Không còn đường cong quen thuộc kỳ hạn càng dài - lãi suất càng cao, biểu đồ lãi suất huy động VND tại phần nhiều các NHTM đang chú trọng vào các kỳ hạn ngắn với lãi suất tương đương hoặc thậm chí cao hơn các kỳ hạn 12-36 tháng.
Biến dạng
Diễn biến có vẻ như bất hợp lý trên xuất hiện ồ ạt từ giữa tháng 11 đến nay cho thấy nhu cầu vốn ngắn hạn trước mắt của các NHTM đang lên rất cao, đặc biệt trong tháng cuối cùng trong năm.
Biểu lãi suất huy động vừa được một loạt các NHTMCP như Maritime Bank, EximBank, Techcombank, TinNghiaBank hay trước đó ít ngày là SeABank cho thấy thực tế này.
Như tại Techcombank, trong lúc các kỳ hạn gửi 1-3 tháng có lãi suất cuối kỳ lên tới 9,5-9,7%/năm, các kỳ hạn dài hơn như 13-36 tháng lại chỉ tăng dần từ mức 8,9%/năm lên mức cao nhất 9,69%/năm.
Eximbank tăng dần lãi suất từ 9,36%/năm lên mức 9,72%/năm cho các kỳ hạn 1-6 tháng trong lúc đồng loạt áp dụng lãi suất 9,6%/năm cho hai kỳ hạn dài nhất 36 và 60 tháng.
Còn trong biểu lãi suất huy động mới nhất cho chương trình "Lãi suất cao nhất", Maritime Bank áp dụng lãi suất cao nhất 9,66%/năm cho kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng, cao hơn hẳn mức lãi suất 9,65%/năm ở các kỳ hạn 9 tháng và 15-36 tháng.
Đỉnh lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay, lên tới 9,99%/năm đang được TinNghiaBank áp dụng cho duy nhất kỳ hạn 3 tháng. Một loạt các kỳ hạn tiền gửi dài tại TinNghiaBank, 12-36 tháng được áp dụng mức lãi suất tương đương hoặc thậm chí thấp hơn lãi suất của kỳ hạn 1 tháng - 9,84%/năm.
Thiếu bền vững
Song đây chưa hẳn là một xu hướng duy nhất trên thị trường lãi suất tiền gửi hiện nay. Trong một diễn biến đáng lưu ý nhất, OceanBank mới đây vừa công bố áp dụng đồng loạt mức lãi suất 9,85%/năm cho 17 kỳ hạn tiền gửi từ 1 tháng đến 36 tháng. Dẫu vậy, một vài các NHTMCP dù vẫn điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND theo tín hiệu thị trường, nhưng vẫn giữ nguyên đường cong lãi suất truyền thống.
Như tại TienPhongBank, sau lần điều chỉnh tăng lãi suất VND mới đây, các kỳ hạn tiền gửi từ 1 tháng đến 36 tháng tăng dần từ mức 9,25%/năm lên mức 9,95%/năm. Theo đánh giá của các chuyên gia, những diễn biến trên đây cho thấy đường cong lãi suất huy động VND đang đi theo những xu hướng khác nhau, phản ánh tình trạng tín dụng, nhu cầu vốn của từng NHTM và rất khó có thể đưa ra một biểu đồ lãi suất chung nhất cho thị trường.
Việc người dân chuyển vốn đầu tư sang các lĩnh vực khác thay vì gửi tiền vào ngân hàng như vào chứng khoán, bất động sản hoặc nhiều lĩnh vực khác làm nguồn vốn huy động của nhiều NHTM thiếu hụt so với kế hoạch ban đầu. Trong lúc nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt trong thời điểm các tháng cuối năm 2009 và 2010 ngày càng tăng mạnh.
Sự chênh lệch này cho thấy việc các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn ngắn hạn bằng chính sách áp dụng lãi suất cao cùng với quà tặng bằng lãi suất thưởng hay tiền mặt cũng dễ lý giải.
Sau hơn 10 tháng, huy động vốn trên thị trường 1 từ tổ chức và dân cư của LienVietBank mới đạt hơn 6.410 tỉ đồng, trong lúc kế hoạch cả năm lên tới 7.750 tỉ đồng. Trong số này có đến 76% huy động vốn từ các tổ chức và chỉ 24% từ dân cư.
Điểm đáng lưu ý như tại LienVietBank, nguồn vốn huy động chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn ngắn, trong đó nguồn vốn không kỳ hạn chiếm trung bình 40% và phụ thuộc vào một số khách hàng lớn.
Vốn huy động kỳ hạn dưới 12 tháng cũng chủ yếu tập trung ở nhóm từ 3 tháng trở xuống. Khẳng định đây là xu hướng chung của khách hàng gửi tiền, song TGĐ LienVietBank - ông Nguyễn Đức Hưởng cũng cho rằng, dấu hiệu này cho thấy một độ thiếu bền vững trong nguồn vốn huy động
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com