Theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam năm 2010 sẽ phục hồi rõ nét, tuy nhiên khó khăn vẫn ở phía trước khi nền kinh tế Thế giới chưa chắc chắn là vượt qua được khủng hoảng hay lại bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng mới.
Cuối năm 2008, đầu năm 2009 kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi “cơn bão” khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, việc làm giảm, thất nghiệp gia tăng, thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường bất động sản đóng băng... Tuy nhiên, đến cuối năm 2009 những tín hiệu sáng hơn của nền kinh tế xuất hiện.
Mặc dù bị tác động lớn bởi khủng hoảng kinh tế nhưng năm 2009 Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng tốt, vậy những thành tựu lớn của kinh tế Việt Nam năm 2009 là gì thưa ông?
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng nền kinh tế Việt Nam năm 2009, đã phục hồi khá tốt trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và khu vực. Tăng trưởng kinh tế đã tăng rõ rệt hơn theo thời gian, quí sau cao hơn quí trước. Năm 2009 đạt mức tăng trưởng GDP 5,32% là khá tốt trong khu vực. Các nước trong khu vực đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thường nước nào tăng trưởng tốt thì đạt 4-5%. Như vậy nền kinh tế Việt Nam bắt đầu quay lại con đường phát triển mà chúng ta kỳ vọng. Với xu hướng phục hồi này, mục tiêu của Chính phủ đưa ra là tăng trưởng GDP 6,5% vào năm sau là hợp lý và có thể đạt được.
Xuất khẩu của chúng ta giảm về kim ngạch nhưng nhìn chung về khối lượng thì không giảm. Việc làm vào thời gian cuối năm phục hồi và tăng lên. Đó cũng là một dấu hiệu tốt. Đặc biệt mục tiêu ổn định vĩ mô của chúng ta đã đạt được, mặc dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng các mất cân đối kinh tế vĩ mô như cán cân thanh toán, cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách, lạm phát, cân đối trên thị trường tiền tệ và ngoại hối về cơ bản là trong tầm kiểm soát.
Năm 2009, Việt Nam được đánh giá là bị tác động và ảnh hưởng mạnh bởi khủng hoảng kinh tế, vậy năm 2010 nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đã phục hồi hay chưa?
Năm 2009 nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi. Sang năm 2010, các gói kích thích của Chính phủ bắt đầu có tác dụng nhiều hơn thì chiều hướng phục hồi kinh tế sẽ rõ ràng hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam ngày càng có liên quan chặt chẽ với nhau do mức độ hội nhập của chúng ta đã nhiều hơn. Kinh tế thế giới vẫn ở vào tình trạng bấp bênh, sự phục hồi chưa chắc chắn. Chiều hướng phục hồi chưa rõ nét như tăng trưởng thì có cải thiện nhưng việc làm thì chưa có cải thiện rõ ràng. Đặc biệt, nhiều chuyên gia kinh tế còn có ý kiến là có thể nền kinh tế thế giới lại rơi vào vòng soáy mới của khủng hoảng mà chưa thể thoát khỏi khủng hoảng ngay được. Nhiều kịch bản đã được đưa ra cho nền kinh tế thế giới như chữ V, chữ W, chữ U, hay chữ L. Tôi cho khả năng chữ W là còn cao.
Sau khủng hoảng nền kinh tế như vừa “ốm dậy” Vậy theo ông những khó khăn nổi bật đối với nền kinh tế Việt Nam 2010 là gì?
Mục tiêu của năm 2010 là tiếp tục giữ vững xu hướng phục hồi về tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, giải quyết được sức ép về việc làm và bắt tay vào việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn và bền vững hơn. Thực hiện được mục tiêu đó là một thách thức rất lớn. Lý do là nền kinh tế thế giới chưa phục hồi vững chắc, còn tiềm tàng nhiều rủi ro của quá trình phục hồi. Việc tái cấu trúc kinh tế thế giới sau khủng hoảng cũng sẽ mất một thời gian. Vì vậy, bối cảnh và môi trường kinh doanh quốc tế của năm 2010 là không thuận lợi. Thêm vào đó, các vấn đề mang tính cơ cấu của kinh tế Việt Nam cũng đang bộc lộ rõ hơn và đòi hỏi phải có xử lý và giải quyết quyết liệt và căn bản hơn. Vì thế có thể thấy năm 2010 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn và nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những theo dõi và điều chỉnh chính sách kịp thời từ phía Chính phủ và doanh nghiệp.
