Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Hộp đen” các công ty chứng khoán

Việc kinh doanh thua lỗ lớn và trốn nợ của một vị chủ tịch CTCK tạo nên tiếng xấu chung cho các CTCK. “Hộp đen” của các CTCK càng khiến dư luận tò mò khi hoạt động kinh doanh không mấy suôn sẻ trong bối cảnh thị trường ảm đạm.

Lỗ chung, lãi riêng


Sự việc Chủ tịch CTCK Hà Thành bị bãi nhiệm do bỏ trốn cùng khoản nợ lên đến 100 tỷ đồng gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Núp bóng dưới hình thức tài khoản cá nhân, lãnh đạo CTCK đã tự kinh doanh chứng khoán cho chính mình và lấy danh nghĩa đại diện pháp luật để bảo lãnh ngân hàng vay vốn. Sai phạm nghiêm trọng này có nguyên nhân từ sự thiếu trách nhiệm của Ban kiểm soát, xung đột lợi ích giữa các cá nhân bộ máy điều hành và CTCK, đồng thời có sự giao dịch nhập nhằng tại các tài khoản chứng khoán có liên quan đã tồn tại lâu nay trong CTCK.

Một trường hợp đã từng xảy ra như CTCK T. bị cổ đông kiện do sử dụng tài khoản cá nhân thay vì tài khoản tự doanh để kinh doanh chứng khoán niêm yết. Tài khoản cá nhân thường được sử dụng là tài khoản của Tổng giám đốc, người có liên quan tới Ban điều hành CTCK. Dưới hình thức cá nhân, tài khoản này sẽ che mắt được nhiều cá nhân tò mò hoặc đối thủ CTCK khác tranh mua/tranh bán theo dõi lệnh trên hệ thống sàn giao dịch. Không chỉ sử dụng một tài khoản, các CTCK thường sử dụng nhiều tài khoản liên kết với nhau thành ma trận có chủ đích, không tách bạch giữa tài sản cá nhân và tài sản CTCK. Các cá nhân đứng tên chủ tài khoản rút tiền vẫn hoàn toàn hợp pháp nếu thiếu trách nhiệm giám sát của Ban kiểm soát, do vậy, hiện tượng “chảy máu” lợi nhuận vào túi cá nhân trong khi đẩy phần thua lỗ cho các CTCK không phải là hiếm gặp.

Đạo đức kinh doanh và giao dịch nội gián

Đạo đức kinh doanh là vấn đề bị bỏ ngỏ trên thị trường tài chính ở Việt Nam vì thiếu các chế tài xử phạt hay do môi trường kinh doanh quá non trẻ? Một trường hợp điển hình xảy ra vào năm 2008, CTCK H. đình đám một thời đã phải sa thải toàn bộ bộ phận kinh doanh chứng khoán chưa niêm yết (OTC) với lý do đạo đức kinh doanh kém. Nhóm “đầu não” của công ty H. đã trục lợi cho bản thân, trong khi đẩy hết phần lỗ cho công ty. Sở dĩ họ làm được như vậy vì giá tham chiếu của cổ phiếu OTC không được chính thức niêm yết mà chủ yếu báo giá theo “đường miệng” của nhân viên môi giới. Khi nhân viên kinh doanh câu kết với nhân viên môi giới đẩy giá lên, khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá so với mặt bằng gía chung của thị trường được ăn chia giữa các cá nhân trong khi CTCK H. phải chịu thiệt. Trái ngược với tình cảnh của H, CTCK V thu về khoản lợi nhuận kếch xù khi đã hợp tác ngầm với bộ phận đầu tư của quỹ I nhờ thương vụ bán lô lớn cổ phiếu OTC của công ty sản xuất cáp điện V. với giá 10x. Giới đầu tư đánh giá rất thấp thương vụ này do đầu tư vào doanh nghiệp V. chịu rủi ro công nghệ lớn, giá mua quá cao so với giá trị thực doanh nghiệp. Từ ngày niêm yết, giá cổ phiếu V giảm sâu dưới 1x, khoản đầu tư của quỹ I trở thành “trái đắng” trong khi bên bán là CTCK V lại được thụ hưởng “vị ngọt”.

Liên quan tới chủ đề này, những vụ khách hàng kiện CTCK diễn ra khá thường xuyên do nhân viên môi giới trục lợi việc ủy quyền tài khoản của khách hàng để short-sell (bán khống) danh mục chứng khoán và kiếm lời. Xuất phát từ thực tế khách hàng không giao dịch thường xuyên, cộng thêm thiếu đạo đức nghề nghiệp, nhân viên môi giới có thể thỏa thuận (hoặc không thỏa thuận) với khách hàng để bán chứng khoán và mua trả lại khách hàng sau. Ngoài ra, xung đột lợi ích phổ biến như CTCK đã sở hữu chứng khoán X, bèn tư vấn cho khách hàng mua chứng khoán X để bắt đầu “xả hàng”. Nhìn chung, TTCK Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề, trong đó đạo đức nghề nghiệp và giao dịch nội gián là những vấn đề gây bức xúc dư luận nhiều nhất.

