![]() |
Phân loại giày thể thao xuất khẩu tại Công ty Giày Thượng Đình.Ảnh: Nhật Nam |
Với 85 triệu dân, thị trường trong nước có nhu cầu tiêu thụ khoảng 130 triệu đôi giày, dép các loại/năm, giá trị đem lại doanh thu cho ngành da - giày khoảng 612 triệu USD. Vì vậy, bên cạnh mục tiêu xuất khẩu (XK), ngành da - giày đang tập trung phát triển thị trường nội địa, coi đó là nòng cốt quyết định sự phát triển của ngành trong tương lai.
Do những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và việc Liên minh châu Âu áp thuế bán phá giá 10% đối với các loại giày, mũ da nhập từ Việt Nam, nên 8 tháng đầu năm 2009, kim ngạch XK ngành da - giày chỉ đạt khoảng 2,8 tỷ USD, giảm 327 triệu USD so với cùng kỳ năm 2008. Dự kiến, cả năm 2009, kim ngạch XK ngành da - giày đạt khoảng 4,6 tỷ USD, so với 4,7 tỷ USD của năm trước. Gặp phải những khó khăn về XK do một số thị trường chủ lực như EU, Mỹ… thu hẹp, các doanh nghiệp (DN) đang chuyển hướng tiếp cận thị trường nội địa. Song để có được chỗ đứng trên "sân nhà" cũng không đơn giản. Thời gian qua, do phải chạy theo các đơn hàng XK, sản phẩm nhập ngoại của Trung Quốc, Ma-lai-xi-a… đã tràn ngập chiếm hầu hết thị phần tại thị trường trong nước, chỉ còn lại một phần nhỏ dành cho những DN đã xây dựng được thương hiệu như Vina Giày, T&T, Biti's… Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, tiêu thụ nội địa 8 tháng qua đạt khoảng 70 triệu đôi giày, dép các loại, nhưng DN trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 40 triệu đôi; số còn lại chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch hoặc nhập lậu…
Trong chiến lược XK đến năm 2010, định hướng đến năm 2015 của ngành da - giày Việt Nam, mục tiêu đặt ra của ngành là chuyển đổi từ phương thức gia công sang sản xuất toàn diện để năm 2010 đạt 6,2 tỷ USD kim ngạch XK; tỷ lệ nội địa hóa đạt 50% và nâng lên mức 11,4 tỷ USD vào năm 2015, nội địa hóa 65-70%. Tuy nhiên, thực tế ngành khó có thể đạt được mục tiêu đề ra khi 80% nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu; năng lực thiết kế và sáng tạo mẫu được coi là khâu quyết định tạo ra giá trị gia tăng, thì các DN không đáp ứng được. Nhiều năm qua, đa phần DN chỉ làm gia công, còn phần thiết kế mẫu do bên đặt hàng đảm nhận, nên năng lực về thiết kế hầu như không phát triển. Bên cạnh đó, chỉ có các DN liên doanh và có vốn đầu tư nước ngoài là có trình độ công nghệ ở mức trên trung bình, có khả năng thực hiện tất cả các công đoạn sản xuất; số DN có vốn trong nước đa phần có quy mô nhỏ, chỉ trang bị hệ thống công nghệ, thiết bị ở mức bán tự động và cơ khí, lao động chủ yếu vẫn là thủ công... nên năng suất thấp. Đây là một trong những lý do khiến các DN phải chọn hướng làm gia công cho đối tác nước ngoài, mà chưa sản xuất được sản phẩm trực tiếp vào các thị trường này. Ngoài ra, so với tiềm năng của thị trường trong nước, hệ thống phân phối của các DN chưa đáp ứng được nhu cầu của ngườitiêu dùng.
Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm da - giày, các DN cần tranh thủ nguồn vốn kích cầu của Chính phủ để đổi mới thiết bị công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; chú trọng đầu tư vào khâu thiết kế, đa dạng hóa mẫu sản phẩm, hoàn thiện hệ thống phân phối, đáp ứng các yêu cầu về môi trường… nhằm tạo thương hiệu cho sản phẩm da - giày Việt Nam ngay tại thị trường nội địa và trên thế giới. Hiệp hội Da - giày Việt Nam cũng kiến nghị, ngoài sự nỗ lực của mỗi DN, các ngành chức năng liên quan cần có chính sách hỗ trợ DN, nhất là DN vừa và nhỏ huy động các nguồn lực đầu tư vào sản phẩm có giá trị XK; đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu thay vì phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như hiện nay. Tạo điều kiện để DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tiếp cận, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, giúp DN xây dựng chuỗi phân phối sản phẩm nội địa, nhằm phát triển cân đối giữa XK và tiêu thụ nội địa.
(Theo THANH HIỀN // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com