![]() |
Việc xử lý nợ dây dưa trong các DNNN tuy khá tích cực, nhưng chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Theo báo cáo giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố cuối năm ngoái, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của các đơn vị này khá cao. Như vậy, vẫn còn một lượng lớn nợ dây dưa giữa các ngân hàng với DNNN và giữa các DNNN với nhau, mà đến nay cần tiếp tục phải xử lý.
Con số nợ dây dưa đó hiện nay khoảng bao nhiêu, thưa ông?
Có hai loại công nợ: công nợ giữa các DNNN với nhau, phát sinh trong quá trình giao dịch, mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ; công nợ giữa các ngân hàng với các DNNN. Loại thứ nhất thực ra không đáng sợ, vì thường có quy mô không lớn, dễ xử lý và không mang tính dây chuyền. Loại thứ hai được xem là nguy hiểm, vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với từng đơn vị, cả hệ thống tài chính và nền kinh tế nói chung.
Về số liệu, có nhiều báo cáo khác nhau đã đề cập, nhưng rất khó đưa ra số liệu chính xác về tổng số nợ dây dưa, chiếm dụng lòng vòng giữa các DNNN với nhau và giữa DNNN với ngân hàng.
Vậy vấn đề nằm ở đâu, bởi muốn xử lý tốt, thì trước tiên phải có được con số chính xác về số nợ dây dưa cần xử lý?
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2009 của cả hệ thống ngân hàng là 2,17%, nhưng ước tính của một số chuyên gia và tổ chức định giá tín nhiệm thì nợ xấu của Việt Nam chiếm trên dưới 10% tổng dư nợ tín dụng. Nếu đúng như vậy thì nợ xấu hiện nay khoảng 60.000 - 70.000 tỷ đồng hoặc hơn nữa, trong đó, chủ yếu là nợ dây dưa, lòng vòng giữa DNNN với các ngân hàng thương mại nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Tôi cho rằng, muốn phát triển, trước hết, số liệu phải minh bạch và công khai. Vấn đề nợ xấu cần được minh bạch và công khai để mọi tổ chức và dân chúng cùng biết, cùng giám sát và chung tay giải quyết.
Ở các nền kinh tế phát triển hay một số nền kinh tế trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia..., số liệu về nợ xấu được công bố công khai, định kỳ và rất cụ thể. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc tìm hiểu và phân tích số liệu nợ xấu thật không dễ chút nào.
Tuy Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 493 vào năm 2005, trong đó quy định các điều kiện, tiêu chuẩn và cách thức để xác định nợ xấu, nhưng việc thực hiện chưa được như mong muốn. Nguyên nhân là quy định phân loại nợ xấu mới ở mức trung bình nếu so với tiêu chuẩn quốc tế và việc áp dụng tại các ngân hàng còn rất hạn chế. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại còn dè dặt trong việc công bố nợ xấu.
Theo yêu cầu của Chính phủ, tháng 6/2010, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải có báo cáo về việc xử lý nợ xấu của các DNNN. Liệu có thể làm được điều đó không, thưa ông?
Đương nhiên là sẽ làm được, bởi có thể dựa vào báo cáo tài chính của các ngân hàng, các DNNN để tổng hợp số liệu. Nhưng tính trung thực của những số liệu đó lại là vấn đề đáng quan ngại, bởi vì đằng sau số liệu sổ sách, có nhiều điều phải quan tâm.
Ví dụ, theo quy định về nợ xấu, nếu DNNN có một khoản nợ xấu ở một ngân hàng này, thì các khoản nợ ở các ngân hàng khác cũng được xác định là nợ xấu. Nhưng thực tế không phải như vậy. DNNN có thể mở tài khoản ở nhiều ngân hàng, có thể có nợ xấu, nợ quá hạn ở nhiều ngân hàng khác, nhưng lại vẫn có ngân hàng cho vay nợ bình thường và không tính đó là nợ xấu. Hoặc nữa, nhiều chi nhánh ngân hàng vẫn cho vay đảo nợ để tránh bị tụt hạng, ảnh hưởng đến thu nhập.
