trì và mở rộng năng lực sản xuất và kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế… “Kích cầu đầu tư không có nghĩa là đầu tư tùy tiện, bất chấp hiệu quả”, ông Phong nói.

Trên thực tế, ngay cả ông Nick Freeman cũng chỉ nhắc tới chuyện phải tính tới thời điểm dừng thực hiện gói kích cầu, chứ không phải dừng ngay bây giờ. Thời điểm dừng phải được tính toán, cân nhắc thận trọng và ngay cả khi đó, cũng nên tiếp tục thực hiện các biện pháp dài hạn để nền kinh tế có thể phát triển bền vững và lâu dài.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lee Yi Shyan khi trao đổi với báo giới mới đây để chia sẻ kinh nghiệm sử dụng gói kích cầu của Đảo quốc Sư tử cũng cho biết, Singapore đã dùng gói kích cầu để đầu tư cho tương lai, như giáo dục, tái đào tạo lao động, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, giúp đỡ người nghèo. 

Trên một khía cạnh khác, bàn về các định hướng phát triển trong dài hạn, ông Nick Freeman cho rằng, thời điểm kết thúc gói kích thích kinh tế của Việt Nam có nhiều khả năng sẽ trùng với quá trình chuẩn bị cho Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo (2011-2020). Chính vì thế, đây cũng là thời điểm để Việt Nam đánh giá lại các ưu tiên và chiến lược đã áp dụng, đồng thời thử nghiệm và hình dung kinh tế toàn cầu sẽ phát triển trở lại trong thập kỷ tiếp theo như thế nào, từ đó xác định các ưu tiên trong giai đoạn phát triển kế tiếp. 

“Liệu tăng trưởng GDP có thực sự là mục tiêu số một, hay ưu tiên hàng đầu là phải tạo ra thu nhập đồng đều? Liệu nền kinh tế với định hướng xuất khẩu có phải là phương thức tốt nhất? Vấn đề môi trường sẽ được giải quyết như thế nào? Các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm gì khác và Chính phủ có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?... Có rất nhiều câu hỏi cần đặt ra”, ông Nick Freeman nói và cho rằng, Việt Nam cần trả lời xác đáng các câu hỏi này để xây dựng được một chiến lược phát triển toàn diện. Hơn thế, Việt Nam cũng cần tiếp tục tập trung vào lộ trình thúc đẩy năng lực cạnh tranh và cải cách nền kinh tế dài hạn.

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư )

  • Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu không đạt kế hoạch
  • Kinh tế Việt Nam sẽ khôi phục trong 12 tháng tới
  • Cửa “hẹp” cho thủ tục hành chính
  • Nắm giữ hay lưu thông
  • Tìm giải pháp phá “rào cản”
  • Đã đến thời của nội lực
  • Việt Nam là lựa chọn cho nơi sản xuất thay thế
  • Thu hồi đất công sử dụng trái luật: Tiếp tục… chờ!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi