1. Đồng USD tăng giá khi định hướng lãi suất của FED không làm hài lòng thị trường.
Đồng USD có một ngày giao dịch thành công và thoát khỏi ảnh hưởng từ xu hướng kinh doanh rủi ro trên thị trường khi phố Wall giảm điểm bởi sự thất vọng của giới đầu tư sau khi các quyết định chính thức về lãi suất của cuộc họp FED được công bố. Chỉ số DXY tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ đầu thang 10 tới nay trong khi tỷ giá EUR/USD cũng tụt mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng gần 2 tháng qua.
Hôm qua, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 đã tăng 0,4%, sau khi tăng 0,3% trong tháng 10. Nguyên nhân khiến CPI tăng cao chủ yếu do nhóm năng lượng, gồm xăng, điện, dầu nhiên liệu và khí gas tăng giá mạnh. Như vậy, CPI đã tăng 1,8% trong 12 tháng qua, trong khi đó nếu loại trừ giá năng lượng và thực phẩm thì CPI cơ bản đã tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng ngày, Bộ Thương mại cho hay, số nhà mới khởi công trong tháng 11 đã tăng 8,9% lên 574.00 đơn vị (ngôi nhà, căn hộ) - thấp hơn so với mức dự báo 580.000 đơn vị của giới phân tích, từ 527.000 đơn vị trong tháng 10. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, số nhà mới khởi công trong tháng 11 đã giảm 12,4%. Bộ này cũng cho biết, số giấy phép xây dựng nhà mới trong tháng 11 đã tăng 6% lên 584.000 đơn vị - mức cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, số giấy phép xây dựng đã giảm 7,3%. Những sự chuyển biến tích cực trên thị trường nhà đất Mỹ cho các nhà đầu tư thêm một cơ sở để tin tưởng hơn vào quá trình hồi phục kinh tế của Mỹ.
Tuy nhiên sự kiện được chú ý nhất trong ngày hôm qua là quyết định về lãi suất của FED lại gây ra nỗi thất vọng lớn cho thị trường. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25%, đúng như dự báo được đưa ra trước đó của giới phân tích. Như vậy, đây là tháng thứ 12 FED duy trì mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức thấp nhằm duy trì đà phục hồi của nền kinh tế và cải thiện thị trường lao động. Trong tuyên bố của mình, FED cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục phục hồi. Hiện giới quan sát vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào chỉ ra FED đang cân nhắc đến việc nâng lãi suất cơ bản. Trong bối cảnh kinh tế đang có nhiều bước cải thiện đáng kể, trước đó các nhà phân tích và giới đầu tư đã hy vọng vào khả năng FED sẽ sớm nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong nửa đầu năm sau. Sự im lặng của các quan chức FED khiến niềm hy vọng của thị trường “tiêu tan”, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm và đồng USD với vai trò đồng tiền an toàn tiếp tục giữ vững được vị thế của mình.
Hôm nay chỉ số dẫn dắt nền kinh tế tháng 11 Mỹ sẽ được công bố với dự báo khả quan. Sau hai ngày giảm điểm, chứng khoán Mỹ dường như đã tích lũy đủ lực để bật trở lại khi thông tin công bố khả quan. Dự báo đồng USD giảm giá trong ngày.
2. Fed duy trì lãi suất USD 0.25% - Đồng USD yếu hỗ trợ giá vàng tăng.
Nhận được sự hỗ trợ tích cực từ quyết định chính sách tiền tệ của FED, giá vàng hôm qua đã tăng trở lại. Hôm qua, giá vàng tăng $15.52 USD mỗi Oz, tức tăng 1.38%, khi đóng cửa ở mức $1,139.92/Oz so với mức $1,124.40/Oz lúc mở cửa đầu ngày.
Đúng như dự báo, Fed công bố giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0.25% và cũng không đề cập nhiều đến dự định kết thúc chiến dịch “bơm thanh khoản” giải cứu thị trường. Quyết định này đã tạo áp lực lên đồng USD trong tương quan so sánh với giá vàng góp phần đưa vàng trở vào “quỹ đạo” tăng. Lãi suất duy trì sát mức “zero”, đồng nghĩa giá cả vay USD còn rẻ, suất sinh lợi của đồng tiền này cũng không hấp dẫn, là động cơ để các nhà đầu tư bán USD, chuyển sang các loại tài sản khác “hấp dẫn” hơn, và vàng đã là loại tài sản thay thế đồng “bạc xanh” được ưu ái, thể hiện qua sự tăng giá ấn tượng của thứ kim loại quý này trong thời gian qua. Trong năm 2009, giá vàng tăng trên 30%, chinh phục đỉnh cao kỷ lục 1,226.05USD/Oz trong khi đồng USD mất giá trên “bàn cân ngoại tệ” do tác động từ sự yếu ớt nền kinh tế Mỹ.
Theo các nhà phân tích, “hứa hẹn” lãi suất USD thấp của FED sẽ là “nguồn lực” dồi dào cho vàng duy trì xu hướng tăng trong dài hạn, vì rằng, đồng USD vẫn khó lấy lại phong độ, hoặc nếu có, đồng Đôla Mỹ này cũng chỉ “trở mình” không đáng kể.
3. EUR được giữ ổn định trước cuộc họp FOMC
Trong ngày hôm qua, EUR hầu như giữ trạng thái “án binh bất động” khi chịu sự tác động của hai yếu tố đan xen nhau. Đầu tiên những dữ liệu kinh tế khu vực đã phát đi tín hiệu phục hồi khi các dữ liệu được cải thiện như với báo cáo sức mua nhà sản xuất đạt kêt quả khả quan ở cả lĩnh vực sản xuất lẫn tiêu dùng, các chỉ số hàng hóa đã đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm. Báo cáo PMI của Đức hôm qua sẽ cho cái nhìn về tình hình sức khỏe với việc sản xuất đã tăng từ 51.4 lên 53.1. Ngoài ra, chỉ số gía người tiêu dùng đã tăng lần đầu tiên trong 7 tháng ở mức 0.5% nhưng con số hàng tháng lại có chút thất vọng khi chỉ ở mức 0.1%. Tuy nhiên kinh tế khởi sắc vẫn không giúp gì cho đồng tiền khu vực này mà điều tác động đến việc EUR giảm giá là việc hạ tín dụng của Hy Lạp đang ảnh hưởng đến hệ thống tài chính khu vực này và những bất ổn tín dụng gần đây. Mới đây, tổ chức Standard & Poor’ sẽ có những hành động thêm nếu Hy Lạp không có kế hoạch giảm nợ, điều này đã dấy lên nỗi lo cho hệ thống tài chính khu vực này. Đã vậy, bạc xanh tăng giá so với EUR sau khi FED công bố kế hoạch giữ lãi suất ổn định và tuyên bố rằng điều kiện kinh tế tiếp tục được cải thiện. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua tỷ giá EUR/USD hầu như giao dịch xung quanh mốc 1.4570.
Hôm nay, thông tin khu vực hầu như không có gì quan trong, do vậy tỷ giá EUR/USD sẽ chịu tác động từ tin kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, đồng EUR dường như vẫn chưa “dễ thở” gì khi sự “trỗi dậy” của đồng USD so với các đối thủ khác đang trở nên mạnh mẽ hơn.
4. USD/JPY tiến sát ngưỡng 90.00 trong khi thị trường chờ đón tin từ Fed.
Hôm qua, lại là một ngày giảm điểm nữa của đồng JPY trước bạc xanh khi hai trong ba chỉ số chính của phố Wall là Nasdaq và S&P500 đều lên điểm. Tuy nhiên, mức tăng không mạnh bởi không còn lực đẩy nào cho thị trường sau khi Fed công bố giữ nguyên lãi suất đồng USD khiến trào lưu kinh doanh chênh lệch lãi suất giảm bớt đi sức hấp dẫn, giúp JPY không có một ngày giảm điểm quá sâu. Kết thúc ngày giao dịch, tỷ giá USD/JPY tăng lên mức 89.78, tăng 11 điểm so với mức giá mở cửa đầu ngày.
Trong khi đó, tại thị trường Nhật, cố phiếu ngân hàng của nước này đã có một ngày tăng điểm mạnh mẽ khi Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã cho phép các ngân hàng ở Nhật được hoãn tăng vốn và cho phép thực hiện trong 10 năm. Thông tin này đã giúp cho cổ phiếu Mizuho Financial Group tăng 15%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group và Aozora Bank tăng 14%, cổ phiếu Shinsei Bank lên 13%. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,93%, chốt ở mức 10.177,41. Mặc dầu thị trường chứng khoán Nhật ngày hôm qua rất khởi sắc nhưng khi nhìn lại những thông tin kinh tế vĩ mô thì thị trường vẫn khá buồn lòng. Báo cáo niềm tin tiêu dùng của Nhật suy giảm trong tháng 11 và cũng là lần suy giảm đầu tiên của năm 2009 vừa được công bố gần đây cho thấy một thị trường lao động ảm đạm, một thị trường vốn suy yếu và thị trường lương thưởng đang bị cắt giảm tại Nhật. Chỉ số niềm tin đã giảm từ mức 40.5 xuống còn 39.5 trong khi chỉ số Cabinet Office cũng giảm tháng thứ 2 trong năm.
Hôm qua, báo cáo về số đơn đặt hàng máy móc tháng 10 tại Nhật dầu có tăng hơn so với tháng trước (-8.6%) nhưng mức tăng không đáng kể (-8.4%) cho thấy tình trạng suy yếu của kinh tế Nhật. Cùng ngày, Bộ Tài chính Nhật (BOJ) cũng mở cuộc họp về chính sách tiền tệ. Trong tình hình hiện nay, hẳn BOJ vẫn tiếp tục quan điểm với đồng JPY giống như kỳ trước. Câu trả lời sẽ được công bố trong ngày hôm nay cùng với những báo cáo mới trên thị trường lao động tại Mỹ dự báo khả quan. Bởi vậy, dự báo đồng JPY sẽ vẫn được bán ra trong ngày hôm nay.
(scb)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com