Như vậy, số liệu tuy có thể tập hợp được, nhưng rất khó chính xác. Đó là chưa kể, tính minh bạch của số liệu còn thấp. Do đó, chúng ta khó có thể xác định được con số nợ dây dưa giữa các DNNN với nhau và giữa DNNN với các ngân hàng để phản ánh đúng thực trạng chất lượng dư nợ trong nền kinh tế.
Vậy thì làm sao có thể xử lý dứt điểm các khoản nợ dây dưa, nợ chiếm dụng không lành mạnh như yêu cầu của Chính phủ?
Để làm được việc này, cần thực hiện đồng thời một số biện pháp.
Thứ nhất, phải minh bạch và công khai về số liệu, song song với việc nâng cao mức độ khắt khe về phân loại nợ xấu. Rất mừng là Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo và đang lấy ý kiến chuyên gia về việc sửa đổi Quyết định 493 theo hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế về phân loại nợ xấu.
Thứ hai, bản thân các ngân hàng thương mại phải ý thức được việc cần thiết xử lý triệt để nợ xấu. Trong số các ngân hàng thương mại lớn hiện nay, thì Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị tiên phong trong phân loại và xử lý nợ xấu và đây có lẽ là điển hình cho các ngân hàng khác học tập.
Thứ ba, với vai trò chủ sở hữu, Nhà nước cần tăng cường trách nhiệm xử lý nợ dây dưa của chính các DNNN, bởi xem ra, các DNNN chú trọng nhiều đến việc vay, mà sao lãng trách nhiệm xử lý nợ phải trả.
Thứ tư, phải tạo áp lực xử lý từ các cơ quan quản lý nhà nước, bởi tuy chúng ta đề cập việc xử lý nợ xấu, nhưng thực hiện chưa thực sự quyết liệt.
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả xử lý nợ của DATC - doanh nghiệp duy nhất hiện nay được giao trọng trách xử lý nợ cho các DNNN?
Nếu chỉ tính việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng với các DNNN (bao gồm công ty nhà nước và doanh nghiệp được cổ phần hóa từ công ty nhà nước), thì chúng tôi đã giúp xử lý được khoảng 7.000 tỷ đồng. Quả thực, con số nợ đã được xử lý qua DATC vẫn chưa thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế.
Có nhiều cách xử lý nợ xấu khác nhau, như cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, xử lý tài sản đảm bảo, bán lại nợ cho bên thứ ba, chứng khoán hóa khoản nợ, phát mại tài sản hay phá sản doanh nghiệp... Nhưng trong bối cảnh Việt Nam, chúng tôi lựa chọn việc xử lý nợ thông qua tái cấu trúc doanh nghiệp như là phương cách chủ đạo. Trong trường hợp này, chúng tôi mua nợ từ ngân hàng theo cơ chế thị trường, sau đó xử lý những tồn tại tài chính để cân bằng sổ sách, tiếp theo là tái cấu trúc doanh nghiệp thông qua việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc cấu trúc lại tình trạng tài chính, quản trị và hoạt động hiện tại, nếu đó là công ty đã được cổ phần hóa.
Đến thời điểm hiện tại, gần 30 DNNN đã được DATC tái cấu trúc theo hướng này. Ngoài ra, khoảng 60 DNNN nữa trong danh mục tái cấu trúc đang được triển khai. Số lượng doanh nghiệp có nhu cầu tái cấu trúc thông qua xử lý nợ còn khá nhiều sau thời kỳ suy thoái kinh tế vừa qua.
Về cơ bản, sau khi tái cấu trúc, các doanh nghiệp đều hoạt động tốt, từ giảm lỗ, tới hòa vốn, mở rộng kinh doanh và hoạt động có hiệu quả. Nhiều đơn vị làm ăn có lãi cao, đang làm các thủ tục để niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán.
Còn với riêng DATC, tôi cho rằng, DATC đã hoạt động đạt kết quả tốt, xét từ cả khía cạnh hiệu quả hoạt động lẫn hiệu quả kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn được Nhà nước giao. Nếu được tháo gỡ những nút thắt trong hoạt động, DATC có thể làm được nhiều hơn nữa cho Nhà nước, xã hội, các ngân hàng và doanh nghiệp.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com