Giá than bán cho điện kể từ ngày 1/3 của than cám 4b là 648.000 đồng/tấn; than cám 5 là 520.000 đồng/tấn, than cám 6a là 450.000 đồng/tấn và than cám 6b là 395.000 đồng/tấn. Theo ông Hải, giá thành của than năm 2008 được kiểm toán là 696.213 đồng/tấn, năm 2009 (chưa được kiểm toán) là 722.456 đồng/tấn, còn năm 2010 kế hoạch là 803.300 đồng/tấn, vì thế, giá than mới cho điện vẫn chưa cân bằng với giá thành sản xuất.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư về việc “giá than cho điện năm 2009 đã tăng 27% so với năm 2008 và năm nay lại tiếp tục tăng thêm ít nhất là 28% so với năm 2009 như công bố mới đây, nhưng ngành than vẫn cho rằng chưa đủ và cần phải tăng thêm. Đó có thể coi là động thái gây thêm khó khăn cho nền kinh tế hay không?”. Ông Hải cho hay, nhìn vào số tương đối thì rất lớn, nhưng thực tế thì không phải vậy, bởi xuất phát điểm của giá than trước khi tăng là thấp.
Không những vậy, số tiền có thể thu thêm của TKV từ việc tăng giá than cho điện cũng được TKV cho là đang có nguy cơ bị “qua mặt” bởi chi phí cho sản xuất của các đơn vị khai thác than cũng bị gia tăng đáng kể do giá xăng dầu cũng đã tăng.
“Nếu giá xăng dầu vẫn cao như hiện nay, TKV phải chi thêm khoảng 5.000 tỷ đồng nữa cho chi phí này, nên phần thu được từ tăng giá than cho điện vẫn chưa đủ để bù đắp. Hiện tại, chi phí nhiên liệu chiếm 15% trong giá thành than, nên việc tăng giá xăng dầu như vừa qua ảnh hưởng lớn đến chi phí của ngành than”, ông Hải nói.
Trong khi đó, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hàng năm của giai đoạn 2010-2015 của TKV vào khoảng 10-15.000 tỷ đồng cho riêng sản xuất than, tức là phía TKV phải có khoảng 3.000 tỷ đồng vốn đối ứng (tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế) nên việc tăng giá than vẫn được TKV “nhăm nhe” đề nghị tiếp tục ngay trong năm 2010 này. Tuy nhiên, theo khẳng định mới đây của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2010, thì giá điện năm 2010 chỉ tăng một lần nên điều chỉnh giá than liên quan cũng khó có cơ hội thực hiện ngay trong năm 2010.
Bất chấp những thông tin có vẻ như “bất lợi” cho mặt bằng giá mới, nhưng nhờ có xuất khẩu than bù lại, nên cổ tức của các doanh nghiệp ngành than đã cổ phần hóa và niêm yết cũng đều ở mức ít nhất là 15-16%, một con số không nhỏ, nếu so với tỷ suất lợi nhuận của ngành điện. Theo Bộ Công thương, với mức tăng giá 6,8%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ – Tập đoàn Điện lực, năm 2010 chỉ đạt chưa đến 3%, còn của các đơn vị khác hoạt động trong khâu truyền tải và phân phối chỉ đạt khoảng 8%, thấp hơn so với các doanh nghiệp nhà nước khác như than và dầu khí.
Năm ngoái, TKV xuất khẩu được khoảng 23 triệu tấn than, nhưng con số này được dự báo có thể chỉ ở mức 18 triệu tấn trong năm 2010. Nguyên do các dự án điện sử dụng than trong năm được kỳ vọng huy động trong năm 2009 đã không kịp tiến độ, nên than khai thác được phục vụ cho phát điện có sự dư thừa, khiến lượng than xuất khẩu gia tăng so với kế hoạch trong năm 2009, dù các lãnh đạo TKV cho rằng, năm nay, các dự án bị chậm sẽ vận hành, nên không có than thừa để gia tăng xuất khẩu như năm 2009.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com