Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Không chỉ dựa vào lợi thế về điều kiện tự nhiên (khí hậu và đất đai), nhiều năm qua, doanh nghiệp và nông dân Lâm Đồng đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất, tạo bước phát triển đột phá về năng suất, chất lượng và doanh thu trên một đơn vị diện tích.

Các mô hình “kiểu mẫu”

Nói đến việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt, trước hết phải kể đến Công ty Dalat Hasfarm. Đây là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, được thành lập năm 1994 và được coi là tiên phong trong việc trồng hoa quy mô công nghiệp tại TP Đà Lạt và cả nước.

Tính chuyên nghiệp thể hiện từ việc đầu tư bài bản nhà kính, hệ thống điều khiển nhiệt độ, nước tưới… đến thu hoạch, bảo quản và phân phối sản phẩm. Ngoài trang trại 20ha chuyên canh hoa tại TP Đà Lạt, hiện Dalat Hasfarm còn mở rộng quy mô trang trại 7ha tại Đa Quý (xã Xuân Thọ) và 280ha ở Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) trồng hoa, rau và nuôi bò sữa. Hoa Dalat Hasfarm, nhất là hoa hồng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc…

Thu hoạch trà tại trang trại trà Bình Đông (huyện Bảo Lâm). Ảnh: NAM VIÊN

Về sản xuất rau và giống rau sạch, dù xuất hiện chưa lâu nhưng Công ty TNHH Dalat G.A.P nổi lên với nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao. Ông Lê Văn Cường, Giám đốc công ty cho biết, sau thời gian, so sánh hiệu quả giữa sản xuất truyền thống với sản xuất theo công nghệ cao, ông quyết định đầu tư hàng tỷ đồng trang bị hệ thống kỹ thuật hiện đại, đồng bộ. Toàn bộ diện tích (4,8ha trồng rau và 2,8ha sản xuất giống rau) của công ty đều được sản xuất trong nhà kính, trên giá thể, vỉ xốp và tưới nhỏ giọt tự động. Vì vậy, không chỉ tiết kiệm phân bón, nước tưới, tăng năng suất mà sản phẩm rau của Dalat G.A.P còn đạt tiêu chuẩn an toàn. Gần đây, Công ty Dalat G.A.P còn áp dụng phương pháp khí canh (trồng cây trong không khí, không cần đất) để trồng cây khoai tây lấy giống, tạo cây giống sạch và năng suất cao gấp 4 lần so với phương pháp truyền thống.

Không chỉ doanh nghiệp, nhiều năm qua, nông dân Lâm Đồng cũng đã mạnh dạn chọn nông nghiệp công nghệ cao làm hướng đi của mình. Điển hình trong việc “dám nghĩ, dám làm” có lão nông Nguyễn Bình Đông, chủ trang trại trà Bình Đông đạt tiêu chuẩn Global GAP tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Năm 1999, ông Đông quyết định bỏ phố thị Bảo Lộc lên rừng lập trang trại trồng trà. Từ 3 sào trà giống truyền thống, ông dần mở rộng diện tích, chuyển đổi giống mới và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Trong đó, có một số phương pháp chăm sóc trà khá đặc biệt như: cho trà “ăn” rong biển, bã đậu nành và cho trà “uống sữa”, tức là lên men sữa rồi pha nước phun lên vườn trà làm cho đọt trà mướt hơn, thơm ngon hơn… Hiện trang trại trà Bình Đông đạt quy mô trên 40ha, cho thu hoạch khoảng 1,5 – 2 tấn trà búp tươi/ngày/ha. Toàn bộ sản phẩm được liên kết để xuất khẩu sang lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Mở hướng đi mới

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện trên địa bàn tỉnh có đến hàng trăm doanh nghiệp, trang trại đang áp dụng công nghệ kỹ thuật cao trong sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi như: sản xuất rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, tự động; màng phủ nông nghiệp; chiếu sáng ban đêm cho hoa… Hiện toàn tỉnh có 35 cơ sở ứng dụng công nghệ nuôi cấy thực vật, hàng năm tạo ra khoảng 10 triệu cây giống cấy mô đầu dòng sạch bệnh. Từ đó, trên 200 cơ sở gieo ươm trên vỉ xốp đã cung cấp cho thị trường trên 1 tỷ cây giống rau, hoa.

Ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, đánh giá: Chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm năng suất và chất lượng cao. Hiện tổng diện tích sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao là trên 3.200ha, trong đó 1.750ha ứng dụng công nghệ tưới phun, hơn 1.500ha sản xuất trong nhà lưới, nhà kính. Doanh thu của các mô hình rau hoa đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, trà chất lượng cao đạt 200 – 250 triệu đồng/ha. Trong đó phải kể đến mô hình trồng ớt ngọt trong nhà kính đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 1,5 lần trồng ngoài trời); trồng hoa cúc đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng/ha/năm; trồng hoa lys 560 triệu đồng/ha/năm… Bên cạnh đó, việc nuôi thử nghiệm thành công cá nước lạnh tại huyện Lạc Dương cũng đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp địa phương.

 Phát huy mọi nguồn lực, tạo bước phát triển cao hơn

(SGGP).- Sáng 27-9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX chính thức khai mạc. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến dự đại hội.

Báo cáo chính trị của đại hội khẳng định nỗ lực của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhiệm kỳ qua đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành mục tiêu, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên đáng kể, một số ngành và lĩnh vực phát triển vượt bậc; kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện cho sự bứt phá về phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, đến nay, những tiềm năng, lợi thế của Lâm Đồng vẫn chưa được phát huy đúng mức, khả năng hội nhập, năng lực cạnh tranh còn thấp; chất lượng, hiệu quả, tính bền vững của nền kinh tế còn hạn chế. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc như lao động, việc làm, nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường,… chưa được giải quyết kịp thời; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và các hoạt động văn hóa có mặt còn yếu; đời sống một bộ phận nhân dân, đặc biệt là nông dân vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chất lượng lãnh đạo, hoạt động của hệ thống chính trị ở một số địa phương chưa đồng bộ; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi còn hạn chế.

Phát biểu tại đại hội, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Tỉnh Lâm Đồng có vị trí địa lý quan trọng, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, tuy vậy, Lâm Đồng cũng có nhiều hạn chế về vốn, nhân lực, cơ chế quản lý; kết cấu hạ tầng KT-XH còn yếu, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, vì vậy, Đảng bộ tỉnh phải tăng cường đoàn kết nhất trí, vượt qua thách thức, phát huy mọi nguồn lực, tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa.

Trong định hướng phát triển kinh tế, tỉnh cần xác định những khâu, những lĩnh vực có tính đột phá, góp phần tích cực đưa Tây Nguyên sớm trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước. Coi trọng hơn công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh liên kết với các địa phương để khai thác tiềm năng một cách hiệu quả nhất. Thực hiện tốt Nghị quyết 10 khóa IX của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên và chú trọng củng cố các tổ chức Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị...

 

( Theo NAM VIÊN // Báo SGGP Online )

  • Tăng trưởng dựa vào đổi mới thể chế và công nghệ
  • Chế tạo thành công nhà vệ sinh thông minh
  • Công nghệ mới nâng cao độ bền cho đê biển
  • Sáng kiến của nông dân Cà Mau Dùng lú "bắt tôm còi"
  • Một nông dân tự chế tạo máy hút sâu ở cây chè
  • Cơ sở dữ liệu và con đường cho chính phủ điện tử
  • Việt Nam đặt mục tiêu vào top 10 nước gia công phần mềm
  • Hà Nội khai trương cơ sở sản xuất RAT VietGap Giải bài toán rau sạch
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị