Hôm qua, thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta phải chọn công nghệ hiện đại nhất, có phương án sẵn sàng ứng phó với sự cố.
![]() |
Chủ động trước sự cố
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng và báo cáo Quốc hội những giải pháp cụ thể phòng ngừa và xử lý khủng hoảng trong trường hợp xảy ra sự cố đáng tiếc.
“Không ai mong muốn sự cố xảy ra cả, chính vì thế mà phải chuẩn bị trước những phương án hữu hiệu để quản lý nó” - Ông Dũng nói.
Đại biểu Lương Phan Cừ (Đăk Nông) cho rằng, để đề phòng sự cố thì công nghệ và con người là hai yếu tố quan trọng nhất. Chúng ta đi sau nên phải chọn những công nghệ hiện đại nhất, an toàn nhất.
Nguyên nhân của các sự cố nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đều do con người, do vậy, công tác đào tạo cán bộ đảm đương việc vận hành nhà máy là tối quan trọng.
Một số đại biểu cũng cho rằng, do chưa hiểu hết công nghệ nên chúng ta phải tìm hiểu kỹ, công nghệ phải đồng bộ, không thể vừa công nghệ thế hệ thứ hai, vừa công nghệ thế hệ thứ ba. Trong khi trên thế giới, lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy điện đã đến thế hệ thứ tư.
Việt Nam đã hội đủ điều kiện?
![]() |
Mô hình một cơ sở điện hạt nhân |
Đại biểu Hoàng Ngọc Thái (Ninh Thuận) đưa ra 10 đề xuất với Chính phủ nếu xây nhà máy điện hạt nhân tại địa phương.
Ông Thái cho rằng, điều quan trọng là người dân phải được hỗ trợ thích đáng khi nhường đất xây dựng nhà máy, được tham gia giám sát hoạt động đảm bảo an toàn nhà máy. “Lo lắng đầu tiên của người dân là công ăn việc làm sau tái định cư” - Ông Thái nói.
Người dân hai xã dự kiến đặt nhà máy chủ yếu đang làm nghề thủy sản. Theo khảo sát bước đầu, hai xã có 2.600 dân, công tác di dân sẽ tốn khoảng 700 tỷ đồng, như vậy mỗi người chưa được 300 triệu đồng. Liệu số tiền này có đủ để người dân lo nhà cửa, chuyển đổi nghề?
Ông Thái cho rằng, các nước có nhà máy điện hạt nhân hầu hết phải hội đủ các điều kiện: là quốc gia phát triển, an sinh xã hội tốt, dân trí cao. Việt Nam liệu đã hội đủ các yếu tố này chưa?”.
Do vậy, cần thành lập hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia, gồm các chuyên gia hàng đầu để cố vấn cho Chính phủ. Chủ đầu tư phải có cam kết rõ ràng, cụ thể, công khai minh bạch về cơ chế chính sách ưu đãi dài hạn với địa phương và người dân. Việc xây dựng nhà máy phải không phá vỡ cảnh quan môi trường...
Ninh Thuận cũng kiến nghị Chính phủ cho đầu tư xây tuyến đường ven biển dài 105 km với tổng vốn khoảng 5.300 tỷ đồng, đây cũng là tuyến đường phục vụ nhà máy sau này.
Theo tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được xây dựng ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Tổng mức đầu tư sơ bộ được dự kiến theo ba phương án tùy theo công nghệ lựa chọn, từ 10 đến 12 tỷ USD. Chính phủ đề xuất lựa chọn công nghệ lò nước nhẹ, có thể lựa chọn thế hệ thứ hai trở lên theo nguyên tắc công nghệ hiện đại, an toàn và có hiệu quả kinh tế.
Dự kiến, đến năm 2022 dự án này có công suất 4.000MW, đến năm 2025 sẽ phát triển thêm để có công suất 8.000MW.
Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội kiến nghị Chính phủ cần làm rõ hơn những tác động khách quan của thiên nhiên có ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà máy, phân tích kỹ hơn cơ sở của việc đề xuất lựa chọn công nghệ, các giải pháp bảo vệ môi trường, phương án phòng chống sự cố, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực...
GS Phạm Duy Hiển: 30 năm nữa, vẫn phụ thuộc nguồn nhiên liệu nước ngoài Hiện nay chỉ có vài nước đảm bảo được nguồn nhiên liệu hạt nhân để cung cấp cho toàn thế giới như Mỹ, Nga, Pháp. Việt Nam khó có triển vọng tự chủ được về nguyên liệu trong vòng ba thập kỷ tới. Mà nếu phải phụ thuộc thì rất gay go vì giả sử có chuyện gì xảy ra giữa hai nước, nguồn nhiên liệu bị ách lại, điều gì sẽ xảy ra? Ngoài ra, việc xử lý thanh nhiên liệu đã cháy cũng là vấn đề chưa thể giải quyết triệt để. Thanh này khi dùng xong được vớt ra, ngâm vào bể nước để làm rã phóng xạ trong vòng 30 năm. Nhưng việc mang thanh nguyên liệu này đi xử lý cũng rất phức tạp. Mang đi như thế nào? Ai mang? Liều phóng xạ thấp đến đâu cũng có hại. Theo nghiên cứu của thế giới, cứ một triệu nhân viên vận hành lò phản ứng hạt nhân thì sẽ có 600 người chết mỗi năm vì phóng xạ. Tất nhiên họ vận hành trong điều kiện an toàn, nhưng tác hại của phóng xạ là như vậy. Việt Nam đã xem xét vấn đề này như thế nào? GS Chu Hảo: Chưa có cách xử lý triệt để phế liệu hạt nhân Việc xử lý các thanh nhiên liệu đã dùng cần phải xem xét thận trọng. Hiện chỉ có cách bọc càng nhiều lớp bê tông bên ngoài càng tốt, rồi đem chôn. Nhưng không ai đảm bảo sau hàng chục, hàng trăm năm nữa, thế hệ con cháu chúng ta có phải chịu hậu quả hay không. Ngoài ra, tuổi thọ của một nhà máy điện hạt nhân khoảng 60 năm. Sau thời gian đó, việc tiến hành tháo dỡ nhà máy cũng mất một khoản chi phí khổng lồ. Đó cũng là một công việc đầy rủi ro, phức tạp. |
(Theo Mỹ Hằng // Tienphong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com