Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gia Lai: Từ một dự án chuyển giao công nghệ, Gia Lai đã xuất khẩu được mật ong

Nghề nuôi ong ở Gia Lai đã phát triển hơn kể từ khi tỉnh triển khai dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong, khai thác, chế biến mật ong xuất khẩu.

Gia Lai là tỉnh có điều kiện thuận lợi để nuôi các đàn ong lấy mật. Tuy vậy, do không có nơi tiêu thụ, chất lượng mật ong không cao, kỹ thuật nuôi hạn chế, nghề nuôi ong ở Gia Lai chưa phát triển. Tình hình đã khác từ khi tỉnh triển khai dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong, khai thác, chế biến mật ong xuất khẩu tại tỉnh Gia Lai". Tuy chưa kết thúc, nhưng sản phẩm của dự án đã xuất khẩu sang CHLB Ðức.

Khi chưa có thương hiệu: "Mật ong Gia Lai"

Do đặc điểm của địa hình và khí hậu, cho nên Gia Lai có nhiều vùng sinh thái khác nhau, đây là thế mạnh để phát triển kinh tế nông lâm nghiệp tổng hợp, đa dạng và phong phú, đồng thời rất phù hợp để phát triển nghề nuôi ong. Giống ong được nuôi hiện nay chủ yếu là giống ong Italia (Apis mellefera ligustica), có nhiều ưu điểm hơn so với giống ong nội địa. Công tác giống được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, do vậy chất lượng đã được cải thiện đáng kể.

Những năm trước, sản lượng mật hằng năm đạt khoảng từ 1.200 đến 1.800 tấn. Tuy nhiên, do tình trạng nuôi ong tự phát, nhỏ lẻ, công tác quản lý giống gặp nhiều khó khăn, năng suất và sức đề kháng của đàn ong giảm, từ đó làm cho giá thành sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tỉnh Gia Lai chưa phát triển được nghề nuôi ong là trong mùa mưa, khi nguồn hoa không đủ phấn cho ong ăn, các hộ nuôi chưa chủ động được việc cung cấp phấn nhân tạo, thức ăn bổ sung cho ong,  ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đàn ong.

Nhiều người nuôi ong nhưng chưa có các kiến thức về giống ong, chọn lọc, tạo ong chúa, sinh đàn, phòng trị bệnh cho ong, khai thác sản phẩm theo quy trình kỹ thuật dẫn đến kết quả là sản phẩm mật ong có chất lượng thấp. Việc kiểm tra dư lượng thuốc kháng sinh, diệt ký sinh trùng có nguồn gốc từ thuốc bảo vệ thực vật của các đơn vị có chức năng vẫn chưa thực hiện tốt. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự tồn đọng sản phẩm.

Dụng cụ nuôi ong và nhất là thùng nuôi ong thiếu đồng bộ, không có sự thống nhất theo một tiêu chuẩn nào. Thùng ong chưa phù hợp đặc điểm lưu động phân tán theo nguồn hoa, đồng thời chưa phù hợp hướng khai thác các loại mật ong đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm 2003, toàn tỉnh có những lúc tồn đọng tới 900 tấn mật ong không tiêu thụ được, nguyên nhân chủ yếu là do bị nhiễm kháng sinh và bị pha đường mía, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng và gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất.

Thành công bước đầu trong việc tạo lập thương hiệu "Mật ong Gia Lai"

Từ thực tế nói trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai triển khai Dự án: "Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi ong, khai thác, chế biến mật ong xuất khẩu tại tỉnh Gia Lai". Dự án nằm trong khuôn khổ của Chương trình "Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2010" (Chương trình nông thôn và miền núi).

Mục tiêu của dự án là: Xây dựng sáu mô hình ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nuôi ong tiên tiến, quy mô 800 đàn ong giống Italia. Xây dựng mô hình tinh chế sản phẩm mật ong để xuất khẩu. Ðào tạo mười kỹ thuật viên cho cơ sở, tập huấn và tổ chức hội thảo cho 80 lượt người ở các cơ sở nuôi ong và cán bộ quản lý cơ sở. Xây dựng và triển khai bảy chuyên đề về kiến thức khoa học chăn nuôi ong qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tạo tiền đề cho việc thành lập một Công ty Cổ phần chuyên về sản xuất kinh doanh các sản phẩm ong mật khi có điều kiện sau này. Ðơn vị chuyển giao công nghệ là Trung tâm Phân tích - Hóa sinh (Trường Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh).

Sau nhiều năm nghiên cứu, Trung tâm Phân tích Hóa - Sinh và Bộ môn ong, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã làm chủ công nghệ nuôi dưỡng khai thác - vận chuyển - sơ chế - bảo quản - xuất khẩu mật loài ong của Italia. Công nghệ nói trên đã được thử nghiệm ứng dụng ở một số cơ sở nuôi ong tại các tỉnh: Ðác Lắc, Ðồng Nai, Lâm Ðồng. Ưu điểm của công nghệ là dễ áp dụng cho mô hình nuôi ong nông hộ, giá thành hạ, phù hợp điều kiện ở Tây Nguyên.

