Trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu là cần thiết. Hơn nữa, để làm cho việc ổn định kinh tế vĩ mô nhanh, thì tốt nhất là cố gắng "chịu đau" một lần.
- Giá xăng vừa tăng thêm 2.900 đồng/lít từ 24/2, từ 1/3 giá điện điều chỉnh tăng 15,28% và sắp tới đây là than... Sự điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu là cần thiết. Hơn nữa, để làm cho việc ổn định kinh tế vĩ mô nhanh, thì tốt nhất là cố gắng "chịu đau" một lần. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cân nhắc điều chỉnh cung tiền ở mức nào cho nền kinh tế có thể chịu được.
Ta đừng có nghĩ đây là món nợ phải trả cho thị trường, bởi vì xưa nay thị trường "đòi" tăng giá lâu rồi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do,trong đó có một lý do là muốn giữ giá để ổn định đời sống của nhân dân và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, nên hậu quả là mặt bằng giá mất cân bằng. Bây giờ thì phải khôi phục nó trở lại. Chuyện này buộc phải chấp nhận.
Tuy vậy, do đây là những nguyên liệu đầu vào rất quan trọng, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lạm phát.
- Thưa ông, CPI tháng 2 tăng 2,09 %, sắp tới, hàng loạt mặt hàng thiết yếu lại tăng giá. Với tình hình này theo ông, liệu lạm phátcả năm có dừng lại ở 7% ?
Theo dự báo từ đầu năm, mức lạm phát ở 7% là rất khó giữ. Ngoài những lý do trong nước ra thì nó còn có những lý do khác. Giá cả quốc tế, đặc biệt giá lương thực, tiếp đó là giá xăng dầu ảnh hưởng rất mạnh.
Về nguyên nhân trong nước, ngoài những liên quan đến câu chuyện cung tiền, tín dụng thì còn có câu chuyện hạn hán dẫn đến thiếu điện của năm nay. Nước thiếu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp, nhất là vùng Nam bộ. Đây là những tác động cần phải tính đến. Nên nếu mà chưa bàn gì đến câu chuyện chính sách thì mức lạm phát cũng đã khó giữ được ở mức 7%.
- Chính phủ vừa đưa ra 7 nhóm giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1. Theo ông, những biện pháp có đủ mạnh để chống lạm phát hay không?
Chính phủ đang tập trung vào chỉ chống lạm phát thôi, dốc toàn lực cho mục tiêu chống lạm phát. Nếu chống được lạm phát thì tăng trưởng trở lại.
Những biện pháp mà Chính phủ đưa ra hiện nay là: Thứ nhất là, giảm cung tiền. Hai là, giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, những biện pháp này phải nói là rất mạnh. Ba là, giảm chi tiêu công, trong đó giảm chi tiêu thường xuyên, cắt giảm đầu tư công. Nên lần này có thể nói những biện pháp mà Chính phủ đưa ra là rất quyết liệt. Với những biện pháp đó thì ta cũng có thể hy vọng, kéo mức lạm phát xuống thấp.
Trên cơ sở đó để tạo ra nền tảng cho ổn định kinh tế vĩ mô, lúc đó mới có thể khôi phục lại cơ sở cho tăng trưởng một cách vững chắc được.
- Vậy để thực thi các biện pháp trên, các nhà quản lý cần lưu ý điều gì, thưa ông?
Như đã nói, các biện pháp Chính phủ đưa ra là rất quyết liệt. Còn tác động của những biện pháp này phụ thuộc vào những yếu tố trong quá trình thực thi. Do vậy, khi thực thi cần phải lưu ý: Một là, tính đồng bộ các biện pháp như: chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ phối hợp với bên thị trường, rồi câu chuyện điều hành tỷ giá để bảo đảm trở về mức tương đương với cắt giảm tổng cầu, cân bằng giá trong nước và thế giới, tỷ giá thế giới. Tất cả phụ thuộc vào việc phối hợp chính sách.
Hai là, việc cắt giảm chi tiêu ngân sách, giảm cung đồng nghĩa với việc đụng đến những lợi ích của DN hoặc là lợi ích của những ông chủ dự án đầu tư. Nếu việc thực hiện không kiên quyết thì khó có thể đạt được mục tiêu.
Tôi hy vọng, Chính phủ sẽ làm tối đa khả năng của mình để kéo lạm phát xuống tạo ra ổn định vĩ mô. Còn những yếu tố bên ngoài tác động như: hạn hán, lương thực thế giới lên giá… nhiều khi ngoài khả năng của chúng ta, buộc chúng ta phải tìm những biện pháp bổ sung để giải quyết vấn đề.
- Xin cảm ơn ông!
(Báo Kinh tế và Đô thị)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com