Ngân hàng thu nhỏ

Không có chức năng huy động vốn như ngân hàng, nhưng nhiều CTCK lớn như T (mặc dù là công ty con của ngân hàng M) tự huy động vốn của khách hàng dưới hình thức vay cá nhân hoặc tiền gửi tiết kiệm. Đây là cách thức tìm kiếm nguồn vốn linh hoạt mà không cần đến định chế tài chính khác, đặc biệt trong thời điểm thắt chặt tín dụng như hiện nay. Với mức lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng, 18-20%/năm, CTCK có thể hưởng lợi nhuận biên chênh lệch 6-7% trong dịch vụ cho vay ứng trước hoặc đầu tư chứng khoán với lãi suất 24-27%/năm. Tại thời điểm thị trường ảm đảm như hiện nay, những khách hàng buộc phải sử dụng dịch vụ (vay ứng trước t+3 hoặc đầu tư chứng khoán) chủ yếu để đảo nợ và trả lãi. Phần nợ gốc vẫn được các CTCK phớt lờ, coi như biện pháp giãn nợ cho khách hàng.

Khách hàng gửi tiền tại CTCK sẽ chịu nhiều rủi ro hơn do tính thanh khoản của CTCK thấp hơn so với ngân hàng, chưa kể tới chuyện kết quả kinh doanh của CTCK là khá thất thường. Hình thức hạch toán khoản huy động vốn dưới hai dạng: (i) vay ngắn hạn (hợp đồng vay vốn cá nhân) và (ii) tiền và chứng khoán trên tài khoản của khách hàng (sổ tiết kiệm). Ngoài ra, CTCK sẵn sàng tận dụng khoản tín dụng ngân hàng dưới danh nghĩa tiền ứng trước t+3 vào mục đích cho vay khác với lãi suất cao hơn.

Sản phẩm chưa được cấp phép

Một thực tế và nghịch lý ở TTCK Việt Nam là CTCK không ngần ngại tung ra sản phẩm mới vì thông thường mức lợi nhuận kiếm được thường lớn gấp nhiều lần so với số tiền phạt. CTCK năng động như V. luôn nghĩ ra những chiêu hấp dẫn nhà đầu tư mặc dù biết rằng Thanh tra UBCK có thể “tuýt còi” sản phẩm nhạy cảm bất cứ lúc nào. Trong năm 2009, V. mở sàn giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết với chủ yếu các cổ phiếu ngân hàng có tính thanh khoản cao như MB (NHTM Quân đội), ABB (NHTM An Bình), HBB (NHTM Nhà Hà Nội), VPB (NHTM VPBank). Thực chất đây là sàn giao dịch mua bán kỳ hạn, khách hàng ký quỹ tiền mặt 20%, thanh toán chênh lệch giá hoặc trả tiền và chuyển nhượng chứng khoán. Cuối tháng 1/2010, UBCKNN mới ra quyết định đóng cửa sàn giao dịch sôi động chưa được cấp phép này, trong khi V. thu về khoản phí môi giới đáng kể vì đơn giản 1 lô cổ phiếu OTC giao dịch tối thiểu là 10.000 đơn vị. Năm 2010, V tiếp tục tung ra sản phẩm được chờ đợi - quyền chọn mua/bán chứng khoán. Trên thế giới, sản phẩm này không mới, nhưng ở Việt Nam nó đánh trúng nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân vì họ vẫn có thể kiếm lời khi thị trường sụt giảm nhờ tính phòng vệ của sản phẩm phái sinh này. V được hưởng mức phí 7% trên giá trị giao dịch cộng thêm mức chênh lệch giá mua/bán của chứng khoán thuộc quyền chọn. Công bằng mà nói, việc xử phạt của UBCKNN chỉ mang tính chất hành chính vì mức phạt chỉ nằm ở mức 50-100 triệu đồng, không đủ mạnh để ngăn ngừa các CTCK vi phạm.

Thực tế thị trường cho thấy, TTCK Việt Nam hiện rất thiếu các sản phẩm hỗ trợ nhà đầu tư trong kinh doanh chứng khoán. Khung pháp lý của Luật Chứng khoán còn khoảng cách khá xa so với những gì diễn ra trên thị trường.

Tổ chức thiếu ổn định

So với các loại hình doanh nghiệp khác, CTCK được coi là mô hình kém ổn định nhất, xét theo tiêu chí tần suất thay đổi Ban điều hành, Trưởng bộ phận. Khi thị trường xuống dốc hoặc có những thay đổi về kinh tế vĩ mô, các CTCK thường nhanh chóng đưa ra sự thay đổi nhân sự, tái cấu trúc doanh nghiệp. Thậm chí có công ty thay đổi Tổng giám đốc với tần suất 1-2 lần/năm, kéo theo đó là những thay đổi về nhân sự ở cấp thấp hơn. Không dừng ở đó, chiến lược kinh doanh của công ty cũng thay đổi theo nhằm tạo ra được những thay đổi nhìn thấy được trong vòng 3-6 tháng, chẳng hạn như cải thiện doanh thu, tăng số lượng khách hàng/hợp đồng mới, mở rộng dịch vụ v.v… Chính cách phát triển thiếu bền vững này là nguyên nhân gây nên sự bất ổn và xáo trộn mạnh thường thấy tại các CTCK Việt Nam.

Trong “chiếc áo” pháp lý chật chội, lại có quá nhiều công ty chứng khoán với năng lực tài chính hạn hẹp cạnh tranh trên một thị trường qui mô còn nhỏ bé, việc các CTCK luôn tìm cách vượt rào bằng nhiều cách khác nhau để tồn tại và phát triển là một điều dễ hiểu. Thế nhưng, nếu công tác quản trị doanh nghiệp và giám sát rủi ro bị lơi là, việc sẽ có nhiều CTCK bị loại bỏ cuộc chơi trong thời gian tới do thua lỗ âu cũng là chuyện không tránh khỏi.

(Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!