Để có thể huy động tối đa lượng vàng đang được cất trữ trong dân, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản. Đồng tình với chủ trương thu hẹp kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, song các doanh nghiệp cho rằng chính sách quản lý phải hướng đến kích thích lợi ích kinh tế cho người có vàng thay vì chủ quan bằng mệnh lệnh hành chính. Không cấm người dân cất giữ Theo phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, vàng miếng SJC của công ty cổ phần vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) – hiện chiếm trên 80% thị phần vàng miếng cả nước – hầu như có đầy đủ các chức năng của một đồng tiền thứ hai trên lãnh thổ Việt Nam. Vàng đã là thước đo giá trị, phương tiện cất trữ, phương tiện thanh toán, tự do lưu thông, chuyển đổi, mua bán… Do vậy, dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (thay thế nghị định 174 – năm 1999) do ngân hàng Nhà nước soạn thảo hướng tới: vàng miếng là hàng hoá đặc biệt do ngân hàng Trung ương quản lý từ khâu phát hành đến lưu thông. Hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng, theo đó sẽ phải tập trung đầu mối, tiến tới xoá bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Cao Sỹ Kiêm, nêu ý kiến: vàng miếng ở Việt Nam hiện mang chức năng tiền tệ khá rõ, do vậy nên được quản lý tương tự như với đồng đôla: không cấm người dân được cất trữ, song hoạt động mua bán phải được kiểm soát bởi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. “Việc tự do giao dịch vàng miếng như tại Việt Nam dẫn đến tình trạng người dân, doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành nhà phát hành tiền – vì trên thực tế vàng có thể biến thành USD, tiền bất cứ lúc nào, gây nhiễu chính sách tiền tệ”, ông Kiêm giải thích. Theo phó tổng giám đốc công ty cổ phần vàng bạc đá quý SJC Hà Nội Lưu Quang Điền, vàng tự nó không thành hàng hoá hay tiền tệ mà phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Nhà nước. “Thực tế hiện nay, vàng nữ trang là hàng hoá, vàng miếng ít nhiều vẫn mang chức năng tiền tệ và hai chức năng này có thể chuyển đổi rất dễ qua chế tác”, ông Điền nói. Cũng theo ông Điền, ở Việt Nam khi kinh tế bất ổn người dân càng gia tăng tâm lý cất trữ vàng, lấy vàng làm thước đo giá trị. Do vậy, các chính sách càng hướng đến ổn định vĩ mô, chức năng tiền tệ của vàng càng được hạn chế. Đồng thời, cần tuân thủ chặt quy định: trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ được thanh toán bằng tiền đồng (VND), góp phần loại bỏ dần tâm lý “vàng hoá” hay “đôla hoá”. Tuy nhiên, tổng thư ký hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng lại cho rằng, vàng miếng hiện cơ bản đã không còn chức năng tiền tệ, bởi các giao dịch hầu như không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. “Vàng hiện chủ yếu là công cụ cất trữ, bảo toàn giá trị tài sản”, ông Bảng nhấn mạnh. Có chính sách huy động vàng hấp dẫn Làm cách nào để “lôi vàng ra khỏi két” của người dân nhằm phát huy cao nhất nguồn vốn rất lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước? Đặt câu hỏi này với ông Lưu Quang Điền, ông cho rằng, cần phải kích thích người có vàng bằng lợi ích kinh tế, thay vì dùng ý chí chủ quan hay mệnh lệnh hành chính. Việc cất trữ vàng trong két không thôi cũng đã có lời. Nếu các ngân hàng có chính sách huy động vàng hấp dẫn, người dân chắc chắn sẽ mang đi gửi. Trước đây, có thời điểm lãi suất huy động vàng lên tới 4 – 5%/năm, lượng vàng được gửi trong hệ thống ngân hàng ước khoảng 30% lượng vốn vàng trong dân (hiện lượng vàng người dân nắm giữ ước khoảng 500 tấn, tương ứng hơn 20 tỉ USD). Trước lo ngại việc huy động vàng có thể gây rủi ro cho các ngân hàng trong bối cảnh giá kim loại này biến động quá lớn, tổng giám đốc công ty Vàng bạc đá quý ngân hàng Nông nghiệp Nguyễn Đình Trúc cho rằng, thay vì bán vàng ra lấy tiền VND, các ngân hàng có thể gửi số vàng đó sang tài khoản nước ngoài để hưởng lãi suất, đồng thời, dùng vàng làm tài sản thế chấp vay vốn ngoại tệ với lãi suất 3 – 3,5%, sau đó cho vay lại. Ông Trúc cho biết: “Chúng tôi đã trao đổi với một số ngân hàng lớn như HSBC, UPS... và cơ bản thoả thuận được việc gửi vàng, vay ngoại tệ”. Phương án khác, theo ông Trúc, các ngân hàng huy động vàng có thể bán ra thị trường thế giới lấy ngoại tệ và cân đối bằng việc mua lượng vàng tương ứng trên tài khoản để đảm bảo khả năng thanh toán đến hạn. Ông Đinh Nho Bảng đề xuất, Chính phủ cần xem xét mở rộng kinh doanh vàng trên tài khoản, thị trường vàng trong nước và thế giới liên thông, các ngân hàng có công cụ phái sinh để ngừa rủi ro; đồng thời góp phần thu hẹp thị trường vật chất. Hiện tại thị trường vàng Việt Nam 100% là giao dịch vàng vật chất, và mỗi đơn vị giao dịch đang phải mất hai lần chi phí do chế tác. Theo đó, chúng ta phải nhập vàng thế giới dưới dạng nguyên liệu, chế thành vàng miếng (chi phí chế tác trung bình khoảng 300.000 đồng/lượng), trong trường hợp xuất khẩu cũng lại trở thành vàng nguyên liệu. Đó là chưa kể, nếu cơ quan quản lý cấm kinh doanh vàng miếng, người dân sẽ chuyển thành vòng, nhẫn hay các hình khối khác, chi phí xã hội còn cao hơn mà chất lượng, trọng lượng càng khó kiểm soát. Muốn vậy, cần xây dựng quy chế, thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia mà chỉ những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện về tài chính, nhân lực mới được tham gia. Làm được vậy, Nhà nước kiểm soát được dòng vốn, thu được thuế và phát huy được nguồn vốn vàng cho nền kinh tế. THẢO NGUYỄN// Theo SGTT
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com