Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hạch toán chênh lệch tỷ giá: Hướng dẫn khác chuẩn mực!

Áp dụng VAS10 hay Thông tư 201 trong hạch toán chênh lệch tỷ giá? DN chọn 1 trong 2 hay có thể hoán đổi theo hướng có lợi hơn?

Thông tư số 201/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong DN có những điểm mâu thuẫn với Chuẩn mực kế toán số 10 (VAS10) được Bộ này ban hành cuối năm 2002 đang khiến cả DN và công ty kiểm toán rơi vào tình thế khó xử.

Sự khác biệt trước hết là ở cách hạch toán chênh lệch các khoản phải thu, phải trả ngắn hạn có nguồn gốc ngoại tệ. Theo VAS10, toàn bộ chênh lệch tỷ giá các khoản phải thu, phải trả… có nguồn gốc ngoại tệ hình thành trong giai đoạn sản xuất - kinh doanh sẽ được ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí trong năm tài chính. Trong khi đó, Thông tư 201 quy định chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh do việc đánh giá lại số dư cuối năm là tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ ngắn hạn có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính (BCTC) thì không hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập, mà để số dư trên BCTC, đầu năm sau ghi bút toán ngược lại để xoá số dư.

Điều này dẫn đến một sự khác biệt nếu DN có khoản vay ngoại tệ được trả dần qua các năm. Như trường hợp của CTCP Vận tải Biển Bắc (NOS), trong tổng số nợ hơn 140 triệu USD vào cuối năm 2009, gần 13,8 triệu USD là khoản vay phải trả năm 2010 (được ghi nhận vào tài khoản nợ ngắn hạn) và gần 129 triệu USD nợ phải trả từ năm 2011 (được ghi nhận vào nợ dài hạn). Với tỷ giá hạch toán ngày 31/12/2008 là 16.977, tỷ giá hạch toán thời điểm 31/12/2009 là 17.941, nếu khoản vay ngoại tệ ngắn hạn được trích lập theo VAS10 thì số tiền chênh lệch tỷ giá khoảng 13 tỷ đồng sẽ được tính vào chi phí tài chính, thể hiện trong bảng kết quả kinh doanh (KQKD), nhưng nếu tuân theo quy định tại Thông tư 201 thì số tiền này sẽ được thể hiện trong bảng cân đối kế toán (CĐKT).

Sự khác biệt thứ hai nằm ở cách hạch toán chênh lệch tỷ giá với chính các khoản vay dài hạn có nguồn gốc ngoại tệ. VAS10 quy định, chênh lệch phát sinh trong năm tài chính được hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập tài chính trong kỳ, thể hiện trên bảng KQKD. Nhưng Thông tư 201 lại quy định, "chênh lệch phát sinh từ việc đánh giá lại các khoản phải trả dài hạn được ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ. Trong trường hợp bị lỗ, DN có thể phân bổ một phần khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong 5 năm tiếp theo sau khi đã trừ đi phần chênh lệch tỷ giá phát sinh tương ứng với phần nợ dài hạn đến hạn trả". Điều này có nghĩa là, nếu muốn giảm lỗ hoặc có lãi, DN chỉ cần hạch toán một phần khoản chênh lệch tương ứng với số chênh lệch trả trong năm tài chính, phần còn lại được ghi nhận vào tài khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái, phản ánh trên bảng CĐKT. Với hai cách quy định hoàn toàn khác nhau này, DN sẽ có hai con số lợi nhuận hoàn toàn khác nhau với mỗi cách áp dụng. Trường hợp rõ ràng nhất là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), nếu áp dụng Thông tư 201, kết quả kinh doanh có thể tăng thêm… 640 tỷ đồng.

Cũng vì quy định khác nhau giữa 2 văn bản pháp quy trên của Bộ Tài chính mà thời gian vừa qua đã diễn ra bất đồng quan điểm giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA). NOS áp dụng Thông tư 201 khi hạch toán chênh lệch tỷ giá trong BCTC năm 2009 nên chỉ hạch toán một phần chênh lệch tỷ giá cho khoản vay dài hạn, dẫn tới việc có tới 208,744 tỷ đồng "đang được theo dõi và tiếp tục phân bổ vào chi phí cho các năm tiếp theo", trong khi lãi năm 2009 là 12,83 tỷ đồng. Nếu NOS áp dụng theo VAS10 thì số lãi kia sẽ biến thành số âm khổng lồ.

Kiểm toán viên tại một công ty kiểm toán thuộc “Big 4” cho biết, do 2 văn bản này đều của Bộ Tài chính ban hành, văn bản sau không có điều khoản phủ nhận quy định của văn bản trước, nên các công ty kiểm toán đã họp với nhau và thống nhất để DN tùy ý lựa chọn, nhưng trên báo cáo kiểm toán sẽ thêm một ghi chú là DN áp dụng chính sách ghi nhận nào, đồng thời nêu rõ con số chênh lệch nếu DN áp dụng chính sách kia để người đọc báo cáo có cái nhìn kỹ hơn về BCTC của DN.

Tuy nhiên, đây là cách ứng xử của công ty kiểm toán, nếu chẳng may bị "họa" như trường hợp của CPA, đến mức bị "khai trừ" khỏi danh sách công ty kiểm toán được kiểm toán cho các DN niêm yết thì sao? Hơn thế, với khoản chênh lệch lớn dẫn đến BCTC có điểm "ngoại trừ trọng yếu", khiến DN có thể không được phát hành cổ phiếu mới. Cả DN và công ty kiểm toán đang chờ Bộ Tài chính trả lời các câu hỏi nêu trên.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Sửa thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đang lắng nghe
  • Đối diện “Họa tham nhũng”: Không ai chống tham nhũng trong một đêm
  • Container lạnh - Xếp vào loại hình nào?
  • Đối diện "Họa tham nhũng": Con đường minh bạch
  • Kiến nghị nộp phạt vi phạm giao thông qua tem
  • Không nên ỷ lại việc gia hạn Nghị định 51
  • Đối diện "Họa tham nhũng": Không thể cản trở công lý
  • Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chần chừ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%