Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dầu… không còn thô

Việc sản xuất được xăng dầu sẽ tạo ra một ngành công nghiệp mới cho Việt Nam - tinkinhte.com
Việc sản xuất được xăng dầu sẽ tạo ra một ngành công nghiệp mới cho Việt Nam
Sau nhiều năm ở vị trí bán dầu thô, một nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có khai thác được, Việt Nam đang từng bước chuyển sang lọc dầu và tiến tới xuất khẩu các sản phẩm sau lọc hóa dầu với sự có mặt của các nhà máy lọc dầu (NMLD) số 1, số 2, số 3…
 
Là quốc gia có trữ lượng dầu thô được xếp hạng trong các nước khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Malaysia, nhưng nhiều năm qua, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn xăng dầu.

Chính bởi vậy, việc NMLD Dung Quất đi vào hoạt động và dự kiến sẽ được bàn giao chính thức cho chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào cuối tháng 2 này mang ý nghĩa rất quan trọng, bởi mở ra những cánh cửa đầu tiên của ngành công nghiệp hóa dầu đúng nghĩa tại Việt Nam. Dù công suất 6,5 triệu tấn dầu thô đầu vào chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu về xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu hiện nay ở trong nước, nhưng sự có mặt của NMLD đầu tiên này cũng đánh dấu bước chuyển mình đáng kể trong việc gia tăng giá trị của các tài nguyên sẵn có khai thác được.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị đảm nhiệm vận hành NMLD Dung Quất cho hay, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, NMLD Dung Quất sẽ được vận hành ở mức 80-90% công suất thiết kế, tức là sẽ có 1,7-2,3 triệu tấn xăng A92, A95; 2,7-3,3 triệu tấn dầu diesel cùng các sản phẩm khác như LPG, propylen làm nguyên liệu nhựa, dầu hỏa và xăng Jet A1; dầu đốt lò công nghiệp FO.

Như vậy, sự có mặt của NMLD Dung Quất ngay trong năm đầu tiên cũng giúp giảm gánh nặng nhập siêu từ xăng dầu và một số sản phẩm khác của công nghiệp hóa dầu, tiết kiệm cho nền kinh tế một khoản ngoại tệ không nhỏ.

Không chỉ là sự có mặt của một công trình công nghiệp lớn, bề thế, NMLD Dung Quất còn được xem là điểm khởi đầu của ngành công nghiệp hóa dầu ở Việt Nam và là nôi đào tạo nhân lực cho các dự án lọc dầu khác chuẩn bị xuất hiện ở Việt Nam. Các quan chức của PVN, khi đề xuất với các cơ quan hữu trách số lao động định biên của NMLD Dung Quất tăng hơn so với mức thông thường ở các NMLD khác có quy mô tương tự (hiện tại là 1.328 người so với con số dưới 1.000 người cho quy mô NMLD tương đương) chắc đã có ý tưởng ươm mầm nguồn nhân lực ngay từ thực tế hoạt động của NMLD phục vụ các NMLD số 2, số 3 đang được đầu tư tiếp theo.

Ý định xây dựng ngành công nghiệp hóa dầu ngay tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng đang dần trở thành hiện thực với sự có mặt của dự án NMLD số 2, số 3 do PVN đầu tư hay một số dự án lọc dầu của các chủ đầu tư khác. Với nhiều kinh nghiệm có được từ NMLD số 1, Dự án NMLD số 2 đặt tại Nghi Sơn đang tiến triển thuận lợi.

Với các đối tác nước ngoài đến từ Nhật Bản và Kuwait, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc dầu, cũng như trên thị trường dầu mỏ quốc tế, hiện Công ty liên doanh TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hoàn thành 100% công tác lập thiết kế tổng thể theo đúng tiến độ ban đầu, bao gồm cả việc đấu thầu quốc tế lựa chọn 12 bản quyền công nghệ cho Nhà máy. Đặc biệt, chi phí của các hạng mục nói trên trong thực tế thấp hơn 25 triệu USD so với dự toán ban đầu. Trong hoàn cảnh giá xây dựng thế giới thời gian qua biến động theo hướng tăng, việc tiết kiệm chi phí này được xem là tin vui đáng kể.

Sự có mặt của đối tác đến từ Kuwait cũng giúp Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn có được sự đảm bảo nguồn dầu thô đầu vào ổn định. Hợp đồng cung cấp 100% dầu thô từ dài hạn của dự án cũng đã được ký kết với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait.

Cũng sớm có kế hoạch đào tạo nhân sự vận hành cho nhà máy như đã từng diễn ra với NMLD Dung Quất cách đây 5 năm, hiện Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã xây dựng xong kế hoạch tổng thể về tuyển dụng và đào tạo phục vụ giai đoạn vận hành với quy mô hơn 1.000 lao động, trong đó 85% là người Việt Nam.

Các quan chức của PVN cũng cho hay, mục tiêu lớn nhất trong năm 2010 của NMLD số 2 này là đấu thầu thành công gói thầu chính của nhà máy theo hình thức EPC với kế hoạch trao thầu vào quý III/2010 để dự án đi vào vận hành cuối năm 2013.

Với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp 2,4 triệu tấn xăng, 3,8 triệu tấn dầu diesel, 400.000 tấn nhựa polypropylene, 600.000 tấn nhiên liệu Jet A1 và gần 1 triệu tấn sản phẩm hóa dầu khác.

Nhưng hai NMLD vẫn là chưa đủ với nhu cầu xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu cho nền kinh tế, bởi vậy, Dự án NMLD số 3 đặt tại Long Sơn hiện cũng đang được PVN xúc tiến đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác liên quan, với mục tiêu trong năm 2010 ký được hợp đồng liên doanh. Với vị trí từng thu hút được mối quan tâm nhiều nhất của các nhà đầu tư hơn 10 năm về trước, NMLD Long Sơn cũng được kỳ vọng sẽ cán đích sớm, góp phần không nhỏ trong sự vững mạnh của công nghiệp hóa dầu tại Việt Nam.

Dự báo đến năm 2020, nhu cầu xăng dầu của Việt Nam sẽ khoảng 34 - 35 triệu tấn. Chính bởi vậy, việc sản xuất được xăng dầu ngay trong nước sẽ không chỉ tiết kiệm được ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu, mà còn tạo ra một ngành công nghiệp mới hoàn toàn cho nền kinh tế và dầu cũng không còn... thô nữa.

(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)

  • Vì sao Việt Nam vẫn phải mua điện từ Trung Quốc?
  • Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn'
  • Giá điện sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7?
  • Tổng giám đốc Petrolimex nói gì về “minh bạch xăng dầu”?
  • Sếp Petro Vietnam “chẳng tin” dự án lọc dầu 27 tỷ USD
  • Nhập khẩu than: Khó khả thi ?
  • Tăng giá bán than chiếm 22% trong cơ cấu tăng giá điện
  • Ngành điện Thủ đô ra quân đầu năm Củng cố lưới điện trên 23 tuyến đường dây trọng điểm
  • Thiếu vốn cho năng lượng tái tạo
  • Năm 2014, vận hành đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2
  • Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất - Cần kiện toàn hệ thống quản lý năng lượng
  • Hiệp hội năng lượng 'cố đấm' đòi tăng thêm giá điện
  • Dầu khí tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container