Mặt khác việc đưa công nghệ và dây chuyền chế biến sản phẩm về tại địa phương sẽ rút ngắn thời gian tinh lọc, chế biến, bảo đảm chất lượng ngay từ ban đầu, nâng cao giá trị sản phẩm mật ong. Việc áp dụng các công nghệ này sẽ nhanh chóng khôi phục và phát triển ngành ong, tạo việc làm, nâng cao trình độ người nuôi ong. 

KS Trần Ðình Hương (Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường - Ðại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh), cho biết: Giống ong được chuyển giao cho vùng dự án là giống ong Italia đã được  chọn lọc tại tỉnh Gia Lai (hoặc tỉnh Ðồng Nai và Ðác Lắc). Giống ong này có nhiều ưu điểm về tính tụ đàn, khả năng tăng đàn nhanh, năng suất mật cao, ít bốc bay, có khả năng đề kháng với bệnh thối ấu trùng. Ngoài ra, các đàn ong này không bị cận huyết, các đặc điểm sinh học ổn định.

Mỗi hộ  tham gia dự án được hỗ trợ 50 đàn ong giống,  một phần thức ăn nuôi ong và một phần tiền mua dụng cụ vật tư chuyên dùng. Ðược hưởng toàn bộ số ong giống, vật tư và dụng cụ nói trên, để làm cơ sở phát triển thêm các trại ong mới sau khi kết thúc dự án. Ðược ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.

Anh Trần Văn Huynh, đại diện nhóm hộ chế biến mật mong tại thị trấn Chư Ty, huyện Ðức Cơ, cho biết: Ðược sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình nông thôn miền núi của tỉnh, chúng tôi đã có hệ thống thiết bị hoàn chỉnh để hạ tỷ lệ nước có trong mật ong công suất 1.000 tấn/năm. Hệ thống thiết bị này do các nhà khoa học thuộc Trường đại học Nông - Lâm TP Hồ Chí Minh thiết kế. Anh Huynh báo cho chúng tôi tin mừng: Dự án chưa kết thúc, nhưng vụ mật ong năm 2007 - 2008, đã giảm được tỷ lệ nước trong 300 tấn mật ong (nguồn thu mua từ các hộ tham gia dự án) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang CHLB Ðức.

KS Trần Ðình Hương, cho biết thêm: Từ việc thiết kế thành công hệ thống hạ tỷ lệ nước có trong mật ong, chúng tôi đang nghiên cứu hoàn thiện đề tài thiết kế, chế tạo hệ thống đồng bộ hạ tỷ lệ nước có trong mật ong từ khâu nạp nguyên liệu đến đóng gói sản phẩm. Ðề tài này nằm trong Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước KC07 (2007 - 2010) do TS Lê Văn Hoàng làm chủ nhiệm đề tài.

Hơn một năm nữa dự án mới kết thúc, nhưng những người tham gia dự án từ cán bộ quản lý, nhà khoa học đến hộ dân đều hoàn thành những việc cơ bản như: Chuyển giao sáu quy trình công nghệ; tập huấn kỹ thuật cho 80 hội nuôi ong ở các huyện Chư Prông, Ðăk Ðoa, Ia Grai, Chư Sê, Ðức Cơ và TP Plây Cu; ký Hợp đồng giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với sáu hộ nuôi ong giống ở xã Ia Krai, huyện Ia Grai, về việc thực hiện mô hình nuôi ong giống Italia. Năm 2007 dự án đã hỗ trợ giống gốc 300 đàn.

Ðến nay, đã mở rộng mô hình ra thêm 20 hộ ở các huyện Ðức Cơ, Chư Păh, Ia Grai và TP. Plây Cu.  Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh phối hợp Trường Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh đào tạo kỹ thuật viên cơ sở cho 15 người (nâng cao kỹ thuật nuôi ong giống cho các hộ và kỹ thuật khai thác chế biến mật ong). Năm 2008, dịch thối ấu trùng đã hoành hành khá mạnh làm thiệt hại khoảng 70% tổng đàn ong của tỉnh.

Ðứng trước tình hình đó, Ban quản lý  dự án đã tổ chức hội thảo về việc phòng và trị bệnh cho ong. Tham dự có 40 người nuôi ong tập trung ở các huyện Ðức Cơ, Ia Grai, Chư Păh và TP Plây Cu. Ðến nay, tình hình dịch bệnh đã được đẩy lùi, đàn ong trên địa bàn tỉnh đã và đang phục hồi trở lại (đạt khoảng 65 đến 70% so với cùng kỳ năm trước).

Tiễn chúng tôi ra về, anh Trần Văn Huynh lạc quan nói: Các hộ dân đang bàn bạc, huy động vốn, hợp sức, lập công ty cổ phần chế biến mật ong xuất khẩu sang châu Âu với thương hiệu của tỉnh Gia Lai.

Làm được việc đó có thể nói dự án: "Xây dựng và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong, chế biến mật ong xuất khẩu tại tỉnh Gia Lai đã thành công, vì đạt được mục đích: Chuyển giao toàn bộ kỹ thuật đến với hộ dân, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao đời sống của người dân trên mảnh đất cao nguyên này.

(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị