 Ông Nguyễn Tiến Thỏa |
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (BTC) đã trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những vấn đề trên. Thưa ông, tại sao trong thời gian gần đây, đã có những lần điều chỉnh giá xăng dầu tăng vượt quá mức 500 đồng/lít (hay 500 đồng/kg), không đúng như hướng dẫn trong Thông tư 56? Thông tư 56 hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu (gọi tăt là Quỹ) cho phép doanh nghiệp (DN) mỗi lần điều chỉnh giá không quá 500 đồng/lít (hay 500 đồng/kg). Nhưng quy định đó là trong điều kiện giá xăng dầu trên thị trường thế giới diễn biến bình thường, không có biến động lớn và trong điều kiện điều hành giá gắn liền với hoạt động cuả Quỹ. Có nghĩa là, khi Quỹ có nguồn lực (số dư lớn), giá thị trường thế giới biến động tăng làm cho giá vốn bán lẻ trong nước tăng vượt quá 500 đồng/lít so với giá hiện hành, DN được điều chỉnh giá tăng 500 đồng/lít. Phần tăng vượt trên 500 đồng/lít được trích từ Quỹ để bù đắp.
Trước thời điểm Liên bộ Tài chính - Công thương chấp thuận để các DN đầu mối điều chỉnh giá 1.000 đồng/lít, các DN đã 3 lần đề nghị được tăng giá, nhưng xét thấy tại thời điểm đó chưa thích hợp cho việc điều chỉnh giá, nên Liên bộ tạm thời chưa chấp thuận tăng giá mà sử dụng các công cụ tài chính khác như giảm thuế nhập khẩu, tạm dừng trích Quỹ, kéo dài thời gian hoàn trả ngân sách nhà nước 1.000 đồng/lít (đối với mặt hàng xăng) để bình ổn giá. Tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động mạnh, vượt quá sức chịu đựng của DN, nên sau khi thực hiện hàng loạt các công cụ tài chính, Liên bộ thấy cần phải điều hành phù hợp với giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới. Đây là giải pháp mang tính tình thế và cần thiết.
Nhưng dẫu sao khi đã được ban hành thì lẽ ra, Thông tư phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt? Để minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, BTC sẽ nghiên cứu sửa đổi Thông tư 56 cho phù hợp với thực tiễn.
Vậy, việc sửa đổi Thông tư này sẽ theo hướng nào? Đó là phải sửa một vài câu chữ chưa rõ tại Điều 4. Cụ thể, câu thứ nhất nên sửa lại là: Trong trường hợp Quỹ đã có nguồn lực, thì cho phép DN được điều chỉnh tối đa 500 đồng/lít/lần (hay 500 đồng/kg/lần). Nếu khoản lỗ cao hơn thì DN trích Quỹ để bù đắp. Câu thứ 2 là: Trong trường hợp số dư của Quỹ đã hết hoặc chưa có nguồn lực, mà giá xăng dầu trên thị trường biến động mạnh tới giá xăng dầu trong nước thì DN điều chỉnh giá để đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.
BTC có đặt ra mốc thời gian nào sẽ phải thực hiện trích tiền vào Quỹ không, thưa ông? Việc trích vào Quỹ phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới.
Như thế, nếu giá xăng dầu vẫn diễn biến như hiện nay thì Quỹ sẽ “treo” mãi? Hiện tại là như thế. Chúng tôi đang suy nghĩ để có cách sửa, nhưng với điều kiện là toàn bộ khoản trích vào Quỹ phải được cộng vào giá, cả lúc giá xăng dầu thế giới cao lẫn thấp. Nếu thế, hiện tại giá xăng Ron 92 của Việt Nam không phải là 14.200 đồng/lít, mà phải là 14.700 đồng/lít. Và khoản 500 đồng/lít đó được đưa vào Quỹ. Như thế thì trước mắt, người tiêu dùng phải chịu mức cao hơn.
Khi giá dầu thô ở mức 147 USD/thùng thì giá xăng Ron 92 là 19.000 đồng/lít, nay giá dầu thô chưa bằng 1/2 mức trên, mà giá xăng hiện là 14.200 đồng/lít. Ông có bình luận gì về điều này?
Cách so sánh này chưa thật hợp lý, bởi lẽ mức giá dầu thô 147 USD/thùng là giá của thời điểm ngày 14/7/2008, chứ chưa phải là mức giá của bình quân giá thế giới (tính bình quân tối thiểu 20 ngày dự trữ lưu thông trong nước) để làm căn cứ xác định giá bán trong nước.
Mặt khác, khi tính giá xăng, dầu trong nước là tính trên cơ sở bình quân giá thị trường thế giới của từng chủng loại xăng, dầu thành phẩm, mà không phải là căn cứ vào giá dầu thô. Thêm vào đó, sự thay đổi của giá xăng dầu thành phẩm cũng không phải là luôn luôn tỷ lệ thuận với thay đổi của giá dầu thô. Ví dụ, trong khi giá dầu thô trên thị trường thế giới trong tháng 4/2009 tăng 4,5% so với tháng 3/2009, thì giá xăng, dầu thành phẩm lại tăng mạnh hơn nhiều. Cụ thể, giá xăng Ron 92 tăng 9,65%, giá dầu diesel 0,5S tăng 10,7%, giá dầu hỏa tăng 10,8%, giá mazut tăng khoảng 18%...
Ngoài ra, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước, cơ cấu tính giá xăng, dầu trong nước không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của giá xăng dầu thế giới, mà còn phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái VND/USD, chính sách điều tiết của Nhà nước trong từng thời kỳ...
|