Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ tại TPHCM: Giải pháp có tính đột phá

Ngày 3.11 là ngày làm việc đầu tiên Sở KH&CN TP. HCM tiếp nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Theo đánh giá của các nhà quản lý, đây là một chương trình đầy triển vọng mang đến những đột phá trong việc hợp tác 2 “nhà”: doanh nghiệp - nhà khoa học, nhằm qua đó đưa nhiều nghiên cứu đến với cuộc sống hơn.

Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 28% xuống... 0%!

Các hướng dẫn cụ thể về thủ tục, hồ sơ xin chứng nhận doanh nghiệp KH&CN được đăng tại website của Sở KH&CN TPHCM http://www.dost.hochiminhcity.gov.vn. Các doanh nghiệp, cá nhân, nhà khoa học quan tâm đến vấn đề này cũng có thể liên hệ trực tiếp tại Phòng Quản lý Khoa học - Sở KH&CN TPHCM. Địa chỉ: 244 Điện Biên Phủ, P7, Q3, TPHCM Điện thoại: 3932 5901 - 3932 5883 - 3932 6709.

“Ưu đãi hấp dẫn nhất đối các doanh nghiệp KH&CN là sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên, chỉ đánh thuế suất 5% trong 9 năm tiếp theo và chỉ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt những năm sau đó. Mức thuế này là rất ưu đãi so với thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (28%). Đây là mức ưu đãi giống như các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao”, PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM nhận xét về “lợi thế” đang chờ các doanh nghiệp KH&CN.

Cụ thể, việc thành lập, xin giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN được thực hiện tại TPHCM lần này là theo các quy định của Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN và Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện nghị định kể trên.

Theo ông Tân, các văn bản này đã “mở” ra một hướng đột phá mới cho việc đưa các phát minh, nghiên cứu, sáng chế… vào sản xuất, hoặc thúc đẩy các doanh nghiệp KH&CN hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà khoa học, để tạo ra những sản phẩm từ các nghiên cứu, phát minh… “Lý do đơn giản là các doanh nghiệp phải làm như thế để được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN, và khi đó họ được rất nhiều ưu đãi”, ông Tân lý giải.

Theo Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV, những ưu đãi mà các doanh nghiệp KH&CN được hưởng, ngoài ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp kể trên, các doanh nghiệp KH&CN còn được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; được hưởng chính sách về tín dụng đầu tư phát triển; được hưởng các dịch vụ tư vấn, đào tạo từ các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp của nhà nước không phải trả phí dịch vụ; được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học trong các phòng thí nghiệm trọng điểm, cơ sở nghiên cứu KH&CN của nhà nước; được hưởng các ưu đãi từ các quỹ phát triển KH&CN quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, được thuê đất, cơ sở hạ tầng với mức giá thấp nhất…

Con đường đến... ưu đãi

Theo quy định, để được trở thành doanh nghiệp KH&CN, hưởng hàng loạt ưu đãi kể trên, các doanh nghiệp trước hết phải được công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Đó có thể là các doanh nghiệp mới được thành lập, nộp hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN tại Sở KH&CN địa phương (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính) trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi doanh nghiệp được thành lập.

Đó cũng có thể là các tổ chức KH&CN công lập được chuyển đổi để thành lập doanh nghiệp KH&CN. “Theo quy định hiện nay, nhà nước ưu tiên khuyến khích thành lập các doanh nghiệp KH&CN mới. Khi các doanh nghiệp mới thành lập này sản xuất, kinh doanh các sản phẩm là thành quả của nghiên cứu KH&CN, sáng chế, phát minh mới… thì sẽ được xem xét để có thể công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Các doanh nghiệp đã thành lập trước đây, nếu có sản phẩm mới sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát minh sáng chế… cũng có thể nộp hồ sơ xin ưu đãi đối với riêng sản phẩm đó. Tùy từng trường hợp, chúng tôi sẽ xem xét giải quyết, trả lời cụ thể”, ông Tân cho biết.

Tuy nhiên, không phải cứ trở thành doanh nghiệp KH&CN là luôn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo quy định, doanh nghiệp KH&CN chỉ được ưu đãi này khi có tỷ lệ doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN trên tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm thứ nhất đạt 30% trở lên, năm thứ hai đạt 50% trở lên và từ năm thứ 3 đạt từ 70% trở lên.

“Thành lập doanh nghiệp KHCN là giải pháp mang tính đột phá, giúp các tổ chức nghiên cứu có thể thành lập doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh kết quả nghiên cứu của mình. Các quy định này cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đặt hàng nghiên cứu từ các nhà khoa học để từ đó có thể thành lập doanh nghiệp KH&CN, đưa các nghiên cứu thành sản phẩm đi vào cuộc sống”, PGS-TS Phan Minh Tân nhận định.

Trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống, mối liên kết giữa nhà khoa học - doanh nghiệp từ trước đến nay luôn là một bài toán khó giải đối với các nhà quản lý. Với những ưu đãi về doanh nghiệp KH&CN, các nhà khoa học có thể thành lập doanh nghiệp và cạnh tranh bằng nghiên cứu của mình để phát triển.

Sự thành công của một nghị định, một thông tư đang đi vào cuộc sống có lẽ phải chờ thời gian trả lời, nhưng trước mắt, theo ông Phan Minh Tân, đã hé lộ những tín hiệu khả quan khi có nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn hồ sơ để đăng ký làm doanh nghiệp KH&CN!


(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị