
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
IV. Bí quyết thành công của nền nông nghiệp Hà Lan
1. Biết phát huy lợi thế so sánh của đất nước, biết khai thác nguồn lực về tài nguyên thế giới, xây dựng và kịp thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất hướng tới tối ưu hoá, đảm bảo ngành nông nghiệp đạt hiệu quả cao.
Tài nguyên thiên nhiên về nông nghiệp của Hà Lan thiếu hụt. Đất ít lại trũng, thường xuyên bị uy hiếp của ngập lụt, nhưng Hà Lan đã tìm tòi, tự khẳng định những lợi thế so sánh của chính mình để phát triển nền nông nghiệp theo chiến lược của một nền nông nghiệp hướng ra xuất khẩu, dựa vào những ý tưởng sau đây:
+ Nâng cao sức cạnh tranh quốc tế:
Hà Lan thông qua chính sách lớn" nhập lớn, xuất lớn " để phát huy lợi thế so sánh tự thân, tăng sức canh tranh quốc tế.
Trên thị trường thế giới, Hà Lan có nhiều mặt hàng nông sản và hàng thực phẩm có sức cạnh tranh cao. Chẳng hạn, ngoài mặt hàng hoa cắt tươi và củ hoa nổi tiếng thế giới, còn xuất khẩu nhiều chồi giâm và hạt giống hoa, năm 2002 kim ngạch xuất khẩu chồi giâm và hạt hoa đã đạt 122 triệu USD, tăng 43% so với năm trước đó. Xuất khẩu các mặt hàng khoai tây, cà chua, trứng gà, pho mát, bia, đứng hàng đầu thế giới.
Những thành tựu nông nghiệp của Hà Lan được thế giới hâm mộ, có liên quan đến cơ cấu sản xuất nông nghiệp Hà Lan. Nếu không tính đồ uống, thuốc lá, thuỷ sản thì hàng nông sản xuất khẩu quan trọng nhất của Hà Lan gồm 3 lĩnh vực: sản phẩm hoa- rau-cây cảnh; thịt; sữa và trứng.
Ngược lại, những ngành sản xuất dựa vào quỹ đất lớn, Hà Lan tự coi là thế yếu, thì không phát triển mà dựa vào nhập khẩu như hạt cốc, hạt có dầu...
Trên thị trường thế giới, các mặt hàng nông sản của Hà Lan có sức cạnh tranh cao dựa vào những giải pháp chủ yếu sau đây:
- Dựa vào vốn và kỹ thuật cao, trong đó nổi bật nhất là hoa và cây cảnh là những ngành sản xuất đòi hỏi nhiều vốn và kỹ thuật, đồng thời phải có một hệ thống dịch vụ cao cấp mới có thể vận chuyển những mặt hàng này ra nước ngoài. Một thí dụ khác là về khoai tây, vốn là một loại "thực phẩm bình dân" của thế giới, giá cả bình thường, nhưng do Hà Lan tạo được giống khoai tây có kích cỡ đều đặn, vỏ nhẵn bóng được coi là " lương thực thứ hai " được thế giới ưa chuộng, từ đó có thị trường xuất khẩu ổn định, nhất là cung cấp cho nhu cầu chế biến thức ăn nhanh.
- Đổi mới phương thức sản xuất, để tăng sức cạnh tranh. Hà Lan dùng vốn và công nghệ cao để thay thế có hiệu quả nguồn quỹ đất hiếm hoi, sử dụng nhà kính để sản xuất cà chua, dưa, ớt quanh năm, tiết kiệm đất, tăng hiệu suất đất. Phương thức sản xuất gà đẻ trứng, lợn thịt cũng được cải tiến để bảo vệ môi trường, đảm bảo yêu cầu sức khoẻ động vật và và chất lượng quốc tế, có hiệu quả cao.
- Tăng giá trị gia tăng nhờ vào chế biến sâu.
Trải qua mấy trăm năm cải tiến các công nghệ truyền thống về chế biến pho mát, bơ, sữa tạo được uy tín quốc tế. Công nghệ chế biến ca cao, ca phê từ thời kỳ thực dân vẫn còn phát huy tác dụng trong công nghiệp chế biến hiện nay. Nhiều loại nguyên liệu không sản xuất được hoặc thiếu thì dựa vào nhập khẩu, thông qua chế biến sâu, đã vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới với giá trị gia tăng rất lớn.
+ Sản xuất để xuất khẩu
Tổ hợp công-nông-thương nghiệp là một trụ cột lớn của tổng thể nền kinh tế Hà Lan, cộng với truyền thống buôn bán lâu đời đã làm cho độ phụ thuộc vào xuất khẩu của nông nghiệp Hà Lan rất cao.
Mức độ tuỳ thuộc xuất khẩu của một một số hàng nông sản Hà Lan ( 1997-1999)
![]() |
Nguồn tài liệu: FAO, LEI
Nền nông nghiệp Hà Lan là một nền nông nghiệp tạo ra ngoại tệ.
Lợi thế so sánh là 1 biến số, nhất là nông nghiệp là ngành chịu nhiều rủi ro nhất trước những biến động về thị trường, thiên tai, dịch bệnh.v.v..Nền nông nghiệp phụ thuộc quá cao vào xuất khẩu, dễ gặp rủi ro, chịu tác động lớn của sự biến động thị trường quốc tế, bởi vậy, Chính phủ, doanh nghiệp, Hiệp hội sản xuất phải bắt mạch được nền kinh tế thế giới, cập nhật thông tin, kịp thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất.
Ở Hà Lan, xuất phát từ lợi ích so sánh, có loại sản phẩm có hệ số tự túc rất thấp ( như lương thực chỉ 25% ), ngược lại có loại rất dư thừa ( thịt lơn 283%, thịt bò 160%, gà 221%, trứng gà 253%, pho mát 224%, bơ 153%, rau 256%, khoai tây 145%, đường 194% ), phải xuất khẩu lớn. Chỉ cần có tín hiệu về lợi nhuận, sản xuất sẽ được gia tăng.
Nhu cầu tiêu dùng quốc tế phức tạp hơn nhiều so với thị trường trong một nước. Thị hiếu người tiêu dùng thế giới yêu cầu đa dạng hoá, mặt hàng luôn được đổi mới, tiện ích gia tăng, do đó phải không ngừng đổi mới công nghệ.
Hà Lan có chủ trương khai thác nguyên liệu quốc tế, sử dụng tài nguyên thế giới để bổ xung tài nguyên hiếm hoi của mình để phát triển sản xuất hàng hoá có hiệu quả kinh tế cao. Với chủ trương đó, việc nhập khẩu nông sản và nguyên liệu của Hà Lan có ý đồ rõ ràng về khai thác tài nguyên quốc tế, mà xuất khẩu cũng có mục tiêu kinh tế-xã hội rõ ràng: tạo thêm việc làm, tăng thu nhập quốc dân.
Mặt hàng nhập khẩu có đặc trưng là:
- Sản phẩm thuộc dạng " dựa vào quỹ đất lớn " như hạt cốc, đậu, hạt có dầu, nhất là thức ăn chăn nuôi. Mức nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong 19 năm ( 1980-1989)tốn 6,84 tỉ USD, đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển mạnh, mức sản xuất tính theo đầu người trong thời kỳ 1997-1999 về thịt đạt 538kg/năm, , về sữa đạt 705 kg/năm, pho mát đạt 124kg/năm, trứng gà 118 kg/năm, tạo ra giá trị xuất khẩu lớn.
- Là những sản phẩm trong nước không tự sản xuất được như ca cao, cà phê, chè, quả nhiệt đới, thuốc lá, hoa bia, sắn được gọi là " kinh tế tài nguyên số không ". Những sản phẩm này được nhập khẩu và thông qua chế biến thành hàng hoá xuất khẩu lớn. Chẳng hạn, hàng năm nhập 1 triệu tấn đại mạch, 20 vạn tấn mạch nha, toàn bộ hoa bia, để xuất khẩu hàng năm (1997-1999) 92,3 vạn tấn rượu bia với kim ngạch 900 triệu USD, chiếm 19% thị phần thế giới. Địa bàn tập kết ca cao lớn nhất thế giới hiện nay không phải ở Châu Phi mà là ở Hà Lan, trong đó hạt ca cao có lượng giao dịch chiếm 1/5 thị phần, sản phẩm ca cao chiếm 37% thị phần, đứng đầu thế giới, sản phẩm sôcôla đứng thứ 2 thế giới. Nghề chế biến nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu tạo ra giá trị gia tăng lớn, là một thế mạnh của nền kinh tế nông nghiệp Hà Lan.
- Là những mặt hàng có thể tự sản xuất nhiều, nhưng không đảm bảo nhu cầu nguyên liệu chế biến như sữa bò, thịt...Trong thời gian 1997-1999, hàng năm lượng sữa nhập khẩu 663000 tấn (trong nước sản xuất 1.128.700 tấn) đảm bảo nguyên liệu chế biến sữa. Trong thời gian này, giá sữa nhập khẩu 329 USD/tấn, chế biến xuất khẩu đạt 786 USD/tấn, thu lời khá lớn. Ngành sản xuất pho- mát cũng vậy, hàng năm xuất khẩu 1 tỷ USD, các sản phẩm sữa xuất khẩu cũng chiếm tới 20% thị phần thế giới. Tính chung lại, từ 1980-1990, lượng sữa nhập khẩu 200 triệu USD, nhưng kim ngạch xuất siêu về pho mát từ 700 triệu USD tăng lên 1,7 tỉ USD vào năm 1995.
Nhờ nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, hàng năm tạo ra được 11,35 vạn việc làm về công nghiệp thực phẩm, đồ uống...,chưa kể các ngành dịch vụ phù trợ có liên quan khác.
2. Phát triển kết cấu hạ tầng và áp dụng thành tựu cao và mới về khoa học-công nghệ.
Kết cấu hạ tầng là cơ sở vật chất của kỳ tích nông nghiệp Hà Lan, đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững.
- Công trình thuỷ lợi
"Thượng đế tạo ra trái đất", nhưng mảnh đất Hà Lan đã hứng chịu những uy hiếp của thiên tai khắc nghiệt. Mỗi thế kỷ, Hà Lan đều chịu đựng 1 đến 2 lần tập kích cực lớn triều cường. Các dòng sông cũng thường gây ngập úng. Từ thế kỷ thứ 4, vùng này đã có đê nhân tạo. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 10, đã xây dựng đê bao để lập điền. Ban đầu là các biện pháp tiêu úng nội đồng, vào khoảng năm 1400, bắt đầu sử dụng cối xay gió để tiêu nước. Cũng vào thời kỳ đó, đại dương đã nuốt chửng lục địa Hà Lan. Biển Zuidergee là hậu quả của nước biển dâng làm ngập vùng đất trũng tạo nên. Năm 1287, Bắc Hải phá huỷ vùng đất ven bờ, làm ngập vùng đất trũng, từ đó Bắc Hải tạo ra 1 vịnh biển cắm sâu vào đất liền, diện tích 338.800 ha. ở miền Nam, biển cũng xâm nhập trên diện rộng. Trong mấy thế kỷ liền, diện tích đất bị biển lấn còn lớn hơn diện tích đất khai khẩn từ biển. Năm 1916, Bắc Hải đã chịu đã chịu tác động của cơn cuồng phong, nhấn chìm giải đất phía Bắc Amsterdam. Sau đó, Hà Lan đã ban hành luật xây dựng đập lớn ngăn biển và các
cửa tiêu nước. Công trình này do công trình sư Comelis Lely thiết kế. Năm 1932 hợp long, đê rộng 90m, cao 12m, dài 32,5 km. Sau khi đập này làm xong, nước được tiêu ra biển, được nước sông Ijsselmeer bồi đắp, tạo thành hồ nước ngọt, diện tích 120.000 ha gọi là hồ Ijsslmer, tiếp đó cải tạo được 4 vùng đất trũng, diện tích 165.000 ha.Vào thế kỷ 20, trận lũ đại hồng thuỷ tàn khốc nhất đã xảy ra vào ngày 1/2/1953, nước biển đã nhấn chìm 200.000 ha đất, làm 1835 người thiệt mạng, sau đó Hà Lan đã ban hành luật xây dựng " công trình tam giác châu ".
Năm 1995, Chính phủ Hà Lan quyết định xây dựng công trình chỉnh trị dòng sông, hoàn thành vào năm 2015, vốn đầu tư 500 triệu Eurô. Để phòng chóng thiên tai khắc nghiệt, Chính phủ đã quy định những tiêu chuẩn an toàn của các công trình thuỷ lợi ở mức hiếm có trên thế giới. Tiêu chuẩn an toàn đập ngăn mặn có tần xuất " 1 vạn năm 1 lần ", tiêu chuẩn an toàn các để sông có tần xuất " 1250 năm 1 lần ". Đến năm 1997, đã hoàn thành 15 công trình phòng chống lũ tốn 9 tỉ USD. Năm 1996, Quốc hội đã ban hành luật về nước, trong đó đã quy định các cấp chính quyền cứ năm 5 một lần phải tổ chức một lần khảo nghiệm kỹ thuật với đê lớn.
Nhà nước coi trọng nhiệm vụ cải tạo đất, hàng năm đầu tư 140 triệu Eurô, bình quân 4000 Eurô/ha năm. Nhà nước còn tài trợ chỉnh lý đất đai, biến các thửa ruộng nhỏ liên kết thành thửa lớn liền nhau, xây dựng hệ thống kênh rạch, đảm bảo yêu cầu cơ giới hoá.
Động mạch lớn của nền kinh tế là mạng lưới giao thông hiện đại được hoàn chỉnh. Hà Lan có 2800 km đường sắt, 110.000 km đường bộ, trong đó có 2400 km đường cao tốc. Đường hàng không đứng thứ 9 thế giới, với 80 hãng hàng không có 230 tuyến bay đến khắp các nước.
Quỹ đất ít, "tấc đất, tấc vàng", Hà Lan đã áp dụng công nghệ "dùng vốn thay đất". Để tạo ra hiệu suất cao của đất, ở Hà Lan, đã hình thành hệ thống nhà kính với công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới. Nhà kính đã tiết kiệm đất ( thậm chí có nơi không dùng đất ), lại có thể khống chế hoàn toàn điều kiện tự nhiên. Trong nhà kính đã lắp đặt các thiết bị hiện đại, tự động hoá, thông qua máy tính và hệ thống máy móc khác để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, chiếu sáng, nước, thức ăn trong nhà kính, tạo ra một môi trường ưu việt, loại trừ hoàn toàn các yếu tố bất lợi của điều kiện tự nhiên (Hà Lan vốn là một nước không sản xuất được phong lan, nhưng nhờ nhà kính khắc phục được những trở ngại đến sự sinh trưởng phát triển của hoa lan nhiệt đới, á nhiệt đới, nên những năm gần đây Hà Lan đã sản xuất được 200 triệu hoa lan, đứng thứ 9 thế giới ).
Tốc độ phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp Hà Lan được xếp vào những nước hàng đầu thế giới, đặc biệt là thành tựu tạo giống và nhà kính, với phương thức đầu tư tập trung vốn và chất xám, theo hướng đầu tư cao, thu nhập cao, hiệu suất cao.
Với quỹ đất ít, Hà Lan áp dụng công nghệ "tăng diện tích đất", tập trung áp dụng các biện pháp thâm canh cao, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích, tạo ra năng suất cao gấp nhiều lần năng suất bình quân thế giới.
Năng suất một số cây trồng ( 1995 )
![]() |
Nguồn tài liệu: FAO
Hiệu quả kinh tế cao về sử dụng đất, tạo ra giá trị gia tăng đứng đầu EU. Đất đai không thích hợp trồng trọt chuyển sang trồng hoa, rau, chăn nuôi lợn, gia cầm. Từ đó làm cho kim ngạch xuất siêu của Hà Lan từ 4910 USD/ha vào năm 1985, nâng lên 13.110 USD vào năm 1990 ( cùng thời gian đó, Pháp từ 126 USD tăng lên là 366 USD, Mỹ từ 18 USD tăng lên 42 USD). Hà Lan cũng áp dụng công nghệ tăng năng suất chăn nuôi. Hà Lan có giống bò sữa HF nổi tiếng thế giới, nhưng vẫn xây dựng các trung tâm tin học ở Mỹ, Pháp để thu thập thông tin, hội tụ các nguồn gen tốt nhất thế giới, nâng cao tiến bộ di truyền của của bò Hà Lan.
Khoa học công nghệ phục vụ yêu cầu chuyên môn hoá, công nghiệp hoá trong sản xuất, nâng cao hiệu quả. Công nghệ nhà kính thường xuyên được đổi mới, cứ 6-7 năm, lại có một thế hệ thiết bị mới.
Hà Lan không những coi trọng " công nghệ cứng ", mà còn quan tâm "công nghệ mềm" về quản lý và tổ chức, nhằm nâng cao hiệu quả của công nghệ cứng, đặc biệt là công nghệ tin học được áp dụng rộng rãi trong sản xuất chăn nuôi, hoa. Nhờ thành tựu công nghệ mới, trong thời gian 1975- 1988, giá trị sản xuất cây lương thực-thực phẩm tăng 23%, cây hoa-rau-cây cảnh tăng 162%, trong đó hoa tăng 2,3 lần, nấm tăng 2,5 lần. Trong thời gian 1975-1994, trong tổng giá trị nông nghiệp, giá trị ngành chăn nuôi từ 67% giảm còn 54,7% còn lương thực- thực phẩm từ 12% giảm còn 7,5%, nhưng cây rau-hoa-cây cảnh từ 21% tăng lên 37,8%. Cơ cấu nông nghiệp được điều chỉnh kịp thời, hiệu quả tăng lên ( trừ kinh tế lâm nghiệp có vị trí không đáng kể, mặc dầu tên nước Hà Lan ( Holland ) với nguyên nghĩa là đất của rừng ). Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo ra tăng trưởng lớn, được gọi là hiệu ứng "tăng trưởng chuyển dịch" .
3. Sức sống mãnh liệt của trang trại nông nghiệp gắn với các tổ chức mạnh của nông dân, được vận hành trong một cơ chế thông thoáng, hiệu quả.
3.1. Sức sống của kinh tế trang trại
Sức sống của kinh tế trang trại nông nghiệp Hà Lan bắt nguồn từ những đặc trưng độc đáo sau đây:
+ Phần lớn kinh tế trang trại của nông dân là trang trại gia đình:
Chế độ kinh tế của Hà Lan quyết định tính chất doanh nghiệp nông nghiệp Hà Lan. Cơ sở của nền nông nghiệp Hà Lan là các trang trại gia đình ( family farms ) theo chế độ tư hữu. Tỉ lệ sở hữu đất tự có tương đối lớn, còn các trang trại dựa vào thuê đất để sản xuất kinh doanh chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Nhưng do quỹ đất nhỏ bé bình quân đất theo đầu người ít,việc mở rộng quy mô trang trại không dễ, biện pháp khả thi vẫn phải nhờ một phần vào đất thuê.
Sở hữu của trang trại và sự biến động (%)
![]() |
Nguồn tài liệu: Viện nghiên cứu kinh tế nông nghiệp Hà Lan ( LEI ), Cục thống kê (CBS)
Hà Lan là nước có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đảm bảo các chủ trang trại có toàn quyền quyết định hoạt động sản xuất và quyền định đoạt tài nguyên của mình, khuyến khích chủ trang trại hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận tối đa. Các chủ trang trại phải nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên có hạn, không ngừng đổi mới, thích ứng kịp tình hình biến động cơ cấu, công nghệ, hạn chế rủi ro về thiên nhiên và thị trường, nếu không, sẽ bị phá sản.
Tính ưu việt của lao động gia đình trong trang trại là giảm được "giá thành giám sát". Nhiều ngành sản xuất nông nghiệp làm ăn lúc vất vả, lúc nhàn rỗi, có tính thời vụ nghiêm ngặt, nếu thuê lao động sẽ gặp trở ngại lớn là sử dụng lao động không đầy đủ và rất khó giám sát. Có nhiều nhà kinh tế còn cho rằng sản xuất nông nghiệp không thích hợp sử dụng lao động làm thuê. Các nước Châu Âu đều có cách làm giống nhau là lao động sử dụng trong trang trại chủ yếu là thành viên trong gia đình, tỉ lệ lao động làm thuê rất ít. Theo G.H.Schmitt thì trong EU, tỉ lệ lao động làm thuê năm 1985 chỉ 7,4%, trừ Anh 50,3%, ở Đan Mạch, Pháp 19%, còn phần lớn các nước đều dưới 9%.
Ở Hà Lan, tỉ lệ lao động gia đình/lao động thuê là 1/0,44. Tuy nhiên, tuỳ loại việc, tỉ lệ này có khác nhau. Chẳng hạn, sản xuất trong nhà kính, công việc được phân công rõ, "giá thành giám sát" thấp, tỉ lệ người làm thuê có thể cao hơn.
Các nước phát triển đều trải qua quá trình biến đổi cơ cấu kinh tế nông thôn. Thoạt đầu là kinh tế tiểu nông, sản xuất tự cấp, tự túc, hiệu suất rất thấp. Do phân công xã hội ngày càng rõ, hiệu suất lao động ngày càng tăng, công nghệ ngày càng tiến bộ, đô thị ngày càng phát triển, giao thông đi lại ngày càng thuận tiện, kinh tế hàng hoá phát triển, vốn được tích luỹ, kinh tế hộ tiểu nông chuyển dần sang hộ sản xuất hàng hoá nhỏ, tiếp đó chuyển sang hộ sản xuất hàng hoá chuyên môn hoá, rồi dần dần chuyển thành trang trại lớn hiện đại, sản xuất vì lợi nhuận, tạo nên dạng kinh tế tổ hợp " nông-công-thương " (agribusiness hoặc agri complex). Nền tảng của sức cạnh tranh quốc tế của nông nghiệp Hà Lan là những tổ hợp nông-công-thương, trong đó tế bào cấu thành những tổ hợp này chính là những trang trại gia đình tràn đầy sức sống.
+ Các trang trại được tích tụ ruộng đất để có quy mô đủ lớn, gắn liền với quá trình tạo việc làm phi nông nghiệp, đủ sức thu hút nông dân "ly nông", giảm thiểu nhanh số lượng nông dân và giải thể các trang trại nhỏ, làm ăn kém hiệu quả.
Quy mô trang trại ở Hà Lan ngày càng mở rộng, đó là hệ quả tất yếu của việc giảm số lượng trang trại, đó cũng là một nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động nông nghiệp ở Hà Lan.
So sánh quy mô trang trại ở Hà Lan và các nước EU
![]() |
Nguồn tài liệu: Cục thống kê EU ( Eurostat
Sự biến đổi số trang trại khoai tây
![]() |
Nguồn tài liệu: Viện nghiên cứu kinh tế nông nghiệp Hà Lan ( LEI )
Sự biến đổi số trang trại bò sữa
![]() |
Nguồn tài liệu: Viện nghiên cứu kinh tế nông nghiệp Hà Lan ( LEI )
Quy mô trang trại dựa 2 tiêu chí: một là diện tích đất hoặc đầu con gia súc, hai là cách tính EU ( gọi là ESU: đơn vị quy mô Châu Âu ) dùng lợi nhuận để tính.
Số lượng trang trại chăn nuôi, trong đó có bò sữa ngày càng giảm, những trang trại chăn nuôi lớn từ 50-100 con trở lên ngày càng tăng. Với trang trại lớn, để không phải thuê nhân công thì dùng máy vắt sữa, sử dụng người máy để thay thế lao động thủ công. Trang trại khoai tây trên 100 ha cũng tăng nhanh.
Việc mở rộng quy mô trang trại dựa vào 2 chính sách của nhà nước.
Một là chính sách mua và thuê đất. ở Hà Lan có 2 loại hình sở hữu đất, đất tư hữu được mua bán, đất công hữu do nhà nước đầu tư quai đê lấn biển thì cho thuê thời gian dài. Hai là chính sách khuyến khích trang trại làm ăn kém được giải thể. Trong quá trình cạnh tranh, trang trại làm ăn kém sẽ giải thể, rời bỏ nông nghiệp chuyển cho trang trại làm ăn giỏi mở rộng quy mô, xã hội sẽ tạo điều kiện cho người lao động từ những trang trại giải thể tìm được chỗ làm việc mới.
Sự phát triển của nền kinh tế Hà Lan thúc đẩy chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp đã làm cho số lượng trang trại bớt dần. Năm 1950, cả nước Hà Lan có 400.000 trang trại, đến năm 1980 còn 145000, năm 1990 còn 125000, năm 2000 chỉ còn khoảng 100.000, số lao động nông nghiệp từ 1959 đến 1980, giảm được một nửa, từ đó đã giảm thiểu nhanh số lượng nông dân và tạo nên một tình thế mới là lực lượng nông dân làm nông nghiệp không hiệu quả đều rời khỏi nông nghiệp, còn sản xuất nông nghiệp dựa hẳn vào lực lượng nông dân làm ăn giỏi, đam mê với nghề nông, ham muốn lập nghiệp, làm giàu từ nghề nông.
+ Sản xuất kinh doanh của trang trại có trình độ chuyên môn hoá cao.
Chuyên môn hoá cao độ là đặc trưng nổi bật của trang trại gia đình ở Hà Lan. Mở rộng quy mô trang trại dù về trồng trọt hay chăn nuôi đều gặp khó khăn trăm bề, phải tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà theo kinh nghiệm của Hà Lan, phải dựa vào chuyên môn hoá.
Từ thế kỷ 19, ở Hà Lan đã có trang trại chuyên môn hoá. Số trang trại kinh doanh đa ngành nghề ( kinh doanh hỗn hợp ) ngày càng giảm, năm 1980 là 12,7%, năm 2001 chiếm 9,5%, từ 9600 trang trại sau 10 năm, giảm xuống còn 6000 trang trại. Năm 2001, trang trại chuyên môn hoá chiếm tỉ trọng trên 90%, là hiện tượng hiếm thấy trên thế giới.
Tỉ lệ trang trại chuyên môn hoá cao, là một nguyên nhân cực kỳ quan trọng đảm bảo hiệu suất sản xuất và năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Hà Lan hơn hẳn nhiều nước khác trên thế giới.
Thành bại trên thị trường, trước hết là do chất lượng sản phẩm, mà chất lượng sản phẩm lại được quyết định bởi trình độ tri thức, kỹ năng của nhà sản xuất. Muốn vươn tới đỉnh cao của tri thức và kỹ năng yêu cầu một xã hội được phân công hợp lý theo hướng chuyên môn hoá. Không những vậy, chuyên môn hoá còn có lợi cho cơ giới hoá, tin học hoá, giảm giá thành sản phẩm.
Trình độ chuyên môn hoá đã được cơ quan thống kê phân loại ngày càng chi tiết. Chẳng hạn, ngành sản xuất rau-hoa-cây cảnh được chia thành loại sản xuất trong nhà kính, loại sản xuất ngoài trời, sau đó lại chia ra ngành hoa, rau, trồng trong chậu, vườn ươm.v.v. ..Trong ngành hoa, lại chia ra các ngành hoa cắt, chậu củ hoa. Nhiều nhà sản xuất hoa lại chuyên sâu 1-2 loài hoa. Cách làm này giúp họ nâng cao trình độ công nghệ, năng suất và chất lượng, có lợi cho cơ giới hoá thao tác, thuận tiện cho việc quản lý, thu hái, phân cấp, đóng gói, bảo quản được thực thi theo yêu cầu tiêu chuẩn hoá, hạ giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh.
Hiệu quả về chuyên môn hoá còn được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác như việc tăng tỉ lệ lao động toàn nhật trong các trang trại. Trong 4 năm 1992-1996, những trang trại có chế độ làm việc toàn nhật có tỉ trọng từ 80,1% nâng lên 82,3%, trong đó có trang trại trồng rau-hoa-cây cảnh, tỉ trọng này đạt tới 92,8%. Với chế độ làm việc toàn nhật, thu nhập của các thành viên trong gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào kinh doanh của trang trại, từ đó buộc họ phải toàn tâm toàn ý phục vụ trang trại, làm cho bản thân chủ trang trại cũng phải trở thành những người thạo việc, trở thành chuyên gia. Trong nền nông nghiệp thâm canh cao, chỉ khi những người trong trang trại mang hết khả năng của mình làm việc cho trang trại, mới nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, thiết bị, từ đó giảm được giá thành.
Việc chuyên môn hoá cũng tạo ra mặt trái là tăng độ rủi ro thị trường, yêu cầu các trang trại phải cập nhật thông tin, đồng thời cũng cần sự hỗ trợ về tư vấn công nghệ, tài chính, pháp luật, và các dịch vụ khác, ngoài ra còn cần sự hỗ trợ của hợp tác xã , các Hiệp hội và các cấp chính quyền.
Với những đặc trưng trên đây, trang trại nông nghiệp của Hà Lan là một chủ thể sản xuất kinh doanh sản xuất hàng hoá, thực chất là một doanh nghiệp nông nghiệp, hoạt động trong cơ chế thị trường, hội nhập hoàn toàn vào thị trường thế giới, đọ sức với mọi thách thức trong cạnh tranh quốc tế.
3.2. Các tổ chức của nông dân
Trong quá trình phát triển nền nông nghiệp Hà Lan, tổ chức Hợp tác xã và các Hiệp hội ngành nghề của nông dân đã đóng góp vai trò quan trọng.
Trang trại gia đình là đơn vị cơ bản của sản xuất nông nghiệp Hà Lan. Nhưng dù quy mô trang trại lớn đến đâu chăng nữa, trong biển cả của thị trường, trang trại vẫn chỉ là những hạt cát trên bãi biển. Họ phải dựa vào hợp tác xã, để các trang trại nhỏ bé, phân tán liên kết "nhỏ biến thành lớn" cùng nhau hợp tác, nâng cao hiệu suất của toàn hệ thống kinh tế. Với các loại hợp tác xã: mua vật tư, tiêu thụ sản phẩm, tín dụng.v.v...đảm bảo nông dân yên tâm sản xuất, thực thi chuyên môn hoá, áp dụng công nghệ thâm canh, từ đó mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm, giảm rủi ro, nâng cao sức cạnh tranh.
Các loại Hiệp hội ngành nghề và Hiệp hội thương mại, trong đó Hiệp hội ngành hàng là tổ chức ngang của trang trại nhằm liên kết các bộ môn của trang trại, còn Hiệp hội hàng hoá coi như tổ chức ngành dọc, liên kết khâu cung ứng nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm của trang trại.
Các chủ trang trại và người làm thuê có đại biểu của tổ chức mình nằm trong chính quyền, đảm bảo rằng, một khi lợi ích cộng đồng của họ gặp trắc trở, thì lập tức được hiệp thương xử lý. Ngoài ra, các chủ trang trại còn lập ra các tổ chức về kỹ thuật, tin học, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để hỗ trợ lẫn nhau.
Nông dân Hà Lan sử dụng nguồn lực của mình để lập ra Ngân hàng hợp tác, đã có 110 năm lịch sử dịch vụ tiền tệ cho nông nghiệp, hỗ trợ nông dân giải quyết vốn, mở rộng sản xuất, kể cả về tư vấn đầu tư. Hơn 100 năm qua, các Ngân hàng này đã bám rễ sâu vào nông nghiệp và các ngành thực phẩm, trở thành nhà cho vay lớn nhất của tổ hợp nông-công-thương nghiệp Hà Lan, đảm bảo 90% vốn cho các chủ trang trại, 40% vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước và nhiều hoạt động quốc tế. Năm 2001, tập đoàn ngân hàng Rabobank group là một trong 30 ngân hàng lớn nhất thế giới, có tài sản 140 tỉ USD, đứng thứ 2 trong toàn ngành ngân hàng Hà Lan, có 1900 chi nhánh, đã có mạng lưới dịch vụ xuyên suốt nhiều lĩnh vực.
Với cơ chế, chính sách khác nhau, nhất là về trang trại và các tổ chức của nông dân, làm cho nông nghiệp Hà Lan đã vượt nhiều nước giàu có công nghệ tiên tiến, trong đó phải kể tới nước Nhật. C.Van der Meer đã viết cuốn sách " Nông nghiệp Nhật bản " vào năm 1990, trong đó có nêu Nhật và Hà Lan đều là nước phát triển cao, đất ít, người đông, nhưng Hà Lan là nước nhỏ, diện tích bằng 1/9, dân số bằng 1/8 nước Nhật, nhưng Hà Lan là nước " quán quân thế giới " về xuất siêu nông sản, mà Nhật lại là nước " quán quân thế giới " về nhập siêu nông sản.
So sánh một số chỉ tiêu nông nghiệp Nhật và Hà Lan
Nguồn tài liệu: FAO, LNV, Trung tâm nghiên cứu thực phẩm và chính sách nông nghiệp Nhật (FAPRC)v.v...
Tỉ lệ tự túc các mặt hàng nông sản chủ yếu ở Nhật (%)
![]() |
Nguồn tài liệu: "Nông dân nhật báo" 11/2/2003
Sản xuất nông nghiệp, năng suất và hiệu quả kinh tế nông nghiệp của Nhật ngày càng sa xút, nguyên nhân chủ yếu là do những khiếm khuyết về cơ chế, chính sách nông nghiệp, chủ yếu là.
- Chính sách đất và kinh tế trang trại
Ở Nhật, chính sách nhất quán về đất thể hiện ở chỗ pháp luật ngăn cấm việc tích tụ đất. Nhật đã xoá sổ các trang trại lớn để lập những trang trại nhỏ. Hộ nông dân muốn giữ trang trại vừa nhỏ, vừa phân tán nên giá thành dịch vụ cao. Hộ nông dân phải tốn kém kinh phí tiêu thụ sản phẩm nên phải dựa vào việc cắt xén lợi ích của các trang trại lớn để bù đắp cho trang trại nhỏ, gây thiệt hại cho trang trại lớn.
Ở Nhật, Chính phủ không khuyến khích trang trại giải thể (nhưng được cho thuê), không những vậy, nhà nước còn dùng chế tài về thuế để đánh vào người cho thuê đất. Vả lại, khi trang trại lớn thuê được đất cũng không có cách nào dồn điền đổi thửa, làm cho việc mở rộng quy mô trang trại cũng chỉ là một khẩu hiệu suông. Mặt khác, với những trang trại đa ngành còn được Chính phủ tài trợ.
Chính phủ Hà Lan có thái độ minh bạch về hạn chế trang trại đa ngành. Chính phủ Hà Lan tài trợ rất ít cho trang trại, chỉ tài trợ chút ít cho những trang trại về áp dụng công nghệ mới, nhưng với những trang trại rút khỏi nông nghiệp tuy có nhận được tài trợ, nhưng bắt buộc phải bán đất cho trang trại khác hoặc bán lại cho Chính phủ, góp phần mở rộng quy mô trang trại.
- Chính sách về Hợp tác xã
Ở Nhật, hợp tác xã được xây dựng từ năm 1947, có tác dụng tương tự như ở Hà Lan. Nhưng từ năm 1970, tình hình đã khác đi nhiều. Hợp tác xã ở Nhật (còn gọi là Nông hội) đã được Chính phủ giành cho nhiều đặc quyền, thậm chí hợp tác xã đã hình thành những " thương lái " tổng hợp mang tính lũng đoạn. Họ được nhà nước giao một số quyền năng, trở thành một cơ cấu hành chính hoá, thực thi chính sách của nhà nước. ở Trung ương, địa phương họ được cho vay, và trở thành một thực thể "thoát ly" nông nghiệp, như làm dịch vụ cho cư dân không phải nông nghiệp (bán lẻ, tín dụng, bảo hiểm) đang có vị trí, ưu thế áp đảo ở thị trường nông thôn. Những hoạt động phi nông nghiệp mang tính lũng đoạn đó đã tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu cho hợp tác xã, từ đó họ đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng, đứng về lợi ích của các nông hộ đa ngành nghề đang chiếm số đông, bảo vệ lợi ích của cộng đồng này, nhằm củng cố thế lực ảnh hưởng của hợp tác xã, tìm kiếm vốn chính trị cho bản thân mình.
Ở Hà Lan, hoạt động hợp tác xã nông nghiệp chuyên nhất như tín dụng, tiêu thụ, cung ứng, chế biến, không tham gia hoạt động chính trị, ngoài chính sách ưu đãi về thuế với số lượng ít, không được thụ hưởng bất cứ nguồn tài trợ nào của nhà nước.
Các hợp tác xã ở Hà Lan phải đối mặt với thị trường cạnh tranh, phải mở rộng quy mô, liên kết lại và về thực chất hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Lan không khác gì những công ty tư nhân trong hoạt động kinh doanh trên thị trường.
Nền kinh tế Nhật đã có tốc độ tăng trưởng cao, trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, nhưng quá trình phát triển theo kiểu Nhật đã làm mất cân đối công- nông nghiệp. Ngành nông nghiệp Nhật đã rơi vào thế trì trệ và sa xút kéo dài, mà ngay từ những năm 1980, nhiều nhà kinh tế đã từng cảnh báo. Sự trì trệ đó là hậu quả tất yếu của cơ chế, chính sách Nhà nước, không phải là do công nghệ lạc hậu. Vì vậy, có nhà kinh tế đã nói rằng "thể chế quan trọng hơn công nghệ"
Hiện nay, lao động nông nghiệp Nhật đã lão hoá. Từ năm 1992 đến năm 1997, tỉ lệ lao động dưới 40 tuổi từ 12,2% giảm xuống còn 10%, tỉ lệ người già trên 60 tuổi từ 61,1% tăng lên 68,5%. Trong tổng số người cao tuổi , có một phần lớn là những người về hưu từ thành phố " quay lại " với nông thôn, làm nghề sản xuất lúa truyền thống. Khi số trang trại ở Nhật giảm xút, chủ yếu dựa vào lực lượng này kế thừa. Cựu thủ tướng Nhật Tanaka KaKuei từ lâu đã cho rằng nông thôn Nhật chỉ còn sự "tranh chấp lao động nông nghiệp vất vả của những người già", nhà nông chỉ dựa vào thu nhập nông nghiệp không sống nổi, "nông nghiệp không có người kế thừa", " với một nông thôn như vậy, làm gì có lực lượng để xây dựng Nhật Bản trong ngày mai ".
Một nền nông nghiệp trì trệ của Nhật tương phản với một nền nông nghiệp đầy sức sống của Hà Lan. Nông dân Nhật dựa vào ô bảo hộ của Chính phủ, còn nông dân Hà Lan tự lực tự cường, đã gợi lên nhiều điều mà cả thế giới phải nghiên cứu để rút kinh nghiệm.
( Bài viết của nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn - Sưu tầm trên Internet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com