Xin ông cho biết những tác động của gói kích cầu một mà Chính phủ đã thực hiện và có nên thực hiện tiếp các gói kích cầu hay không?
Gói kích thích ban đầu có nhiều nội dung trong đó có hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ khu vực khó khăn, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, hoãn, giảm miễn thuế, để cho doanh nghiệp có điều kiện, thời gian cơ cấu lại, tổ chức lại sản xuất.... Trên thực tế, gói kích cầu ban đầu mới làm tốt ở một số nội dung trong đó có khâu hỗ trợ lãi suất, giúp cho các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng đứng trên bờ vực phá sản (vào thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009) góp phần giúp nền kinh tế quay trở lại đà tăng trưởng.
Tác động và thiết kế của gói kích cầu một là liều thuốc “cấp cứu”, và bây giờ “cấp cứu” xong thì quan trọng lơn là phải nghĩ đến hồi phục kinh tế. Điều đó không có nghĩa là dừng các gói kích cầu. Gói kích cầu thứ hai cần thiết kế bổ sung thêm những những cấu phần còn thiếu. Đặc biệt gói hỗ trợ thứ hai nên thiết kế tốt nhằm vào kích cầu thực, vì cầu là một bộ phận rất quan trọng trong GDP. Để phục hồi tăng trưởng GDP thì phải kích cầu, kích đầu tư, chi tiêu Chính phủ và xuất khẩu thuần để tạo ra hiệu ứng tích cực, hay là hiệu ứng dương cho tăng trưởng GDP. Nhưng kích cầu thực cho nhân dân ở gói một chưa nhiều lắm. Ở một số nước khác như Đức, Hàn Quốc, Đài Loan... họ hỗ trợ một khoản tiền khi người dân mua ô tô mới, để kích thích người dân mua nhiều sản phẩm, như vậy tạo ra cầu lớn hơn và doanh nghiệp tìm được đầu ra từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhưng Việt Nam chưa có kích cầu thực, dựa nhiều vào kích thích đầu tư, chi tiêu Chính phủ mà chưa dựa nhiều vào kích cầu tiêu dùng.
Khi nền kinh tế đã bắt đầu quay trở lại con đường phục hồi nhưng chưa chắc chắn thì cần tiếp tục có một cú bồi để kích thích kinh tế để nó tạo ra đà tăng trưởng vững chắc hơn. Theo quan điểm của tôi thì cần phải tiếp tục kích cầu và phải chú trọng đến kích cầu thực, kích cầu tiêu dùng, đầu ra cho doanh nghiệp.
Sau khủng hoảng kinh tế thì nét nổi bật lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam 2010 là gì thưa ông?
Năm 2009 để đối phó với khủng hoảng kinh tế, Chính phủ đã có những chính sách tương đối kịp thời. Năm 2010, tôi tin rằng Chính phủ vẫn tiếp tục giữ độ nhạy bén để nắm bắt những vấn đề đang diễn ra và có thể có những phản ứng chính sách kịp thời. Năm 2010 các chính sách sẽ tiếp tục phải bám vào các biến động hiện nay của nền kinh tế, đặc biệt là đề án tái cơ cấu kinh tế đang được trình Chính phủ xem xét, và sẽ được áp dụng. Đây là bước rất tích cực và sẽ là một bước ngoặt để chuyển đổi nền kinh tế sang giai đoạn mới, đi vào giai đoạn phát triển thực chất hơn, hiệu quả hơn, thay vào giai đoạn hơn 20 năm qua chúng ta đã tăng trưởng thông qua đầu tư ồ ạt tức là theo kiểu quảng canh theo chiều rộng mà không theo chiều sâu, ít chú ý đến chất lượng, hiệu quả và tính bền vững. Quá trình tái cơ cấu kinh tế sẽ là lâu dài, liên tục, đi sâu hơn vào nâng cao năng lực cạnh tranh, thực sự phát triển theo hướng bền vững, đầu tư hiệu quả hơn, năng suất cao hơn, từ đó các doanh nghiệp có thể nâng cao được năng lực, sức mạnh của mình vươn ra thế giới.
