Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhân rộng 40 mô hình KH&CN vào sản xuất và đời sống, 4 dự án cấp Bộ thuộc Chương trình nông thôn miền núi, trong đó các đề tài thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chiếm 80%.
Qua khảo nghiệm các mô hình, Vĩnh Phúc đã chọn và đưa vào gieo trồng thử nghiệm các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao trên diện rộng: Lúa đen, lúa thơm, lúa nếp, lúa Japonica, lúa HT1, DT 122, DT 28, siêu lúa; đào Mỹ Early Grande, Hồng Nhật Fuju, hoa Ly Hà Lan, hoa hồng Pháp, hoa Báo Xuân, Hoa Đỗ quyên; thí điểm nuôi thỏ Newzilan và Califomia, lợn rừng… Đồng thời, tiếp tục phổ biến các tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), các mô hình canh tác tổng hợp; kỹ thuật gieo hạt, bón phân theo bảng so màu lá; chương trình nạc hoá đàn lợn lai 3 màu, Sind hoá đàn bò chất lượng cao Limousine; nhân rộng mô hình nuôi cá rô đồng công nghiệp và bán công nghiệp theo quy trình mới như: ếch, cá rô đồng, cá quế, cá Anh Vũ …
Qua công tác chuyển giao và ứng dụng KH&CN đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Một số ngành nghề ở nông thôn được khôi phục và phát triển; trình độ hiểu biết và tiếp thu KH&CN của người dân được nâng lên, KH&CN từng bước được gắn kết chặt chẽ hơn với nông nghiệp và nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đưa thu nhập của người dân tăng cao gấp 3,5 lần so với trước.
Tuy nhiên, kết quả ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn còn thấp, nhiều đề tài còn dừng ở mức mô hình trình diễn, thiếu các giải pháp đồng bộ để triển khai rộng rãi đáp ứng nhu cầu sản xuất và thị trường. Lực lượng cán bộ KH&CN chưa được huy động tốt để phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn; đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân còn yếu và thiếu. Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết của nông dân còn hạn chế; thông tin KH&CN và thị trường cho nông dân còn ít và không thường xuyên; nhiều sản phẩm hàng hoá nông - thuỷ sản năng suất, chất lượng thấp, giá thành cao, sức cạnh tranh trên thị trường kém… Do vậy, thời gian tới, Vĩnh Phúc cần nhân rộng các mô hình KH&CN có tính hiệu quả cao. Các đề tài, dự án KH&CN được triển khai cần tập trung nghiên cứu nâng cao năng suất và chất lượng các giống cây, con cho năng suất và chất lượng cao; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất nông lâm nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về KH&CN đến toàn dân, nhất là bà con nông dân đang sinh sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com