Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

M&A các cty chứng khoán : Triển vọng khó thành

Thời gian qua, TTCK VN đã chứng kiến một số thương vụ “thay máu” các CTCK. Tuy nhiên, trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc TNK Capital, lại cho rằng: “Nếu không có biện pháp can thiệp hành chính, thì các CTCK rất khó có triển vọng M&A, vì điều đó hầu như không mang lại giá trị gia tăng nào cho các cổ đông…”

Với kinh nghiệm thực tiễn trong tư vấn M&A DN, ông  nhận xét gì về thực tế hoạt động M&A trong khối CTCK tại VN ba năm vừa qua ?

Có khá nhiều cổ đông của các CTCK đã đặt vấn đề với TNK để giúp bán cổ phần hoặc bán cả Cty. Vào những năm 2006, 2007, cổ phần của các CTCK, đặc biệt là những Cty dẫn đầu thường rất cao, và cũng có một số hoạt động mua bán cổ phần của các CTCK. Tuy nhiên, cho tới giờ các hoạt động đó thường xảy ra thông qua việc tăng vốn hay do việc một tổ chức hoặc nhóm cổ đông muốn tham gia hoạt động CTCK và thay vì xin giấy phép mới thì họ tìm mua lại một CTCK đã và đang hoạt động. Trường hợp của CTCK Liên Việt (trước đây là CTCK Viettraninmex) hay của CTCK Xuân Thành (trước đây là CTCK Vincom) là một số ví dụ có thể thấy được trên thị trường.

Vậy có cơ sở nào để kỳ vọng M&A, đặc biệt là sáp nhập giữa các CTCK với nhau, sẽ là xu thế tất yếu cho bài toán giảm số lượng, tăng chất lượng của các thành viên tạo lập thị trường vốn này ?

Hoạt động M&A giữa các CTCK thì hoàn toàn khác. Khi hai Cty cùng ngành sáp nhập lại với nhau, họ thường kỳ vọng sẽ tạo nên một Cty lớn hơn, mạnh hơn, có sức cạnh tranh cao hơn, giảm chi phí và từ đó có thể tạo ra nhiều lợi nhuận cho cổ đông hơn. Hoạt động của CTCK bao gồm ba phần chính: môi giới, tư vấn và tự doanh. Chúng ta hãy cùng phân tích tác động của việc mua bán sáp nhập các CTCK lên hoạt động của mỗi mảng kinh doanh:

Trước hết, ở mảng môi giới, với điều kiện thị trường như ba năm vừa rồi, khối lượng giao dịch thấp khiến cho mảng môi giới không thể có lãi nhiều (nếu như không lỗ). Các CTCK đang tìm cách tinh giản nhân sự, nhưng nếu đã làm môi giới thì cũng cần có chi nhánh, hệ thống và một lượng nhân sự nhất định để quan hệ với khách hàng và chi phí cho việc này không phải nhỏ.

Sắp tới, khi Bộ Tài chính cho phép một cá nhân được mở nhiều tài khoản ở các CTCK khác nhau thì việc cạnh tranh giữa các CTCK không còn là việc cạnh tranh mở tài khoản nữa mà là cạnh tranh về dịch vụ để khách hàng đặt lệnh giao dịch với CTCK. Chi phí cho hoạt động môi giới sẽ tăng lên và doanh thu từ khách hàng cũ giảm vì khách hàng đã có tài khoản tại một CTCK không nhất thiết phải đặt lệnh qua tài khoản đó khi họ giao dịch. Các CTCK có dịch vụ tốt sẽ dần chiếm ưu thế. Mục tiêu sáp nhập hai CTCK để có thêm nhiều khách hàng môi giới giảm tính hấp dẫn.

Ở nghiệp vụ tự doanh, thị trường biến động nhiều dẫn tới việc doanh thu từ tự doanh cũng biến động lớn, nếu mảng tự doanh “lướt sóng” đúng thời điểm thì sẽ lãi nhiều (nhưng chỉ là ngắn hạn), nếu “lướt sóng” sai thời điểm thì sẽ lỗ lớn làm ảnh hưởng tới nguồn vốn hoạt động của Cty. Hoạt động tự doanh đòi hỏi kỹ năng đầu tư của đội ngũ tự doanh và thường thì kỹ năng đầu tư của đội ngũ tự doanh không phát triển thông qua việc mua bán sáp nhập giữa hai CTCK.

Riêng mảng tư vấn thì số lượng giao dịch ít và phí tư vấn đối với các dịch vụ niêm yết hay quản lý sổ cổ đông cũng không phải là nguồn thu lớn. Chỉ có một vài CTCK có đội ngũ tư vấn mạnh hơn, có khả năng làm những giao dịch lớn như phát hành trái phiếu trong nước, phát hành cổ phiếu, trái phiếu quốc tế, hay các giao dịch M&A xuyên quốc gia là có thể đem lại lợi nhuận cho CTCK. Tuy nhiên, những khoản lợi nhuận (cho dù lớn) từ mảng tư vấn cũng chỉ là một phần nhỏ so với vốn của một CTCK cỡ trung và các chi phí phát sinh từ hoạt động môi giới và tự doanh, do đó cũng khó có thể tạo sự khác biệt lớn trong hoạt động của CTCK. Thành công của dịch vụ tư vấn là hoàn toàn ở yếu tố con người, do vậy việc sáp nhập hai CTCK cũng không giải quyết được vấn đề này.

Tóm lại, khi không có sự can thiệp hành chính và khi thị trường có 105 CTCK thì việc sáp nhập một vài CTCK lại với nhau thì cũng khó tạo được những hiệu quả như mong muốn. Do vậy, việc mua bán sáp nhập giữa các CTCK sẽ ít xảy ra vì hoạt động này khó có khả năng tạo giá trị cho cổ đông.

Về dài hạn, theo ông, đâu là “lối thoát” cho các CTCK đang “lép vế”  trên thị trường ?

Như phân tích ở trên, không có cơ sở nào trong tầm ngắn và trung hạn cho việc sáp nhập, hợp nhất các CTCK. Khả năng tốt hơn là việc bán lại cổ phần cho các tổ chức tài chính/cổ đông trong và ngoài nước muốn sở hữu một CTCK để hoạt động tại thị trường VN. Thông qua đó, có thể các CTCK sẽ có thêm nguồn vốn để củng cố và nâng cao hạ tầng cơ sở, chất lượng dịch vụ, kỹ năng nghiệp vụ và các vấn đề quản trị DN.

Thời điểm các tổ chức tài chính quốc tế sẽ chính thức tự do gia nhập thị trường tài chính VN, ngày 1/1/2012 theo cam kết WTO, đang rất gần kề. Hoạt động M&A trên thị trường tài chính VN trong những tháng còn lại của năm 2011, bao gồm Ngân hàng, Bảo hiểm, CTCK, sẽ chuyển động mạnh mẽ hơn ?


Dòng tiền từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn sẵn sàng cho những cơ hội đầu tư tốt. Mặc dù tình hình vĩ mô đã và đang trải qua giai đoạn sóng gió thì tiềm năng của một nền kinh tế mới nổi như VN vẫn còn thu hút nhiều quan tâm của các tập đoàn tài chính đa quốc gia. Trong nửa năm cuối 2011, hoạt động M&A trong ngành tài chính VN sẽ được dẫn dắt bởi quá trình tìm đối tác chiến lược của các ngân hàng mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối (như VietcomBank). Với tỉ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài trong ngân hàng bị hạn chế ở mức 30% tổng số và tối đa 20% cho một cổ đông nước ngoài, chúng tôi không kỳ vọng có một sự chuyển dịch lớn trong việc M&A ngân hàng tại VN trong nửa cuối năm nay. Với các công ty bảo hiểm trong nước, do quy mô và thị phần nhỏ, nên tôi cũng cho rằng các tổ chức tài chính quốc tế sẽ không đẩy mạnh M&A trong lĩnh vực này. Riêng với CTCK, thị trường hiện đã có những Cty gần như 100% vốn nước ngoài. Việc rót vốn trong lĩnh vực này từ các tổ chức tài chính quốc tế, nếu có, cũng sẽ chậm chạp và rất chọn lọc, như những gì đã diễn ra trước đó. Tóm lại, khó kỳ vọng sẽ có một làn sóng M&A mạnh mẽ trên thị trường tài chính VN trong thời gian trước mắt !

Xin cảm ơn !

(Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!