Cùng với tái cơ cấu nền kinh tế thì trong năm 2010 và các năm sau đó phải giải quyết các nút thắt cổ trai về thủ tục hành chính. Cải cách kinh tế và cải cách hành chính của chúng ta có bước phát triển rất khập khiễng, trong khi cải cách kinh tế đi khá nhanh thì cải cách hành chính lại chậm chạp, thậm chí là rất chậm. Nhưng hy vọng năm 2010 và những năm tiếp theo sẽ rút ngắn được khoảng cách này để cải thiện môi trường tốt hơn cho đầu tư và kinh doanh.
Với những kết quả đạt được trong năm 2009 thì ông kỳ vọng gì vào nền kinh tế Việt Nam 2010?
Việt Nam đang là một điểm sáng trong quá trình phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế thế giới vẫn còn đang u ám. Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt như thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, có những bước tiến đáng kể trong xoá đói giảm nghèo... mà thế giới và các nước đang phát triển đang muốn tham khảo và học hỏi. Vấn đề phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô hiện nay Việt Nam đang làm khá tốt. Do vậy trong Hội nghị CG vừa rồi các nhà tài trợ quốc tế đánh giá Việt Nam rất cao, và có triển vọng tốt về phát triển kinh tế. Do đó mức cam kết hỗ trợ của các nhà tài trợ cho chúng ta đã lên mức kỷ lục là khoảng 8 tỷ USD.
Các nhà tài trợ muốn giúp Việt Nam đẩy mạnh hơn quá trình tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh hơn quá trình phục hồi. Các nhà tài trợ cũng nhất trí Việt Nam cần tái cơ lại nền kinh tế để hiệu quả hơn nhưng cần có sự giúp sức của các nhà tài trợ, nhất là tài trợ vào việc giải quyết các nút cổ chai như phát triển cơ sở hạ tầng, đường xá, cảng biển... Giải quyết được các nút thắt cổ chai sẽ là các điều kiện quan trọng giúp Việt Nam hiện thực hoá được các tiềm năng và nắm bắt được các cơ hội đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam. Các nhà tài trợ cũng tin tưởng rằng Việt Nam có những triển vọng sáng lạng trong tương lai.
Kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng tăng trưởng tín dụng lại cao sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lạm phát, và ông dự báo mức độ lạm phát năm 2010 của Việt Nam sẽ như thế nào?
Lạm phát thường đi theo chu kỳ, tăng trưởng tín dụng mà nóng quá thì nó dẫn đến lạm phát sau đó khoảng 2-3 quý. Hiện nay chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 30%, nhưng các báo cáo cho thấy mức tăng trưởng tín dụng đã vượt quá mức 35%, và nếu quay trở lại mức 40% trong quá khứ thì rất có thể sẽ dẫn đến lạm phát. Đồng thời kèm theo sức ép về tỷ giá, sức ép thanh khoản của tiền tệ thì chúng ta sẽ khó kiểm soát được cung tiền và điều đó sẽ tạo ra sức ép về lạm phát. Tất nhiên là ta giả định là các yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo là không thay đổi. Nếu các yếu tố này mà thay đổi thì không lọai trừ lạm phát sẽ quay lại kể cả ta đã dùng các bịên pháp hành chính khống chế mức tăng trưởng tín dụng.
Năm 2009 lạm phát của chúng ta không cao (khoảng 7%) nhưng rất có khả năng lạm phát cao sẽ tiềm ẩn và có thể quay trở lại vào năm 2010 nếu chúng ta không có biện pháp đề phòng và ngăn chặn ngay từ giờ. Vì vậy cần sớm xem xét rà soát lại những nguyên nhân dấn đến lạm phát. Nếu Chính phủ có những biện pháp mang tính năng động linh hoạt của chính sách tiền tệ để đối phó như thắt chặt tiền tệ và giải quyết tốt các kênh dẫn đến lạm phát thì lạm phát năm 2010 có thể được kiểm soát và không đến mức đáng lo ngại. Các chính sách can thiệp kịp thời và uyển chuyển của Chính phủ sẽ đóng vai trò quyết định.
(VnMedia)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com