Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất vay đô la Mỹ tăng dần

Các ngân hàng đang tăng lãi suất huy động đô la Mỹ và lãi suất cho vay ngoại tệ này cũng đang tăng lên. Ảnh: Lê Toàn

Một số ngân hàng từ đầu tháng 10 đã bắt đầu tăng lãi suất huy động đô la Mỹ và kéo theo lãi suất cho vay cũng điều chỉnh tăng dần để đón đầu nhu cầu vay loại ngoại tệ này được dự đoán là sẽ tăng vào các tháng cuối năm.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết từ đầu tháng 10 ngân hàng này đã tăng lãi suất huy động đô la Mỹ và sẽ tăng lần nữa vào ngày 30-10.

“Mặc dù tăng lãi suất huy động vào ngày 30-10 nhưng trước mắt ngân hàng chưa điều chỉnh lãi suất cho vay. Lãi suất vay đô la Mỹ của Đông Á hiện nay khoảng từ 4,5% - 5,5%/năm. Tuy nhiên, sau khi cân đối lại lãi suất đầu vào thì có thể sẽ điều chỉnh lại lãi suất cho vay”, bà Xuyến nói.

Bà Xuyến cho biết thêm, do gói hỗ trợ lãi suất 4% sắp kết thúc, đến tháng 12 các doanh nghiệp phải thanh lý hợp đồng vay vốn để chuyển sang vay với lãi suất 10,5% nếu vay tiền đồng. Nguồn cung tiền đồng đang hạn chế nên ngân hàng chủ động hướng khách hàng chuyển sang vay ngoại tệ và một số khách hàng cũng chấp nhận. Vì nhu cầu vay vốn ngoại tệ tăng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút vốn.

Tăng lãi suất trước Đông Á ba ngày là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank). Ngân hàng này ngày 26-10 đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ. Hiện lãi suất huy động đô la Mỹ của Vietcombank đã tăng lên mức 3%, bằng lãi suất cho vay ngoại tệ trước đây. Do vậy, ngân hàng này cũng đã thông báo tăng lãi suất cho vay đô la Mỹ lên với mức thấp nhất là 5%/năm.

Ngày 28-10, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) đã tăng lãi suất huy động đô la Mỹ với mức lãi suất cao nhất lên đến 4%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng. Ở những kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất cũng được điều chỉnh lên cao như kỳ hạn một tháng là 2%/năm, 3 tháng là 2,7%/năm, và 12 tháng là 3,4%/năm. Với biểu lãi suất mới này, Maritime Bank đang ở nhóm các ngân hàng có lãi suất đô la cao nhất thị trường.

Lý  giải cho đợt tăng lãi suất lần này, lãnh đạo Maritime Bank cho biết theo kinh nghiệm từ các năm, hoạt động xuất nhập khẩu thường có xu hướng gia tăng vào những tháng cuối năm khiến nhu cầu vay vốn ngoại tệ tại các ngân hàng cũng gia tăng theo. 

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong một hội thảo do Công ty quản lý quỹ Jaccar tổ chức gần đây cũng cho biết trong hai tháng trở lại đây nguồn vốn huy động ngoại tệ đang tăng trong khi huy động tiền đồng lại có xu hướng giảm.

Điều này cũng phù hợp với tín dụng ngoại tệ đang trong xu hướng tăng và là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường ngoại hối trong trung hạn sẽ không quá căng thẳng, vì các ngân hàng sẽ có nguồn ngoại tệ do các doanh nghiệp vay đô la bán lại cũng như nhu cầu mua đô la giảm bớt, ông nói.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể gặp rủi ro về tỷ giá trong thời gian tới khi rất nhiều dự báo cho rằng tiền đồng đang chịu sức ép giảm giá rất lớn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu trong cuộc họp với các ngân hàng ngày 24-10 đã nói dự báo trong năm nay các nguồn đem về ngoại tệ như xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp, và kiều hối đều giảm. Mặc dù vậy, ông Giàu cho biết sẽ không có chính sách phá giá từ nay đến cuối năm.

Giá đô la trên thị trường chợ đen ngày 29-10 vẫn giao dịch quanh mức 18.600 đồng giá mua vào và 18.700 đồng giá bán ra, tăng 200 đồng so với đầu tuần.

Trong khi đó, tỷ giá liên ngân hàng giữa tiền đồng và đô la Mỹ trong cùng ngày là 17.009, mức cao nhất từ trước đến nay, còn tỷ giá ở các ngân hàng thương mại cũng đã đụng trần cho phép là 17.859.

(Theo Thủy Triều // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!